Bơi Việt Nam với SEA Games 28:

Môn bơi kỳ vọng bởi Ánh Viên, Quý Phước

Thứ Sáu, 22/05/2015, 09:01
Ngay khi đặt ra chỉ tiêu giành 8/10 HCV tại SEA Games 28, các nhà quản lý môn bơi đã đặt nhiều kỳ vọng vào Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước – những người đã giành tới 4 HCV cho bơi Việt Nam ở SEA Games trước. Vì vậy, chỉ cần 2 kình ngư này thi đấu không đúng phong độ, chỉ tiêu trên sẽ không thể thành hiện thực.

Bước ngoặt ở SEA Games 27

Đối với đội tuyển bơi Việt Nam, SEA Games 27 là bước ngoặt lớn về thành tích. Lần đầu tiên bơi Việt Nam đã đạt đến cột mốc 5 HCV tại một kỳ SEA Games. Tất cả bắt nguồn từ cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái người Cần Thơ được đầu tư mạnh mẽ với chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ đã giành tới 3 HCV (200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp).

Cộng với tấm HCV 200m tự do của Hoàng Quý Phước và 1.500m tự do của Lâm Quang Nhật, bơi Việt Nam đã buộc các đối thủ mạnh trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan phải chú ý. Không kể, ở SEA Games 27, Hoàng Quý Phước thất bại ở đường đua 100m tự do nam dù được dự báo là có thể đoạt HCV. Nhưng 5 HCV ở kỳ SEA Games đó là quá đủ với bơi Việt Nam để yên tâm vào cách đầu tư lực lượng bằng các chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài.

VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (giữa).

Trước SEA Games 27, bơi Việt Nam thường chỉ có 1 kình ngư giành HCV. Ngày trước là Nguyễn Hữu Việt rồi sau này là Hoàng Quý Phước. Thành tích tốt nhất của bơi Việt Nam trong một kỳ SEA Games là 2 tấm HCV 100m, 200m tự do của Hoàng Quý Phước ở SEA Games 26. Nhưng đến SEA Games 27, lần đầu tiên bơi Việt Nam có tới 3 kình ngư giành HCV và có một kình ngư là Ánh Viên đã chạm mốc 3 HCV. Việc có nhiều VĐV đoạt HCV đã giúp các nhà quản lý môn bơi Việt Nam rộng đường tính toán cơ hội đoạt HCV SEA Games 28 hơn.

Tất nhiên, các cuộc đấu trên đường đua xanh ở SEA Games vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt và sự cạnh tranh khốc liệt, không mang tính “hội làng” như nhiều người nghĩ. Những Tao Li (Singapore), Nanthana (Thái Lan) và bây giờ là Ánh Viên đã chạm mốc trình độ châu Á đủ khiến đường đua luôn sôi động, thu hút sự chú ý.

Kỳ vọng đột phá

Chưa SEA Games nào, bơi Việt Nam lại đặt mục tiêu cao như kỳ này dù phải thi đấu ở Singapore - quốc gia số 1 về bơi ở Đông Nam Á. Nhưng những người đề ra mục tiêu cũng có cơ sở nhất định chứ không đăng ký bừa. Gần 2 năm qua, nhờ tiếp tục được tập huấn tại Mỹ, thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên thăng tiến ổn định trong đó điểm nhấn là 2 tấm HCĐ nội dung 200m ngửa và 400m ngửa tại ASIAD 2014. Những thông số từ chuyến tập huấn tại Mỹ cho thấy kình ngư này có thể giành được tới 6 HCV SEA Games, tức bằng 2/3 chỉ tiêu HCV của đội tuyển bơi.

Ông Đinh Việt Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam đã nhận định rằng: “Ánh Viên có thể bảo vệ được 3 tấm HCV 200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp tại kỳ SEA Games trước và tranh chấp sòng phẳng ở nội dung 400m, 800m tự do cũng như một số nội dung khác”.

Nhưng để hoàn thành trọng trách, kình ngư nữ số 1 Việt Nam này phải vượt qua hàng loạt khó khăn và sẽ phải tính toán, phân phối thể lực để có thể hoàn thành các phần thi. Có ngày, cô sẽ phải tranh tài ở 3 nội dung, trong đó lượt thi vòng loại của 2 nội dung chỉ cách nhau 14 phút. May cho Ánh Viên và bơi Việt Nam là BTC đã tiếp thu ý kiến của các đoàn để điều chỉnh cách sắp xếp thời gian thi chung kết. 

Trước đây, BTC định để các VĐV thi hết các lượt chung kết rồi mới trao giải. Điều này khác thông lệ tại các giải quốc tế là thi 2 lượt chung kết rồi trao giải và sau đó lại thi 2 lượt chung kết. Như dự định ban đầu của BTC môn bơi SEA Games 28 thì những VĐV tham dự nhiều nội dung chung kết sẽ sớm mất sức, khó đạt thành tích tốt nhất. Những người như Ánh Viên hoàn toàn có thể rơi vào trường hợp này và sẽ không thể bảo đảm chỉ tiêu HCV của mình. Đến bây giờ, BTC môn bơi đã sắp xếp các lượt thi đấu theo thông lệ quốc tế nên cơ hội của Ánh Viên lại “sáng” hơn nhiều.

Còn Hoàng Quý Phước sau một thời gian không thích nghi được với môi trường tập luyện ở Mỹ đã tìm lại được mình sau các chuyến tập huấn ở Trung Quốc và bây giờ là Nhật Bản. Kình ngư một thời là ngôi sao sáng nhất của bơi lội Việt Nam đã tập huấn tại Nhật Bản được gần 3 tháng nay và đạt được những thông số khả quan để có thể hướng tới việc giành 2 tấm HCV 100m và 200m tự do nam. Ở 2 nội dung này, tại Giải vô địch bơi Nhật Bản vừa qua, Hoàng Quý Phước đều đã đạt chuẩn B tham dự Olympic 2016. Nhờ thế, kình ngư này mới có thể tự tin hướng đến SEA Games 28. 

So với Ánh Viên, Quý Phước không có điều kiện tập luyện quanh năm ở nước ngoài. Đó cũng là thiệt thòi cho “rái cá sông Hàn” này dù có những tố chất đặc biệt để có thể so đọ HCV ở khu vực Đông Nam Á – từ trước đến nay vẫn là đấu trường cần khẳng định mình của bơi Việt Nam. Dù vậy, những tín hiệu tích cực từ chuyến tập huấn Nhật Bản của Quý Phước cũng đủ khiến bơi Việt Nam không còn lo lắng như 2 năm trước. Khi đó,  sau chuyến tập huấn tại Mỹ không thành công, Hoàng Quý Phước mất một thời gian dài tập luyện không đến nơi đến chốn, khiến chỉ tiêu đoạt HCV ở SEA Games 27 của anh lung lay dữ dội.

Còn lúc này, như những người có trách nhiệm của bơi Việt Nam khẳng định thì mọi việc đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Nếu không có phát sinh trước các cuộc đấu thì chỉ tiêu 8-10 HCV ngay trên đất Singapore  hoàn toàn có cơ hội thành hiện thực chứ không phải là chỉ tiêu viển vông. 

Chờ Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi cùng tỏa sáng

2 năm trước, Lâm Quang Nhật đã gây bất ngờ khi đoạt tấm HCV 1.500m tự do nam trong ngày thi cuối của môn bơi ở SEA Games 27. Đến lần này, Lâm Quang Nhật được kỳ vọng sẽ bảo vệ được tấm HCV nội dung trên. Trong khi đó, Trần Duy Khôi từng được kỳ vọng rất nhiều, bắt đầu từ năm 2011, và đến SEA Games lần này cũng được nhắm đến mục tiêu giành ít nhất 1 HCV. Tại Giải vô địch bơi trẻ toàn quốc vừa qua, cả Lâm Quang Nhật và Trần Duy Khôi đều tỏa sáng, góp công lớn vào thành tích 60 HCV của đoàn TP Hồ Chí Minh.

Ánh Viên, Quý Phước tập trung ở Việt Nam rồi mới sang Singapore

Theo kế hoạch của đội tuyển bơi quốc gia, các VĐV đang đi tập huấn nước ngoài như Ánh Viên, Quý Phước sẽ có mặt tại Việt Nam trước ngày 2/6 để ngày 3/6 di chuyển sang Singapore. Đội sẽ có 2 ngày tập luyện trước khi vào thi đấu từ ngày 6/6.

Minh Thùy
.
.
.