Ukraine sẽ không trở thành "xung đột đóng băng"

Thứ Hai, 23/02/2015, 09:06
Theo tờ Daily Mail (Anh) ngày 22/2, Ukraine dường như đã thất bại trong việc giữ thị trấn chiến lược Debaltseve, và nhiều khả năng là trong vài tuần tới, thành phố cảng Mariupol sẽ là tâm điểm dư luận với những diễn biến chiến sự. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phải chờ đợi động thái của các bên sau đề nghị mới nhất của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine về việc thêm một thời hạn chót mới rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự miền Đông.

Theo đó, kể từ ngày 22/2 và sau 14 ngày tiếp theo, cả Ukraine và lực lượng miền Đông phải hoàn tất việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.

Tiếp tục hối thúc phương Tây cung cấp vũ khí

Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin ngày 21/2 đã một lần nữa hối thúc phương Tây cung cấp vũ khí cho nước này, nhấn mạnh rằng Kiev cần tới vũ khí để có được hòa bình. Phát biểu với nhật báo Bild của Đức, ông Klimkin nói: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên đề xuất được cung cấp các vũ khí phòng thủ hiện đại. Chúng tôi cần chúng vì hòa bình chứ không phải cho chiến tranh”. Ông cho biết thêm Kiev cần các bộ phận của hệ thống phòng thủ chống tăng, các phương tiện giao thông và máy thu phát vô tuyến.

Miền Đông Ukraine hoang tàn vì xung đột. Ảnh: Reuters.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh CBC của Canada, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadim Pristayko cho biết đã chuẩn bị cho “một cuộc chiến toàn diện” và đề nghị Ottawa cung cấp cho quân đội Ukraine vũ khí sát thương cũng như huấn luyện binh sỹ nước này.

Ông Pristayko nói: “Nguy cơ (xảy ra chiến tranh) rất cao. Chúng tôi không muốn đe dọa ai, song chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện. Điều chúng tôi trông đợi là thế giới thể hiện quan điểm cứng rắn hơn. Mọi người đều sợ xung đột với cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không sợ, chúng tôi đã mất quá nhiều người và lãnh thổ”.

Trong bối cảnh đó, cũng trong ngày 21/2, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh Philip Hammond trong chuyến thăm “Xứ sở sương mù”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong vài ngày tới, ông chủ Nhà Trắng Barack Obama sẽ quyết định những bước đi tiếp theo để giải quyết xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine và có thể sẽ đưa ra một số lựa chọn, bao gồm cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev cũng như siết chặt “các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng mới” nhằm vào Nga.

Theo ông Kerry, hiện đang diễn ra các cuộc thảo luận nghiêm túc giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu về hình thức và thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo, để phản ứng trước việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 12/2 vừa qua với vai trò trung gian của Đức, Pháp và được Mỹ ủng hộ. Về phần mình, Ngoại trưởng Hammond cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn Minsk bị vi phạm có hệ thống và phương Tây đang tiếp tục thống nhất quan điểm trong giải quyết thách thức ở Ukraine.

Đáp lời ông Kerry, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt mới sẽ chẳng thể giúp căng thẳng Ukraine hạ nhiệt.

Trước đó, ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ không cho phép bất kỳ nước nào giành ưu thế quân sự trước Nga, đồng thời cam kết rằng nước này sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước sức ép của ngoại bang. Trong một tuyên bố cứng rắn được đưa ra trong bối cảnh có những căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine, ông Putin đã cảnh báo “đừng ai có bất kỳ ảo tưởng rằng có khả năng giành được ưu thế quân sự vượt trội Nga hoặc gây bất kỳ sức ép nào đối với Nga”. Theo ông Putin, quân đội Nga sẽ luôn có “sự đáp trả thích đáng”.

Cùng ngày, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman nhấn mạnh Nga muốn có các mối quan hệ hữu nghị với Ukraine và Moskva sẽ nỗ lực để hàn gắn quan hệ với Kiev.

Trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg, ông Zeman nêu rõ: “Tình hình ở miền Đông Ukraine sẽ không trở thành một “cuộc xung đột đóng băng”. Đối với Nga, hòa bình có lợi hơn chiến tranh, kể cả khi đó là một cuộc xung đột cường độ thấp”. Tổng thống Zeman cũng tin rằng, việc bình ổn tình hình ở Ukraine sẽ hoàn toàn phù hợp với các lợi ích kinh tế của Nga.

Sự bất lực của phương Tây

Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc chiến ở miền đông Ukraine là bằng chứng cho thấy sự bất lực của phương Tây trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Ngay sau khi lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, lực lượng đòi độc lập tiếp tục tấn công Debaltseve, khiến quân đội Kiev phải rút lui.

Theo chuyên gia Ievgen Vorobiov của Viện Các đề quốc tế Ba Lan, tình hình ở Đông Ukraine đang ngày một xấu đi và Mỹ bắt đầu đề cập đến việc cũng cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, khiến xung đột leo thang.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận thấy điều này và cảm thấy cần phải hành động. Tuy nhiên, bà Merkel không có một “kế hoạch B” khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ, và cũng không có biện pháp nào để thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk, dù là quân sự hay đòn cấm vận. Khi giao tranh tiếp diễn ở Debaltseve, phương Tây cũng không đưa ra được phản ứng mạnh mẽ nào.

Biểu tình phản đối Maidan ở Nga

Ngày 21/2, khoảng 35.000 nhà hoạt động ủng hộ Điện Kremlin đã xuống đường biểu tình ở trung tâm thủ đô Moskva, bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người biểu tình thề sẽ ngăn chặn một cuộc nổi dậy kiểu Ukraine tại Nga. Phát biểu trước cuộc tuần hành, ban tổ chức biểu tình nói: “Ví dụ Ukraine đã dạy cho chúng tôi rất nhiều điều, và chúng tôi sẽ không cho phép xảy ra sự kiện Maidan ở đất nước của chúng tôi”.

Cuộc tuần hành trên được Phong trào phản đối Maidan tổ chức để đánh dấu một năm sau sự kiện hàng chục người biểu tình bị bắn hạ trong cuộc tuần hành ủng hộ phương Tây ở Ukraine, còn được gọi là cuộc biểu tình Maidan.

Cũng trong ngày 21/2, Cơ quan Biên phòng Ukraine thông báo đã đóng cửa 23 chốt kiểm soát dọc khu vực biên giới với Nga. Quyết định trên được thực hiện theo sắc lệnh do nội các Ukraine công bố ngày 18/2 vừa qua, theo đó sẽ đóng cửa một chốt ở khu vực Kharkov, 10 chốt ở khu vực Lugansk, 9 chốt ở khu vực Sumy, một chốt ở khu vực Chernigov và hai chốt ở khu vực Donetsk.

Theo Cơ quan Biên phòng Ukraine, quyết định trên nhằm tăng cường tính hữu hiệu của các cửa khẩu biên giới và tập trung nhân lực cũng như thiết bị vào những khu vực quan trọng hơn trên tuyến biên giới với Nga.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.