Nhìn thẳng vào U22 Việt Nam trước trận đấu với người Thái

Thứ Năm, 24/08/2017, 12:47

Sau trận hòa với U22 Indonesia, tất cả hi vọng của người hâm mộ Việt Nam được dồn nén lại đề chờ bùng nổ trong trận cầu quyết định với các cầu thủ U22 Thái Lan. Vậy, chúng ta có gì để đấu với người Thái?


Trước trận đấu này cách đây 1 ngày, nghĩa là trong buổi tập sau khi các cầu thủ của chúng ta hòa 0-0 với U22 Indonesia, điều mà chúng tôi và nhiều người hâm mộ đội bóng nước nhà cảm thấy mừng vui nhất, đó là nụ cười xuất hiện trên gương mặt các cầu thủ trẻ của chúng ta. Và nụ cười được chú ý nhất, đó là của Hồ Tuấn Tài.

Ai cũng biết rằng sau trận hòa mà dư luận cho là như thua ấy, đặc biệt là sau cú sút cận thành của Hồ Tuấn Tài trong những phút cuối trận, em đã bị cộng đồng mạng ném đá một cách không thương tiếc. 

Người ta quy chụp tất cả trách nhiệm của một trận thắng thua vào đôi chân em; người ta cũng không ngần ngại phỉ báng em bằng cái tên tự chế “Bất Tài”… Vậy, chúng ta phải nhìn nhận về trận đấu ấy như thế nào để cho được đúng đắn?

Công bằng mà nói, tình huống Hồ Tuấn Tài đối mặt, tung ra cú sút cận thành và bị thủ môn đối phương đẩy bóng khiến bóng đập trúng xà ngang, đó là một tình huống rất đáng tiếc. Nếu như em xử lý tinh tế hơn, đưa bóng sang góc rộng bên phải hoặc sút chìm ở góc trái, cơ hội sút tung lưới U22 Indonesia là sáng rõ hơn bao giờ hết. Nhưng, bóng đá là vậy, ngay cả các siêu sao hàng đầu của bóng đá thế giới vẫn có thể sút ra ngoài ở những tình huống còn dễ hơn như trong trường hợp của Hồ Tuấn Tài.

U22 Việt Nam còn nhiều điểm cần phải cải thiện.

Gần đây nhất, trong trận đấu giữa Real Madrid và Celta Vigo đêm ngày 18-5, trong tình huống bật tường với Kroos, bóng trở lại với Ronaldo trong thế đối mặt với thủ thành Sergio Alvarez ở vị trí khoảng 5m, gần giống hệt như vị trí của Hồ Tuấn Tài, siêu sao Ronaldo đã sút ra ngoài khung thành trong sự tiếc nuối của các đồng đội và CĐV trên sân. Nếu so sánh chính xác, cú sút này của Ronaldo còn không tốt bằng pha dứt điểm của Hồ Tuấn Tài.

Theo chúng tôi, nhìn nhận lại cả chặng đường 4 trận đã qua, công bằng mà nói, dù chúng ta chưa nhận thất bại nào với chiến tích 3 trận thắng, 1 trận hòa với tổng cộng 12 bàn thắng, 1 bàn thua, U22 Việt Nam là một trong những đội bóng mạnh của khu vực Đông Nam Á nhưng chưa phải là đội bóng nổi trội nhất. Bằng chứng là các cầu thủ trẻ của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm quan trọng.

Thứ nhất và là điểm cố hữu nhất đó là vấn đề về thể lực. Thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm gần đây, thể lực của các đội tuyển bóng đá Quốc gia của chúng ta đã được cải thiện rất rõ rệt và có thể đá khá sòng phẳng với các đội bóng trong khu vực và Châu lục. 

Tuy nhiên, ở lứa cầu thủ U22 này, các em cũng vẫn có được thể lực tốt. Cụ thể là khi  gặp các đội bóng yếu hơn như U22 Timor Leste, U22 Campuchia hay U22 Philippines, các em đá hoàn toàn lấn lướt và vẫn duy trì mạch tấn công đến hết trận đấu. Tuy nhiên, khi gặp đến U22 Indonesia, thì vấn đề thể lực mới hiện hữu rõ.

Theo chúng tôi, có 2 vấn đề khiến cho thể lực của các em không đảm bảo suốt 90 phút. Thứ nhất là do Indonesia là một đội bóng có thể lực sung mãn, không ngại di chuyển và va chạm nên các cầu thủ của chúng ta phải tốn nhiều sức hơn. Điểm thứ 2 và là vấn đề quyết định, đó là các cầu thủ của chúng ta thi đấu khá tốn sức. Có nghĩa là sự phối hợp giữa các tuyến và giữa cá nhân các cầu thủ với nhau không được nhuần nhuyễn và thường xuyên.

Bên cạnh đó, một số cầu thủ của chúng ta như Văn Toàn hay Công Phượng cũng thường xuyên cầm bóng và “cắm đầu chạy”. Ai cũng biết là Công phượng đang có được 4 bàn thắng chủ yếu nhờ những pha đột phá cá nhân, điều đó là cần thiết, nhưng nếu chỉ có cầm bóng và làm như thế, gặp các đối thủ mạnh và hiểu rõ lối chơi, Công Phượng sẽ khó lòng tỏa sáng. Đấy là chưa nói ở một góc độ nào đó, lối đá của Phượng sẽ làm giảm cơ hội và khả năng có bàn thắng của toàn đội.

Điểm yếu thứ 2 của các cầu thủ U22 Việt Nam đó là về lối chơi cũng như chiến thuật. Thực lòng, rất khó gọi một cách chính xác lối chơi của các cầu thủ của chúng ta ở thời điểm hiện tại. Phòng ngự phản không phải; tấn công cũng không đúng… Thêm vào đó, các mảng miếng tấn công của chúng ta áp dụng cũng không rõ nét. Lối đánh biên thì gần như không có; bật nhả cũng không nhiều.

Có chăng chỉ là nhưng pha chọc khe, phất bóng của Tuấn Anh, Xuân Trường hay những pha đột phá cá nhân để khoét nách rồi căng ngang… Vì những lẽ đó, gặp các đối thủ mạnh, tuy các cầu thủ của chúng ta vẫn hăng say di chuyển, tâm huyết cầm bóng nhưng vẫn bế tắc trong các phương án tấn công để tiếp cận khung thành của đối thủ. Đây mới là điều đáng ngại nhất.

Tuy nhiên, trong bóng đá, mọi chuyện hoàn toàn có thể xảy ra trước khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu. Một tình huống cố định, một sự tỏa sáng của một cá nhân có thể định đoạt trận đấu. Và nhìn nhận một cách công bằng, U22 Thái Lan ở Seagame lần này không phải là một đội bóng mạnh của họ như những kỳ Seagame trước.

Chúng ta có thể thắng người Thái ở trận đấu này, nhưng về lâu dài, những yếu điểm như vừa phân tích cần phải được nhìn nhận và cải thiện. 

Có như vậy, đội bóng của chúng ta mới có quyền hi vọng vào những mục tiêu xa hơn trong thời gian tiếp theo. Nhìn nhận khách quan sẽ giúp người hâm mộ tránh được tình trạng bấy lâu nay rằng, khi thắng thì cho các cầu thủ lên mây, khi thua thì vùi dập không thương tiếc.

Cảnh Vũ
.
.
.