“Liều thuốc Samurai” trong quan hệ song phương Nhật - Trung

Thứ Hai, 15/12/2014, 16:30
Trong những bình luận có thể "chọc giận" Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/11 vừa qua cho biết ông muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và Australia nhằm hiện thực hóa một tương lai thịnh vượng, an toàn và hòa bình trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Abe đã vạch ra viễn cảnh mở rộng quan hệ hợp tác quân sự ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 do "người bạn thân nhất" của Nhật là Australia chủ trì tại thành phố Brisbane. Viễn cảnh về một liên minh ba bên chặt chẽ hơn có thể gây lo ngại tại Bắc Kinh rằng Nhật Bản, Mỹ và Australia đang cùng nhau "tạo vòng vây" để kìm hãm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Khi người Nhật cần khôi phục sự tự tin

Thủ tướng Shinzo Abe đã tới thăm Australia hồi tháng 7, trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Australia và cũng ký kết một thỏa thuận về chia sẻ công nghệ quốc phòng. Ông Abe đã bác bỏ rằng quan hệ quốc phòng thân thiết hơn với Nhật sẽ làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

Như một phản ứng đáp trả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh cũng sẵn sàng tăng cường quan hệ quốc phòng với Australia. Theo đó, phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Australia để thúc đẩy trao đổi thông tin trong cơ chế quốc tế và khu vực. Trung Quốc rất mong muốn giải quyết triệt để các vấn đề an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống ở tất cả các dạng để cùng bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại châu Á - Thái Bình Dương và… xa hơn thế.

Chính quyền Abe tiếp tục khiến Trung Quốc khó chịu khi tuyên bố đang lên kế hoạch hiện thực hóa dự luật tăng tiền phạt cho hành vi xâm phạm vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản của các tàu cá nước ngoài lên đến 30 triệu yên. Động thái này được cho là nhằm răn đe Trung Quốc, cho thấy quyết tâm chống lại hành vi ăn trộm, đánh bắt trái phép của các tàu cá nước ngoài trên vùng biển của Nhật Bản. Tokyo cũng đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đến ăn trộm san hô đỏ trong vùng biển của Nhật Bản. Do ham lợi nhuận quá lớn, khiến số lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép ngày càng đông.

Trong một động thái khác gần đây, Chính phủ Nhật đã thông qua được dự thảo nghị quyết cho phép nước này sử dụng "quyền phòng vệ tập thể". Nghị quyết này được coi là một cách diễn giải mới điều 9 của Hiến pháp, tạo điều kiện để quân đội Nhật Bản có thể triển khai những hoạt động bên ngoài lãnh thổ. Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang hết sức căng thẳng và phức tạp, thì việc nghị quyết này gây nên những phản ứng trái chiều âu cũng là điều dễ hiểu.
Chuỗi đảo Senkaku / Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ lâu là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Mỹ, Australia và Philippines ngay lập tức là những nước đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ quyết định này của Chính phủ Nhật. Các nước này cho rằng, quyền phòng vệ tập thể sẽ giúp Nhật Bản, với vai trò của một nền kinh tế hàng đầu thế giới, có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Nhiều nước ASEAN thì cho rằng quyết định trên là công việc nội bộ của Nhật Bản, nhưng cũng ủng hộ và bày tỏ mong muốn những thay đổi của nước này là nhằm hướng tới sự ổn định, giúp tăng cường thịnh vượng của khu vực.

Theo chiều ngược lại, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ nghị quyết này vì sự thay đổi của Nhật Bản đe dọa đến an ninh khu vực. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng. Với Bắc Kinh, sự "bất bình thường" của Nhật Bản trong suốt thời gian qua hoàn toàn bất lợi cho tiến trình "phát triển hòa bình " (hay trỗi dậy hòa bình) mà Trung Quốc đang theo đuổi lâu nay.

Với một xã hội mà tinh thần Samurai (tinh thần thượng võ, quật cường không chấp nhận thất bại một cách ươn hèn) là chủ đạo, thì khi lên nắm quyền, tất cả những khó khăn, thách thức mà Thủ tướng Abe phải đối mặt chính là sự thiếu tự tin. Đồng thời, việc đánh mất vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới vào tay Trung Quốc, lại càng khiến cho sự tự tin vốn có của người Nhật bị đe dọa nghiêm trọng.

Dưới góc độ an ninh, hơn nửa thế kỷ phó thác trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia cho Mỹ, không ít người Nhật đã hình thành tư tưởng ỷ lại, ngại dính líu vào bất cứ một xung đột bên ngoài nào. Khi những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc dần leo thang tới mức đe dọa nghiêm trọng an ninh đất nước, giới chức Nhật Bản buộc phải thay đổi nhận thức về mức độ trách nhiệm "tự bảo vệ".

Trong bối cảnh hiện tại, quan điểm duy trì điều 9 của Hiến pháp có thể coi là biểu hiện của sự ỷ lại và trì trệ. Với ông Abe, đó chính là sự thiếu tự tin vào khả năng quốc phòng của đất nước sau một thời gian dài không được sử dụng. Rõ ràng, những điều chỉnh trong chính sách an ninh gần đây của chính quyền Abe không chỉ đơn thuần giúp tăng khả năng tự vệ mà còn giúp nâng cao vai trò của Nhật Bản trong quan hệ với các đồng minh. Ông Abe cũng cho thấy cách tiếp cận mới để có thể duy trì cam kết "Nhật Bản là quốc gia hòa bình" (cũng chính là điều 9 của Hiến pháp).

Cuộc gặp phá băng

Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản hôm 10/11 vừa qua gặp nhau sau gần 2 năm hai nước có quan hệ băng giá là dấu hiệu ban đầu cho thấy đôi bên sẵn sàng giải quyết bất đồng vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, ít người cho rằng cái bắt tay của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một cử chỉ thiện chí, bởi cả hai đều tỏ rõ thái độ lạnh nhạt.

Khi bắt tay nhau trước ống kính của giới truyền thông, ông Tập Cận Bình đã không cười hay nói gì. Cái bắt tay lịch sự, nhưng ngôn ngữ cơ thể của hai nhà lãnh đạo đã phản ánh thực tế rằng: triển vọng làm ấm quan hệ song phương vẫn còn khá xa vời. Biểu cảm cứng nhắc của Chủ tịch Tập Cận Bình khi gặp Thủ tướng Abe thể hiện quan điểm đồng tình với thái độ của người dân Trung Quốc, khi ký ức về thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng trong chiến tranh vẫn còn sâu đậm.

Thế nhưng, báo giới cho rằng cái bắt tay lịch sử giữa hai lãnh đạo Trung - Nhật lại đánh dấu một sự thay đổi, nhằm "phá băng" quan hệ lạnh lẽo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình và ông Abe đã nói chuyện với nhau - từ khi hai ông nắm quyền lực cùng vào cuối năm 2012 -  dù chỉ trong 30 phút, tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh). Cuộc đối thoại ngắn ngủi diễn ra 3 ngày sau khi hai nước cùng đồng ý làm việc chung để cải thiện quan hệ, và phát tín hiệu sẵn sàng để lại phía sau việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật đang kiểm soát.

Thủ tướng Nhật tin rằng hai quốc gia đã có bước khởi đầu "làm lành" tốt đẹp khi cùng trở lại với nguyên tắc quan hệ chiến lược song phương có lợi. Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình, cho biết Trung Quốc hy vọng Nhật Bản tiếp tục theo đuổi sự phát triển hòa bình, và phải cẩn trọng hơn với các chủ trương quân sự - an ninh. Trung Quốc cần một môi trường quốc tế ổn định và hòa bình để tăng trưởng; nếu không, sự đối kháng tổng thể sẽ mang lại bất lợi cho cả hai bên.
Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đạt được thỏa thuận chính thức cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Tuy vậy, việc xây dựng lại lòng tin giữa hai quốc gia kình địch hay giải quyết những bất đồng cũng không vì thế mà trở nên dễ dàng hơn. Từ lâu nay, quan hệ Nhật - Trung vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng do những tranh chấp lãnh thổ. Việc ông Abe vẫn tiếp tục gửi đồ lễ đến đền Yasukuni, nơi thờ cả những người phạm tội ác chiến tranh, cũng khiến Trung Quốc không ít lần nổi giận. Bắc Kinh luôn khẳng định chính hành động của ông Abe đã đóng sập cánh cửa đối thoại giữa hai nước vì họ coi ngôi đền Yasukuni là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật trước đây.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều từng hướng về đối phương với ánh nhìn đầy nghi hoặc. Bắc Kinh luôn coi chương trình an ninh của ông Abe và trục hướng châu Á của Washington là những chiêu bài nhằm bao vây và kìm hãm Trung Quốc. Tokyo thì chưa bao giờ tin vào việc Trung Quốc ráo riết phát triển quân sự chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích phòng thủ. Ông Abe nghi ngại cuối cùng Bắc Kinh sẽ muốn thay đổi trật tự hiện tại và áp đặt những quy tắc của riêng mình lên khu vực.

Điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán vẫn là tìm ra phương pháp đối phó với căng thẳng trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, đã kéo dài suốt hai năm nay. Trung Quốc và Nhật Bản dường như bị khóa trong một tình thế gần giống với Chiến tranh lạnh từ khi chính phủ của người tiền nhiệm ông Abe mua lại quần đảo này giữa năm 2012.

Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo về điều mà nước này gọi là mối nguy hiểm về việc quân sự hóa của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe, và thường xuyên chỉ trích Tokyo vì sự thiếu ăn năn đối với hành động trong quá khứ. Giận dữ với những gì được cho là hành động đơn phương nhằm gia tăng kiểm soát đối với các quần đảo của Nhật Bản, Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu bán quân sự đến những vùng biển gần đó và thiết lập một vùng phòng không mới trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh yêu cầu tất cả máy bay qua đây phải thông báo kế hoạch bay cho nhà chức trách Trung Quốc.

Về phần mình, ông Abe cũng không nhân nhượng, phát triển đội tuần duyên Nhật Bản nhằm đuổi các tàu Trung Quốc hiện diện gần quần đảo. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thừa nhận Senkaku hay Điếu Ngư đang trong tình trạng tranh chấp. Nhưng đây là điều mà Tokyo đến nay vẫn từ chối thực hiện.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc đang đau đầu tìm kiếm điểm cân bằng mới. Hai quốc gia dường như đều công nhận: họ có quá nhiều thứ để mất, cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, nếu không tìm ra phương cách hòa giải. Cuộc gặp gỡ có lẽ là bước quan trọng đầu tiên để nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới cải thiện tình trạng mất lòng tin vào nhau. Việc nối lại đối thoại sẽ góp phần xây dựng một cơ chế giảm thiểu xung đột bất ngờ giữa hai lực lượng quân đội hùng mạnh nhất khu vực. Và cái bắt tay, dù lạnh nhạt, nhưng đã phần nào gợi ý một nền tảng để đôi bên cùng tiến về phía trước, tạo nên những tiến bộ nhất định…

Lê Nam - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.