EU phản đối lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ

Chủ Nhật, 08/03/2015, 08:15
Theo hãng tin AP, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 6/3 đã lên tiếng phản đối lời kêu gọi của lưỡng đảng Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ và sát thương cho Ukraine để giúp Kiev chống lại lực lượng đối lập.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Australia Sebastian Kurz cũng lên tiếng phản đối Washington cấp vũ khí cho Kiev, vì sẽ “thổi bùng ngọn lửa xung đột” mà không giúp xuống thang căng thẳng.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng 11 nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã trình một lá thư lên Tổng thống nước này Barack Obama, yêu cầu ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng hỗ trợ Kiev trụ lại trong cuộc chiến với phe đối lập tại miền Đông, kể cả chuyển giao vũ khí sát thương. Song, cho tới nay đề xuất này hầu như không nhận được sự ủng hộ nào trong EU.

Miền Đông Ukraine hoang tàn vì đạn pháo. Ảnh: Itar-Tass.

Phát biểu tại hội nghị không chính thức ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 6/3 ở Latvia, bà Mogherini khẳng định, khối này “đã làm tròn trách nhiệm” đối với tình hình khủng hoảng tại Ukraine và phương hướng hành động tiếp theo là (các bên) thực thi thỏa thuận hòa bình được ký ngày 12/2 tại Minsk (thủ đô Belarus). Đây là phương án tối ưu để chấm dứt cuộc xung đột.

Vị Cao ủy EU nhấn mạnh, “điều mà Ukraine cần hiện nay không chỉ là được tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà còn là nền hòa bình”. Có cùng quan điểm, Ngoại trưởng Kurz cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine “sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Mục tiêu của chúng ta là lệnh ngừng bắn chứ không phải là làm leo thang” căng thẳng.

Tất cả ngoại trưởng EU đều đồng tình nếu thỏa thuận Minsk tiếp tục đổ vỡ, Nga và phe đối lập cũng như các bên liên quan sẽ hứng chịu thêm biện pháp trừng phạt về kinh tế.

Cũng tại cuộc họp ở Latvia, bà Mogherini đã đề ra giải pháp nhằm giúp các bên nghiêm chỉnh thực hiện lệnh ngừng bắn, đó là tăng gấp đôi số lượng quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) từ mức 500 người hiện tại. Bà lập luận càng có nhiều quan sát viên ở miền Đông Ukraine, các bên sẽ càng khó có cơ hội vi phạm thỏa thuận.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết, Nga và Ukraine đã đồng ý tăng gấp đôi số lượng quan sát viên quốc tế của OSCE từ 500 lên 1.000 người để giám sát thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Thỏa thuận tăng số lượng quan sát viên quốc tế tại Ukraine đạt được sau cuộc hội đàm giữa đại diện các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp ở thủ đô Berlin (Đức). Các quan sát viên của OSCE sẽ được phép tiếp cận các khu vực cất giữ vũ khí hạng nặng.

Trong khi EU vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong một động thái trái chiều ngày 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết Chính phủ nước này sẽ cung cấp các loại trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine trong những tuần tới.

Theo ông Fallon, số hàng viện trợ quân sự này, với tổng giá trị 1,3 triệu USD, bao gồm kính nhìn ban đêm, mũ bảo vệ, hệ thống định vị toàn cầu GPS, máy tính bảng và hộp cứu thương. Số trang thiết bị này sẽ được cung cấp miễn phí và theo yêu cầu của chính phủ Ukraine.

Theo ông Fallon, nước này quyết tâm hỗ trợ chính quyền Ukraine bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ. Việc hỗ trợ trang thiết bị quân sự phi sát thương là nhằm giúp quân đội Ukraine tránh những thiệt hại về người và cải thiện khả năng đánh giá tình hình. Mục đích của chính phủ Anh là tăng cường năng lực phòng vệ của các lực lượng vũ trang Ukraine.

Chia sẻ quan điểm này, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh DLF của Đức ngày 6/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh “Ukraine cần có khả năng tự bảo vệ mình” và Mỹ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự phi sát thương, trong đó có huấn luyện giống như trường hợp Mỹ và Ukraine cùng tham gia các sứ mệnh tại Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev, ông Blinken không cho rằng sẽ có một giải pháp quân sự: “Chúng tôi cũng biết rằng nếu chúng tôi cung cấp thêm các công nghệ quốc phòng, Nga có thể dễ dàng đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí với số lượng gấp đôi, gấp ba hay bốn lần như vậy”.

Trong một diễn biến khác liên quan, cũng trong ngày 6/3, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, EU sẽ chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này có thể được áp đặt một cách nhanh chóng nếu thỏa thuận hòa bình Minsk bị phá vỡ. Ông Hammond cho biết, EU vẫn đoàn kết trong việc áp đặt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng cho đến khi thỏa thuận hòa bình được thực hiện đầy đủ.

Theo giới chuyên gia, phương Tây từ lâu coi gây sức ép lên Nga là “con bài” để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, biện pháp này dường như không hề chứng minh được tính hiệu quả từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, với những biện pháp trả đũa của Nga khiến hai bên cùng tổn thất nặng nề. Những tuyên bố gây sức ép mới của phương Tây lên Nga trong bối cảnh nước này tiếp tục có những nỗ lực giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến Moskva nổi giận và đưa ra biện pháp đáp trả, ngăn cản những bước đi hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.