Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình:

7 nhóm giải pháp trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 07/11/2017, 17:30
Sáng 7-11, sau khi nghe Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).


Đã kiến nghị thu hồi về ngân sách 46.268 tỷ đồng và 5.308 ha đất

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trong PCTN, kiên quyết thanh tra, kiểm tra phát hiện đưa ra truy tố, xét xử để xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án kinh tế nghiêm trọng theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Có thể nói thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội như đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, thời gian qua, đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức nhà nước vi phạm, có cả cán bộ, công chức cấp cao. Qua đó, nhận diện những sơ hở, bất cập cả trong cơ chế, chính sách và nhất là trong công tác tổ chức thực hiện trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả.

Đồng thời, qua đó, Chính phủ đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí và thời gian, nhất là trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, thuế, đất, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hành được giao. Các ngành, các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình.

Về phát hiện xử lý hành vi tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường và đạt được kết quả tích cực, đã tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao, đã chỉ đạo, xử lý kết luận thanh tra và xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra các dự án lãng phí, thua lỗ lớn, các dự án dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực nhạy cảm; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách 46.268 tỷ đồng và 5.308 ha đất, ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 5.403 tỷ. Phát hiện và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra so với năm 2016 tăng 52.1% số vụ và 100% số đối tượng.

“Điểm danh” những hạn chế trong phòng chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế . Đó là một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng chậm được ban hành, việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật vẫn còn chậm; vụ việc tham nhũng phát hiện chưa phản ánh đúng thực tế, công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, bất cập, kể cả về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ, về kinh phí.

Việc thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng còn ít, kể cả tiền, đất đai và các loại tài sản khác; ý thức đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong thực thi công vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, phẩm chất, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, thiếu kiểm tra. Việc công khai, minh bạch chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện công khai, minh bạch. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản còn hạn chế, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản... có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chưa có chuyển biến rõ rệt.

Bổ sung quy định xử lí cán bộ vi phạm khi đã thôi việc, về hưu

Nêu ra 7 nhóm giải pháp trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội. Tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự, hoàn thiện cơ chế giám định về tư pháp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản. Tăng cường thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Tổng kết, đánh giá Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong đánh giá, bổ nhiệm người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ có cơ chế hữu hiệu để loại trừ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức kém hiệu quả. Phải thực hiện tuyên truyền bằng hành động thực tiễn, nêu cao tính gương mẫu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, nhất là trong việc kê khai minh bạch tài sản, công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng.

Tăng cường tập trung thanh tra kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Cổ phần hóa doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ v.v..

Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi xây dựng chương trình công tác thanh tra hàng năm phải tập trung tại các tỉnh có nhiều dự án đầu tư lớn khai thác tài nguyên khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp nhất là những vụ việc thuộc diện ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo dõi chỉ đạo áp dụng đầy đủ các biện pháp xác minh kê biên tài sản đối với các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố xét xử thi hành án để đảm bảo thi hành thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng, chống tham nhũng.

Phương Thuỷ
.
.
.