Tổng kết SEA Games 28:

'Chuẩn' mới từ nước chủ nhà Singapore

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:19
Một SEA Games ít điều tiếng, một SEA Games được tổ chức quy củ, chuyên nghiệp, một SEA Games tạo nên những chuẩn mới về khâu tổ chức cho các nước đăng cai sau này. Đó là tất cả những gì người ta cảm nhận về khâu tổ chức SEA Games 28 của nước chủ nhà Singapore. Nói như nhiều người, Singapore xếp thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương nhưng chắc chắn xếp đầu về khâu tổ chức trong nhiều kỳ SEA Games gần đây.

Nhiều SEA Games gần đây thường để lại điều tiếng về khâu điều hành của trọng tài. Ở kỳ SEA Games 2013, chắc không ai quên được cảnh nữ hoàng đi bộ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Phúc ôm mặt khóc nức nở, khi chỉ đoạt HCB. Trong khi đó, VĐV Myanmar đi bộ như chạy, sai hoàn toàn kỹ thuật vẫn được trọng tài bỏ qua rồi đàng hoàng về nhất. Nguyễn Thị Thanh Phúc biết mà không dám làm gì, đành chấp nhận thi đấu đúng kỹ thuật, để giành HCB còn hơn là bắt chước đối thủ rồi bị loại vì phạm quy. Sau này, công bằng cũng lập lại khi VĐV Myanmar bị xác định sử dụng chất kích thích, còn Nguyễn Thị Thanh Phúc được đôn lên đoạt HCV.

Nhưng ở SEA Games này, công tác điều hành của các trọng tài hầu như không để lại ấn tượng xấu. Chuyện trọng tài bắt không chính xác ở môn Pencak Silat hay dẫn đường không chính xác đối với VĐV Việt Nam, Thái Lan ở nội dung marathon (điền kinh) dường như quá ít so với những gì mà khâu điều hành đã làm được. 

Ở đó, các đoàn không cảm thấy có sự thiên vị nước chủ nhà, mà là một cuộc chơi công bằng. Chính lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam cũng phải công nhận là hầu như không có trường hợp VĐV Việt Nam bị xử ép, thành tích của VĐV phản ánh đúng màn trình diễn của họ. Cho đến giữa SEA Games 28, nhiều người đã phải giật mình, khi không có những màn “xử ép, đè nghiến” VĐV khách, để tạo nên lợi thế cho chủ nhà.

 Quang cảnh lễ bế mạc SEA Games.

Đến lúc đó, người ta mới hiểu thêm về cách tiếp cận một cuộc chơi thể thao của nước chủ nhà khi không đến chức vô địch bằng mọi giá. 2/3 trong số 84 HCV mà Singapore đoạt được ở SEA Games lần này đều đến từ những môn cân đong đo đếm, không phụ thuộc vào cách chấm điểm cảm tính của trọng tài như bơi (23 HCV), điền kinh, bắn súng, bóng bàn, bóng nước…  

Cái cần nhất là cuộc chơi SEA Games do họ tổ chức phải mang đến niềm vui cho những người tham gia. Và ở khía cạnh nào đó, nó thể hiện cái tầm của một quốc gia với nền văn minh cao, đã biết vượt qua những chuyện thắng thua bằng thủ đoạn trên sân đấu, để hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Cái chuẩn này của Singapore liệu có quá khó với các nước đăng cai SEA Games sau này? Không biết thế nào nhưng sau SEA Games 28,  ít nhất sân chơi SEA Games cũng lấy lại được uy tín để bớt tiếng “ao làng”.

Ngay trong khâu tổ chức các cuộc đấu, những gì mà Singapore làm cũng đáng để tạo nên những “chuẩn” mới. Cái chuẩn từ hệ thống cơ sở vật chất thi đấu thì khỏi bàn, bởi tất cả đều thuộc diện hiện đại nhất thế giới hoặc châu lục chứ không chỉ Đông Nam Á. 

Chỉ riêng việc SVĐ Quốc gia ở Khu liên hợp thể thao Sports Hub có mái che, cùng hệ thống điều hòa đã khiến lãnh đội U23 Việt Nam phải bỏ ý định xin đổi giờ thi đấu (vào 14h00 Singapore) tại bán kết với U23 Myanamar. Còn ở các địa điểm thi đấu khác, hệ thống sân bãi, ánh sáng được tổ chức hài hòa, chuyên nghiệp dưới sự điều hành của các công ty âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp từ Mỹ, đã khiến VĐV thực sự là trung tâm. Nhiều VĐV phải công nhận rằng hiếm khi được thi đấu trong một môi trường hiện đại, sang trọng và tôn vinh VĐV tối đa như vậy. 

Tại các địa điểm, đều có đội ngũ dẫn chương trình, chọn và chơi nhạc (DJ) chuyên nghiệp luôn khuấy động không khí để mỗi cuộc đấu là một ngày hội. Ở đó, các VĐV được giới thiệu trang trọng trên nền nhạc và những hình ảnh của chính VĐV đó. Còn khi VĐV giành chiến thắng thì những bản nhạc đang được yêu thích tại quốc gia VĐV sinh sống đã vang lên ngay. 

Như ở khu vực thi đấu bơi, khi Nguyễn Ánh Viên và đồng đội về nhất, lập tức bản nhạc “Mình yêu nhau đi” của ca sĩ Bích Phương đã vang lên. Còn trong ngày U23 Việt Nam thắng U23 Indonesia 5-0, bản nhạc “Nắng ấm xa dần” của Sơn Tùng MTP cũng được bật lên trong sự phấn khích của khán giả và cầu thủ Việt Nam. Tất cả cho thấy cái tâm và tầm của nhà tổ chức, khi luôn đặt những người tham dự vào vị trí trung tâm. Vì thế, vấn đề không phải là có nhiều tiền, có cơ sở vật chất hiện đại, mà quan trọng cách làm thế nào.

Ở Singapore trong những ngày diễn ra SEA Games, giới truyền thông cũng gặp phải những điều ít gặp ở các kỳ SEA Games trước. Những lần trước, các phóng viên được “tung tăng” quanh khu vực thi đấu, nhưng chính điều đó lại khiến khâu điều hành khó khăn hơn, cảnh tượng lộn xộn hơn. 

Còn lần này, chuẩn của Olympic được áp dụng triệt để, khi chỉ phóng viên ảnh của hãng thông tấn Reuters, vốn có hợp đồng với Ban tổ chức nước chủ nhà được thoải mái đi lại quanh khu vực thi đấu. Các phóng viên khác đều phải trên khán đài để tác nghiệp. 

Dù cánh phóng viên gặp nhiều khó khăn nhưng đổi lại khu vực thi đấu của VĐV hoàn toàn được dành cho VĐV, khiến người ta cảm nhận rõ sự chuyên nghiệp của một kỳ giải vốn được gọi là “hội làng” với nhiều cách hành xử chẳng theo nguyên tắc, theo “lệ làng” là chính.Còn cách truyền thông cho SEA Games này của Singapore cũng được nhiều người công nhận là thực sự chuyên nghiệp. 

Ngoài việc cập nhật kết quả, bảng tổng sắp huy chương của Đại hội lẫn từng môn đấu một cách nhanh nhất, BTC Đại hội còn tận dụng tối đa những thành quả của internet khi phát sóng trực tiếp nhiều cuộc đấu qua “Youtube”. Nhờ vậy, các cuộc đấu của Đại hội đến được với nhiều người hâm mộ hơn, SEA Games 28 gần gũi với người dân Đông Nam Á hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà các đoàn đều công nhận rằng, Singapore đã tạo ra chuẩn mới về tổ chức SEA Games. Đấy có lẽ là món quà giá trị nhất cho nỗ lực của người Singapore trong dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh cũng như sự khẳng định sức phát triển của đất nước này.

Sẽ không bất ngờ nếu biết rằng Singapore từng đăng cai thành công nhiều sự kiện thể thao lớn của thế giới như Olympic trẻ, đua xe F1, WTA Finals quần vợt thế giới 2014 – giải đấu cho các tay vợt nữ có thành tích tốt nhất trong năm… Tổ chức thành công SEA Games chỉ như một lần khẳng định đẳng cấp của Singapore. Và thực sự nước chủ nhà Singapore đã cho thấy sự chuyên nghiệp, cái tầm khi tổ chức những sự kiện thể thao khi tạo nên một SEA Games ấn tượng nhất trong lịch sử SEA Games.

Ánh Viên lọt Top 3 VĐV ngoại quốc xuất sắc nhất SEA Games 28

Với thành tích 8 HCV cá nhân, 8 lần phá kỉ lục SEA Games, kình ngư 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã được trang thể thao uy tín bậc nhất Singapore (trang tnp.sg) bình chọn là người đứng đầu trong Top 3 VĐV ngoại quốc xuất sắc nhất SEA Games 28. Hai VĐV còn lại là thủ môn Phyo Kyaw Zin (bóng đá nam Myanmar) và nữ VĐV lướt ván 11 tuổi người Malaysia Aaliyah Yoong Hanifah. 

Ánh Viên cũng chính là một trong hai ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu “VĐV xuất sắc nhất SEA Games 28” bên cạnh kình ngư nước chủ nhà Joseph Schooling – người đã có 9 HCV và phá 10 kỉ lục SEA Games. 

(H. Ly)

Minh An
.
.
.