Làm thế nào để vượt qua rào cản tâm lý?

Thứ Hai, 21/08/2017, 09:43
Rốt cuộc thì sáng 20-8, Đoàn Thể thao Việt Nam đã có được chiếc huy chương vàng đầu tiên sau 4 ngày chờ đợi. Nhưng thực ra nếu giải quyết tốt vấn đề tâm lý thì chiếc huy chương vàng đã có từ vài hôm trước.


Ở nội dung cung 3 dây của nữ - một trong những nội dung thi đấu đầu tiên tại SEA Games 29, vận động viên trẻ Châu Kiều Oanh đã bất ngờ vượt qua hàng loạt các đối thủ người Myanmar, Malaysia... để vào chung kết với một VĐV Indonesia. 

Nhìn cái cách Châu Kiều Oanh vượt qua áp lực của khán giả Malaysia để thắng chính VĐV Malaysia ở bán kết, ông Bùi Trường Giang - Trưởng bộ môn bắn cung Tổng cục Thể dục thể thao, đã thốt lên với một phóng viên quen biết: "Cứ với đà này, chúng ta sẽ có huy chương vàng". 

Nhưng rất tiếc, khi vào tranh chung kết thì Châu Kiều Oanh bỗng nhiên đánh mất tất cả sự tự tin đáng có, dẫn đến việc cả 3 mũi tên đầu tiên chỉ được 9 điểm, trong khi đối thủ của mình ghi 10 điểm. Kết quả như mọi người đã biết: Châu Kiều Oanh mất vàng trong sự tiếc nuối của tất thảy ban huấn luyện cùng các phóng viên Việt Nam có mặt tại nơi thi đấu. 

Các nữ VĐV bắn cung Việt Nam để vuột HCV trong thời khắc quyết định.

Sau này Châu Kiều Oanh chia sẻ với báo giới: "Ở vòng ngoài tôi thi đấu rất thoải mái, tự tin, nhưng vào đến chung kết thì tôi lại bị đè nặng bởi quá nhiều áp lực". Dĩ nhiên, không ai trách Châu Kiều Oanh, vì với một VĐV còn trẻ thì một chiếc HCB SEA Games cũng là điều rất đáng khen, nhưng nếu Oanh có tâm lý vững vàng hơn thì nhiều khả năng chiếc huy chương mà cô có được sẽ phải mang màu vàng.

Ở nội dung cung 3 dây đồng đội, các cô gái bắn cung Việt Nam lại vào chung kết, và sau loạt "mũi tên vàng" - loạt bắn cũng giống như loạt đá Penalty trong môn bóng đá, chúng ta lại thất bại. Nói như HLV trưởng Cáp Mạnh Tân thì việc chúng ta vào đến chung kết nội dung này đã là vượt chỉ tiêu, nhưng nếu may mắn hơn và có bản lĩnh hơn thì mức độ vượt chỉ tiêu còn cao hơn nữa. Rõ ràng với đội tuyển bắn cung Việt Nam sẽ có rất nhiều bài học được rút ra sau kỳ SEA Games này, trong đó quan trọng nhất là bài học về "tâm lý thi đấu" trong những thời khắc mang tính quyết định.

Khác với Đội tuyển bắn cung, với đội tuyển futsal nữ Việt Nam, sau trận ra quân thua Thái Lan 1-3, ban huấn luyện đã nói với báo giới: "Hôm nay các em thua đơn thuần vì chuyên môn, chứ không phải do tâm lý". Cũng giống như thế, sau khi đội tuyển futsal nam Việt Nam thua Thái Lan 1-4, HLV trưởng Rodrigo cũng bảo: "Hôm nay chúng ta thua không phải vì tâm lý". 

Tại sao cứ phải nhấn mạnh đến chuyện "không phải vì tâm lý" như thế nhỉ? Tại vì trước đây, trong những cuộc đối đầu bóng đá Việt - Thái, vấn đề này là có thật. Thậm chí trở thành một nỗi ám ảnh đầy dai dẳng. Trước thềm SEA Games năm nay, tại giải futsal các CLB châu Á, CLB Thái Sơn Nam (nơi cung cấp chủ lực cho Đội tuyển Viẹt Nam) đã thua nặng 6 bàn trước CLB Chonburi (nơi cung cấp chủ lực cho Đội tuyển Thái Lan), và sau trận thua này, ông Rodrigo từng nhận định: "Đá với Thái Lan, chúng ta không còn là cầu thủ nữa. Chúng ta chỉ là những cái bóng trên sân".  

Trong hoạt động thi đấu thể thao, vấn đề tâm lý VĐV ảnh hưởng sống còn tới sự thành - bại sau cùng. Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, có  ba kiểu tâm lý VĐV thông thường: Hưng phấn một cách ổn định, sợ sệt một cách thái quá, và rối loạn, không rõ ràng. Ở các nền thể thao tiến bộ trong khu vực như Thái Lan, Singapore, có cả một đội ngũ bác sĩ tâm lý thể thao đi theo các VĐV trong các cuộc thi đấu để nhận dạng và kê "đơn thuốc" cho các vấn đề tâm lý mà các VĐV đối mặt. Nhưng với thể thao Việt Nam, công việc rất đặc thù này lại được "khoán" cho các HLV -những người mà thực tế chỉ giỏi ở phương diện chuyên môn đơn thuần.

Hy vọng là bên cạnh nỗ lực cải thiện những tồn đọng của chính mình thì thời gian tới đây các VĐV Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi các bác sĩ tâm lý có trình độ. Đến khi ấy nguy cơ mất huy chương vàng trong các thời khắc then chốt của cuộc chơi sẽ được giảm thiểu tối đa.

Hoàng Anh
.
.
.