Iraq “bất ngờ” trước lời chê bai của Mỹ

Thứ Ba, 26/05/2015, 09:35
Theo tin từ hãng BBC, trước chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về sự bạc nhược của quân đội Iraq khi để thành phố Ramadi rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngày 25/5, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhấn mạnh, ông ngạc nhiên trước lời chê bai này; đồng thời bày tỏ niềm tin rằng, quân đội Iraq sẽ giành lại Ramadi trong một vài ngày tới.

Ông tuyên bố: “Trái tim tôi rỉ máu vì mất Ramadi. Tôi có thể đảm bảo với các bạn, chúng tôi có thể giành lại thành phố ngay sau đó”.

Mỹ đang “đổ lỗi” cho Iraq

Phát biểu trong buổi trả lời phỏng vấn BBC, Thủ tướng Iraq cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã “nhận được các thông tin sai lệch” và lâu nay “ông Carter đã rất ủng hộ Iraq”. Giải thích cho sự thất bại của quân đội Iraq trước các tay súng IS, ông al-Abadi khẳng định, quân đội Iraq “có thừa ý chí chiến đấu” nhưng họ đã bị choáng váng và bối rối trước những đợt tấn công dồn dập, mạnh mẽ từ IS, “với xe bọc thép chứa đầy thuốc nổ có sức hủy diệt tương đương một quả bom hạt nhân nhỏ”.

Thủ tướng al-Abadi cũng cho biết, Chính phủ Iraq đã triển khai lực lượng dân quân Shia tới Ramadi để cố gắng chặn sự mở rộng và phát triển của IS. Tuy nhiên, để giành lại thành phố này, Iraq cần sự hỗ trợ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, khi IS đang liên tục thay đổi chiến thuật chiến đấu khiến quân đội Iraq bối rối.

Ông nhấn mạnh: “Việc không kiểm soát biên giới Syria-Iraq chặt chẽ là một sai lầm. Syria hỗn loạn giúp IS lớn mạnh hơn. Chúng tôi đã đề nghị các đối tác trong liên minh quốc tế của chúng tôi thắt chặt việc kiểm soát biên giới”. 

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh Iraq, ông Hakim al-Zamili thì nhấn mạnh, quan điểm của Washington là “không thực tế và vô căn cứ”. Theo ông al- Zamili, Mỹ đã thất bại trong việc cung cấp trang thiết bị, vũ khí và hỗ trợ trên không tại Ramadi. Do đó, họ đang tìm cách “đổ lỗi” cho người khác.

Lá cờ của IS được cắm trên một lâu đài cổ ở thành phố Palmyra, Syria. Ảnh: AP.

Theo ông Omar Shayan, một chỉ huy dân quân người Kurd ở Ramadi, trong vòng 1 năm rưỡi qua, các lực lượng quân đội, cảnh sát và dân quân người Kurd ở Ramadi đã sát cánh cùng nhau bảo vệ thành phố trước nhiều đợt tấn công tự sát của IS. Thế nhưng, trong chiến dịch vừa qua, sự “phản bội” của lực lượng Đặc nhiệm đã khiến họ nhanh chóng thất bại.

Ông Shayan cho biết, Bộ Tư lệnh lực lượng Đặc nhiệm Iraq là một đơn vị do Mỹ thành lập dưới thời cựu Thủ tướng Iraq Nourri al-Maliki, và là lực lượng được trang bị những vũ khí tối tân, hiện đại nhất của quân đội Iraq. Thế nhưng, chỉ 2 ngày trước khi IS tấn công, toàn bộ binh sĩ lực lượng Đặc nhiệm ở Ramadi đã được lệnh “gói ghém đồ đạc, rút quân khỏi các căn cứ ở thành phố này”. Các đơn vị khác của quân đội và cảnh sát Iraq không thể chống đỡ nổi trước làn sóng đánh bom tự sát và tấn công mãnh liệt của IS.

Ông Shayan cho rằng, có “động cơ chính trị” đằng sau hành động rút quân ồ ạt của lực lượng Đặc nhiệm gồm toàn người Shia này. Theo ông, đây có thể là một động thái nhằm làm “mất mặt” chính phủ của Thủ tướng al-Abadi, người không có quyền kiểm soát và ra lệnh đối với lực lượng đặc biệt này.

Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 24/5, Bộ trưởng Carter cho rằng, “Quân đội Iraq đã không biểu hiện được ý chí chiến đấu” để bảo vệ Ramadi. Theo ông Carter, “lực lượng quân chính phủ rõ ràng là đông hơn gấp nhiều lần so với các chiến binh thánh chiến, nhưng họ lại thất bại, đơn giản chỉ vì họ không chiến đấu và rút quân khỏi khu vực Ramadi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ rằng: “Chúng tôi có thể huấn luyện họ, cung cấp quân trang quân dụng cho họ, nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể cho họ ý chí chiến đấu. Chỉ khi họ chiến đấu thì mới có thể đánh bại IS”. Ông Carter cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị, huấn luyện và khuyến khích quân đội Iraq chiến đấu, nhưng chỉ sự hỗ trợ từ Mỹ thôi thì không thể đảm bảo cho thành công của quân đội Iraq.

Không kích là không đủ

Trong bối cảnh những ngày gần đây IS liên tục chiếm giữ thêm nhiều khu vực quan trọng tại Syria và Iraq, phát biểu hôm 24/5 tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh – Liên minh châu Âu lần thứ 24 đang diễn ra tại Doha (Qatar), Ngoại trưởng nước chủ nhà al-Attiya cho rằng, chiến dịch không kích (của liên quan do Mỹ dẫn đầu) không hề thất bại, song không đủ để đánh bại IS.

Ngoại trưởng al-Attiya khẳng định: “Có rất nhiều bước đi mà chúng ta cần phải phối hợp với nhau để thực hiện một chiến dịch chống khủng bố hiệu quả. Và trong số đó là việc thúc đẩy các cuộc đối thoại dân tộc tại Iraq và Syria”. Các chuyên gia quân sự cũng nhận định rằng, các cuộc không kích của liên quân chống IS chưa thực sự hiệu quả và nếu chỉ dựa vào các cuộc không kích này thì không thể vô hiệu hóa lực lượng của IS.

Trong khi đó, ngày 25/5, quân đội Chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 15 cuộc không kích xung quanh thành phố cổ Palmyra sau khi thành phố này rơi vào tay IS. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), các cuộc không kích này là đợt tấn công dữ dội nhất tại Palmyra kể từ khi các tay súng cực đoan chiếm được thành phố hôm 21/5.

SOHR cho biết thêm rằng, sau khi vào Palmyra, IS đã hành quyết ít nhất 400 người. Các tổ chức quốc tế lo ngại IS sẽ phá hủy nhiều công trình kiến trúc cổ kính có từ thời La Mã tại Palmyra, như cái cách chúng đã làm với các công trình kiến trúc cổ tại Iraq.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.