Chuyện “bữa ăn” của VĐV Việt Nam trước SEA Games 29

Thứ Ba, 08/08/2017, 07:58
Không chỉ chuẩn bị kỹ về vấn đề chuyên môn, các vận động viên đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 còn được đầu tư tối đa về chuyện ăn uống. Tất nhiên, mọi việc cũng chỉ trong khả năng cho phép của ngành thể thao.

Mới chỉ là bớt sức ép

Trước khi Quyết định 32 năm 2011 ra đời, tiền ăn cho vận động viên luôn là vấn đề khiến các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đau đầu. Khi ấy, dù làm mọi cách nhưng họ vẫn không thể bảo đảm sẽ mang đến những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho vận động viên với mức 150 nghìn đồng/ ngày/ vận động viên đội tuyển quốc gia.

Cho đến khi Quyết định 32 năm 2011 được thực hiện, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đã bớt nỗi lo về bữa ăn cho vận động viên. Lúc này mức tiền ăn là 200 nghìn đồng/ngày cho VĐV đội tuyển quốc gia; 150 nghìn đồng/ngày cho VĐV đội tuyển trẻ quốc gia.

Với mức này, các bếp ăn ở các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia có thể “vẽ” ra nhiều thực đơn với đủ lượng dinh dưỡng. Như hiện nay, ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, ngân hàng thực đơn luôn có trên 100 món.

Bữa ăn của vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Quá trình chuẩn bị cho các Đại hội thể thao quốc tế quan trọng với thể thao Việt Nam, trong đó có SEA Games, cũng ít gặp vấn đề về dinh dưỡng hơn trước. Những năm gần đây, những vận động viên trọng điểm của thể thao Việt Nam lại được hưởng mức dinh dưỡng gấp đôi các vận động viên đội tuyển quốc gia khác là 400 nghìn đồng/ ngày, nên câu chuyện “ăn không đủ no” tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia hầu như không còn được nhắc tới. Vấn đề chỉ còn là chế biến bữa ăn ra sao để hợp khẩu vị với vận động viên nhưng vẫn bảo đảm đủ lượng calo cần thiết.

Tất nhiên, mức ăn của vận động viên trọng điểm (năm 2016 là 55 vận động viên, năm 2017 là 64 vận động viên) có thể giúp họ không phải lo về dinh dưỡng trong các bữa ăn để bảo đảm sức khỏe. Thế nhưng, mức ăn 200 nghìn đồng/ ngày chưa hẳn đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng dù đó là mức lớn so với người lao động bình thường.

Thế nên, để có một thực đơn bảo đảm cả chất lẫn lượng cho những vận động viên, nhất là ở những môn tập nặng như vật, điền kinh, cử tạ, xe đạp, lại không hề đơn giản. Như chia sẻ của những người có trách nhiệm thì mức ăn này mới chỉ làm giảm sức ép cho các nhà bếp.

Muốn tăng cũng khó

Đầu năm 2017, danh sách các vận động viên trọng điểm của thể thao Việt Nam nhận mức tiền ăn 400 nghìn đồng/ ngày/ người đã được thông qua và áp dụng. Đa số vận động viên trong số này đều tham dự SEA Games 29 và được kỳ vọng sẽ trong nhóm tranh chấp huy chương vàng.

Ngoài ra, nhiều vận động viên trong số này cũng được hưởng chế độ dinh dưỡng từ hợp tác giữa Ủy ban Olympic Việt Nam với một số doanh nghiệp chuyên về dinh dưỡng thể thao.

Thực tế, nhiều vận động viên trong nhóm trọng điểm cũng khó tranh huy chương vàng ở SEA Games 29, như ở môn cầu lông, nhưng họ được hướng đến mục tiêu khác như giành vé dự Olympic 2020.

Nhưng còn gần 400 vận động viên khác trong diện chuẩn bị cho SEA Games cũng chỉ được hưởng mức dinh dưỡng là 200 nghìn đồng/ người/ ngày. Trong số này cũng có không ít vận động viên trong diện có thể tranh chấp huy chương vàng SEA Games 29. Đương nhiên, họ sẽ gặp khó khăn nhất định khi chỉ được hưởng mức dinh dưỡng này do nguồn kinh phí của Tổng cục Thể dục thể thao dành cho SEA Games 29 có hạn.

Vì vậy, phải đến đầu tháng 6 vừa qua, mức ăn của các vận động viên nhóm này mới được nâng lên thành 300 nghìn đồng/ người/ ngày. Một lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao từng chia sẻ rằng, cũng muốn nâng chế độ ăn cho vận động viên sớm hơn nhưng phải cân đối kinh phí.

Cách đây 2 năm, mức ăn cho các tuyển thủ quốc gia dự SEA Games 28 cũng chỉ được tăng vào khoảng hơn 2 tháng trước khi Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á diễn ra.

Thực tế, một số môn trong giai đoạn sát SEA Games lại không cần phải ăn nhiều do không còn ở giai đoạn tập nặng nên mức 300 nghìn đồng có khi lại nhiều hơn cả nhu cầu của vận động viên. Vì vậy, việc sử dụng mức tiền ăn lại là vấn đề với những người có trách nhiệm cũng như chính vận động viên.

 Tổng cục Thể dục thể thao đã làm tất cả để giúp vận động viên có chế độ ăn tốt nhất. Vấn đề này phải được nhìn nhận trong suốt quá trình dài, liên quan đến các Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao. Khi điều kiện của Tổng cục Thể dục thể thao có hạn thì rất cần các Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao phát huy vai trò.

Ở đây, chính là việc vận động, kêu gọi, hợp tác của các Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao để cùng nâng chất và lượng cho bữa ăn của vận động viên từng môn để đúng giai đoạn tập nặng, vận động viên không phải lo về bữa ăn không đáp ứng được nhu cầu bù đắp năng lượng.

Trong các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hiện nay, mới chỉ có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ mức ăn cho các vận động viên đội tuyển quốc gia, kể cả khi họ phải tập huấn tại nước ngoài. Nhờ đó, trong nhiều năm gần đây, chế độ ăn chưa bao giờ là vấn đề với các tuyển thủ bóng đá Việt Nam.

Đến lúc nào thì các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao mới “gánh” được cùng cơ quan quản lý nhà nước, để giúp nâng cao chất lượng bữa ăn cho vận động viên đội tuyển quốc gia lại là câu chuyện khác. Nhưng phải giải quyết được câu chuyện này thì mới không có tâm tư về bữa ăn của các tuyển thủ quốc gia.

Ban tổ chức SEA Games 29 siết chặt khâu an toàn thực phẩm

Trong thông báo mới đây, Ủy ban Olympic Malaysia cho hay, các đoàn tham dự SEA Games sẽ không được chuẩn bị, chế biến và sử dụng những đồ ăn riêng của mình nếu không được sự cho phép của cơ quan có trách nhiệm tại nước sở tại. Quy định này được đưa ra nhằm bảo đảm tối đa về an toàn thực phẩm cho vận động viên tham dự.

Ngoài ra, tất cả các quan chức và vận động viên đều được ở trong những khách sạn đạt chuẩn 5 sao do ban tổ chức sắp xếp. (Minh Hà)

Minh Nhật
.
.
.