Những phận người éo le phía sau tấm huy chương vàng

Chủ Nhật, 27/08/2017, 10:00
Phía sau những tấm huy chương vàng lấp lánh của không ít vận động viên Việt Nam ở kỳ SEA Games 29 này là những câu chuyện, những mảnh đời đẫm nước mắt. Có gần gũi với các vận động viên (VĐV) mới hiểu, để có được một phút vinh quang đứng trên bục vàng, họ đã phải đánh đổi, phải hy sinh, phải mất mát rất nhiều trong cuộc sống.

Sân Bukit Jalil buổi chiều ngày 25 tháng 8, khi VĐV Thu Thảo xuất sắc giật HCV với thành tích nhảy xa 6m 68, hơn người về nhì tới 0,2m thì chính Thảo cũng không biết rằng ở Hà Nội, bố em đang nằm viện. Bố Thảo mắc cùng lúc nhiều bệnh từ nhiều năm nay, cả gia đình thường xuyên phải đi vay tiền chữa bệnh cho bố.

Ở cái thời mà lương một VĐV rất thấp, bố mẹ ở quê đã phải chắt chiu gửi thêm cho Thảo 300.000 đồng/tháng để ăn, tập thì Thảo chợt nhận ra mình không những không giúp được bố, mà còn trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Thế là cô kiên quyết bỏ nghề, lên Hà Nội làm phụ hồ, kiếm 20.000 đồng/ngày. Khoản tiền tuy ít ỏi nhưng Thảo cố chắt bóp để vừa sống vừa có thể gửi chút ít về quê.

Sau khi đoạt HCV, Thu Thảo nhận tin cha đi bệnh viện.

Thế nhưng, người bố bệnh tật đã đi xe ôm lên Hà Nội kiên quyết bắt Thảo phải bỏ công việc phụ hồ để trở về "đam mê điền kinh" với lý do: "Nếu vì tôi mà cháu đánh mất sự nghiệp thì tôi chết cũng không đành lòng".

Dưới áp lực của bố, Thảo trở lại nghề, và đặt mục tiêu phải có huy chương để vừa đem lại vinh quang cho Tổ quốc, vừa có thêm một khoản tiền đỡ đần bố mẹ. Buổi chiều ngày 25-8 vừa qua, sau khi nhận HCV, và khi được báo tin "bố nằm viện mấy hôm nay" thì Thảo đã viết những dòng thật cảm động trên facebook: "Ngày hôm nay con vui vì giành HCV nhưng lại buồn vì hay tin bố đang nằm viện. Con mong tấm HCV của con ngày hôm nay sẽ làm bố vui, chiến thắng bệnh tật. Con yêu bố nhiều lắm ạ...".

Cũng lớn lên trong một gia đình rất nghèo như Thảo là cô gái Nguyễn Thị Hồng Anh - người vừa xuất sắc đạt HCV Karatedo sau một cú đá vồng cầu tuyệt đẹp. Nghèo nhưng kiên quyết cho con theo đuổi ước mơ nên năm 2011, bố mẹ Hồng Anh đã chạy vạy một khoản tiền rất lớn với mình là 10 triệu đồng để con gái có thể tham dự giải Karatedo Malaysia mở rộng. Giải ấy Hồng Anh đoạt HCV, và nhờ thế chính thức được khoác áo Đội tuyển Quốc gia. Đến năm 2015 thì chính Hồng Anh cũng phải chạy vạy lo đủ 700 USD để có thể tham dự giải vô địch Karatedo Đông Nam Á.

Hồi ấy, Hồng Anh tâm sự: "Nếu đoạt HCV, tôi sẽ đủ tiền trả nợ. Nhưng nếu không đoạt HCV thì khó lắm. Tính đi tính lại, cuối cùng tôi vẫn quyết định vay, bởi trong trường hợp xấu nhất, không đoạt HCV, tôi sẽ lấy tiền bồi dưỡng hằng tháng để trả nợ dần". May thay giải ấy Hồng Anh giật tới 2 chiếc HCV, và tiền thưởng từ 2 chiếc HCV ấy vừa đủ giúp cô... trả nợ. Hôm rồi, sau khi đoạt HCV SEA Games, Hồng Anh chia sẻ với báo giới: "Tôi tặng tấm HCV này cho gia đình mình, những người đã vượt qua mọi khó khăn để ủng hộ nghề nghiệp của tôi và luôn dõi theo tôi".

Gia đình, đấy cũng là điều mà VĐV đấu kiếm 3 cạnh Nguyễn Thị Như Hoa nói đến nhiều nhất sau khi đoạt chiếc HCV SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu của mình. Sau Asiad 15 năm 2006, Như Hoa từng bỏ nghề thể thao đi lấy chồng, nhưng khi đứa con đầu lòng lên 3 tuổi, hai vợ chồng chia tay. Những đêm một mình trông con là những đêm Hoa nhớ quay quắt từng đường kiếm. Thậm chí có lúc cô vùng dậy, vừa tập kiếm một mình vừa ôm mặt khóc. Thế là Hoa quyết định quay lại với nghề, với một khát khao cháy bỏng: "Phải trở thành một VĐV giỏi, một HLV giỏi sau này".

Vài năm trước, Hoa đã có thêm một đứa con gái với người chồng mới, nhưng rồi cuộc sống vợ chồng cũng không hạnh phúc, Hoa phải gửi con cho bố mẹ trông nom để đi tập huấn biền biệt. 

Cái khoảnh khắc đoạt chiếc HCV SEA Games vừa rồi, người đàn bà, người mẹ 33 tuổi này đã rơm rớm nước mắt khi chia sẻ với giới phóng viên: "Tôi đã phải gửi 2 đứa con ở 2 nơi khác nhau để tham dự SEA Games này. Tôi mừng đến rơi nước mắt vì nghĩ đến cảnh sắp được trở về, gặp lại 2 con".

Đấy chỉ là ba câu chuyện điển hình trong rất nhiều câu chuyện cảm động của các VĐV phía sau ánh vàng lấp lánh. Có gần gũi với họ mới thấy, một chiếc HCV nhiều khi được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt của những phận người éo le...

Hiếu Hà (tổng hợp)
.
.
.