Iran - Arab Saudi trên đà phục hồi quan hệ song phương

Thứ Ba, 18/01/2022, 06:15

Iran và Arab Saudi đã đạt thoả thuận mấu chốt nhằm sớm mở cửa trở lại đại sứ quán nước này tại nước kia, động thái được mô tả là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hạ nhiệt nhiều điểm “nóng” căng thẳng ở Trung Đông.

Nửa thập kỉ từ thời điểm Iran và Arab Saudi cắt đứt quan hệ ngoại giao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh chiều 17/1 (giờ địa phương) xác nhận ít nhất 3 nhà ngoại giao Iran đầu tiên đã được cử đến thành phố Jeddah của Arab Saudi để mở lại văn phòng đại diện của Tehran tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), AP đưa tin.

Iran - Arab Saudi trên đà phục hồi quan hệ song phương -0
Giới quan sát đề cao nỗ lực của Iran và Arab Saudi nhằm hồi sinh quan hệ song phương. Ảnh: Getty Images

“Iran cũng đã sẵn sàng mở lại đại sứ quán tại Arab Saudi”, ông Khatibzadeh phát biểu, cho biết thêm diễn biến này sẽ cần những nỗ lực thực tế hơn nữa từ Riyadh. Trước thông báo của Bộ Ngoại giao Iran, ông Jalil Rahimi Jahanabadi, thành viên cấp cao Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại tại Quốc hội Iran xác nhận hai nước đã đạt thoả thuận hướng tới “hồi sinh” quan hệ song phương.

“Mối quan hệ của hai quốc gia quan trọng - Iran và Arab Saudi - đang được hồi sinh và các đại sứ quán chuẩn bị mở cửa trở lại”, ông Jahanabadi viết trên Twitter. “Bước đi này sẽ có những tác động đáng kể trong việc giảm căng thẳng khu vực và tăng cường sự thống nhất trong thế giới Hồi giáo”.

Cách đây vài hôm, Bộ Ngoại giao Iran từng khẳng định, Tehran và Riyadh đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề trong tiến trình đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước và “đang chờ hoàn thiện” những thỏa thuận này. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian tiết lộ, Iran đã tham gia ít nhất 4 vòng đàm phán tích cực với Arab Saudi tại Iraq.

Vòng đàm phán thứ 5 đang được chuẩn bị tích cực và sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Ông Abdollahian mô tả các cuộc đối thoại với Riyadh đang đi đúng hướng. “Cuộc đàm phán của chúng tôi hiện tại tập trung vào các vấn đề song phương và về thời điểm đưa quan hệ trở lại trạng thái bình thường”, ông Abdollahian nhấn mạnh.

Iran và Arab Saudi có quan hệ phức tạp xuyên suốt chiều dài lịch sử. Trong hai thập niên gần nhất, hai nước thường đứng ở hai chiến tuyến khác nhau trong các cuộc xung đột, khủng hoảng tại các quốc gia Trung Đông như Syria, Lebanon và Iraq.

Ở Yemen, Arab Saudi dẫn đầu một liên minh các nước Arab tham gia chiến đấu chống lực lượng Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn từ năm 2015. Tuy nhiên, hai bên đã duy trì đối thoại chừng mực để hạn chế tối đa căng thẳng.

Quan hệ giữa Iran và Arab Saudi chỉ bắt đầu đi vào ngõ cụt từ năm 2016, khi Riyadh xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người có quan hệ gần gũi với Iran. Riyadh sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vì Tehran không bảo vệ được đại sứ quán Arab Saudi trước đám đông biểu tình phản đối sự việc với giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Mâu thuẫn càng đẩy lên cao sau khi Mỹ - đồng minh truyền thống của Arab Saudi - năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Iran. Arab Saudi được cho là đã nhiều lần nêu quan điểm ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi văn kiện để buộc Iran đàm phán lại thoả thuận với các điều khoản cứng rắn hơn nhằm hạn chế cả chương trình tên lửa lẫn kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, điều mà Tehran cương quyết phản đối.

Theo AlJazeera, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và các cuộc đàm phán cứu vãn thoả thuận hạt nhân nhen nhóm ở Vienna, Áo hồi tháng 4/2021. Iran và Arab Saudi cũng bắt đầu nối lại liên lạc và khởi động đàm phán trực tiếp tại thủ đô Baghdad của Iraq. Trong tiến trình đối thoại, Arab Saudi đã có những động thái cho thấy thiện chí mong muốn cải thiện với quốc gia láng giềng.

Đích thân Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman từng phát tín hiệu hòa giải tới quốc gia láng giềng Iran với tuyên bố rằng ông tìm kiếm mối quan hệ “hữu nghị” với Iran. “Iran là một nước láng giềng và tất cả chúng tôi đều muốn có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Iran. Chúng tôi không muốn tình hình Iran trở nên khó khăn. Ngược lại, chúng tôi muốn Iran phát triển... và thúc đẩy khu vực cũng như thế giới tiến tới thịnh vượng”, Thái tử Mohammed bin Salman nói.

Hiện Arab Saudi và Iran chưa thông báo thời điểm chính thức mở cửa trở lại đại sứ quán nước này tại nước kia. Động thái xích lại gần nhau giữa Iran và Arab Saudi được trông đợi sẽ tạo ra những tác động quan trọng và tích cực đối với nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực, nhất là trong tìm kiếm giải pháp hoà bình tại Yemen, nơi gần 380.000 người đã bỏ mạng trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2014.

Đầu tháng 10 năm ngoái, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh tiến trình đàm phán khôi phục quan hệ giữa Iran và Arab Saudi có vai trò quan trọng và “thực sự cần thiết đối với ổn định khu vực”.

Thiện Nhân
.
.
.