Lễ chào cờ không chỉ là thủ tục

Thứ Bảy, 13/06/2015, 13:42
Về nguyên tắc khi hát quốc ca hoặc cử quốc thiều thì mọi công dân đều phải nghiêm trang, nhưng thực tế thì chúng ta thấy không ít trường hợp thực hiện việc này chỉ mang hình thức thủ tục, thậm chí chiếu lệ. Ở SEA Games 28, nghi thức cử quốc thiều mỗi khi vận động viên đoạt huy chương vàng được thực hiện rất long trọng.

Có lần tại đấu trường Singapore Expo, khi ấy khoảng 22h, huy chương vàng được trao cho võ sĩ Singapore và quốc thiều được vang lên. Bên ngoài sàn đấu, tại hành lang tối thì các tình nguyện viên áo tím đứng nghiêm trang.

Có một bà khán giả nước khác đang vội vã đi qua hành lang thì được một tình nguyện viên ngăn lại. Bà này không hiểu vì quốc thiều vang lên có vẻ như không liên quan, vì đó không phải của đất nước của bà. Tình nguyện viên áo tím giải thích đang lễ chào cờ, xin mời không di chuyển. Sau khi nhạc kết thúc, tình nguyện viên cảm ơn. Ngay trong bóng tối cũng không được đại khái.

Đôi khi đã quen với việc chào cờ là việc riêng của yếu nhân và khán giả, còn các thợ ảnh vẫn di chuyển, hậu đài vẫn khuân vác, chỉ huy truyền hình vẫn phân công qua bộ đàm, thợ điện vẫn leo thang, ai lo việc nấy thì mới ngỡ ngàng khi lễ chào cờ ở SEA Games không bao giờ có sự chuyển động của các bộ phận chuyên môn.

Không gian lớn của sân vận động quốc gia có rất nhiều nội dung thi điền kinh như chạy, nhảy xa, nhảy cao, tạ xích… thì phần trao huy chương khá nhiều. Mỗi lần Quốc thiều vang lên thì toàn bộ các nội dung thi đấu khác toàn sân đều dừng lại. Tất cả vận động viên, tình nguyện viên, khán giả trên khán đài, nhiếp ảnh gia đều đứng nghiêm, hướng về quốc kỳ của nước đoạt huy chương vàng một cách nghiêm trang. Tất cả không gian như đóng băng.

Nếu không phải chủ nhà thì người thuộc quốc ca chỉ là thành viên đoàn thể thao nên âm thanh khá lẻ loi. Có lần quốc thiều Myanmar cử hành, trong khu photographer có hai giọng hát rất to. Nhìn ra thì là hai nhiếp ảnh gia ảnh Myanmar đang ưỡn ngực hát rất say sưa. Hát cùng vạn người trên khán đài thì dễ, nhưng hát một mình dõng dạc trước đám đông im lặng thì phải đủ tự hào để dẹp đi sự ngại ngùng.

Lê Tâm (từ Singapore)
.
.
.