Hong Kong (Trung Quốc):

Đụng độ tái diễn giữa người biểu tình và cảnh sát

Thứ Ba, 02/12/2014, 08:45
Liên tục từ đêm 30/11 tới sáng 1/12, đã diễn ra nhiều cuộc xung đột dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình “Chiếm Trung tâm” trên đường Lung Wo, khu Admiralty (Kim Chung) Hong Kong. Người biểu tình đã ném chai lọ vào cảnh sát và bị đáp trả bằng dùi cui và hơi cay. Căng thẳng bị đẩy lên cao trào khi người biểu tình đòi dùng bạo lực để trả đũa cảnh sát. Cảnh sát đã bắt giữ 40 người biểu tình quá khích để lập lại trật tự.

Theo hãng tin BBC, hoạt động biểu tình diễn ra từ sáng sớm 1/12. Người biểu tình đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, đeo kính bảo hộ và đồng ca một bài hát kéo về văn phòng của Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lương Chấn Anh cùng các quan chức chính quyền. Cảnh sát đã phải phong tỏa tất cả tuyến đường chính và lập hàng rào chắn ở con đường chính hướng về khu vực bên ngoài văn phòng của ông Lương Chấn Anh. Cảnh sát đã yêu cầu người biểu tình rút lui.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi đó, hàng nghìn người biểu tình tiếp tục chiến dịch bao vây tòa nhà chính quyền. Tại một chốt kiểm soát, cảnh sát đã đụng độ với đám đông và xịt hơi cay vào người biểu tình, sau khi người biểu tình ném chai lọ về phía họ. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu leo thang căng thẳng, lực lượng cảnh sát đã lùi lại phía sau, để người biểu tình chiếm giữ con đường. Còn theo AP, bất ổn được châm ngòi từ chiều 30/11, khi Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) và tổ chức “Học dân Tư triều” (Scholarism) tuyên bố bao vây trụ sở chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) ở Admiralty.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Hong Kong (Trung Quốc) sáng 1/12. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, HKFS và Scholarism kêu gọi người biểu tình thu dọn vật dụng tùy thân, tiến về phía đường Tim Mei để bao vây trụ sở chính quyền Đặc khu. HKFS và Scholarism dự kiến, đêm 30/11 sẽ là “đêm dài”, nhưng nhấn mạnh sẽ tiến hành đấu tranh bằng hình thức phi bạo lực. Lãnh đạo lực lượng biểu tình cho biết, họ đang hành động để khẳng định quyết tâm đến cùng cho phong trào đòi dân chủ, đồng thời nhằm buộc chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) phải đáp ứng những yêu sách của họ. Trước tình hình như vậy, ngay trong đêm 30/11, cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) đã huy động 7.000 nhân viên làm nhiệm vụ tại Admiralty và Mong Kok.

Cụ thể, hơn 1.000 nhân viên cảnh sát được huy động tới Admiralty, nâng tổng số lực lượng bố trí ở đây lên 4.500 người. Còn tại khu vực Mong Kok, do tình hình vẫn chưa ổn định nên cảnh sát đã bố trí khoảng 2.500 nhân viên. Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong nội bộ người biểu tình đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, một số tỏ rõ sự không hài lòng với các thủ lĩnh sinh viên, một số người tỏ thái độ thù địch ra mặt.

Hoạt động “Chiếm Trung tâm” diễn ra ở Hong Kong (Trung Quốc) như vậy đã bước sang ngày thứ 64 và nó đang được xem là khiến kinh tế - xã hội của Đặc khu bị “vạ lây”. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 1/12, Cục trưởng Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Tăng Tuấn Hoa đã bày tỏ lo ngại về hoạt động “Chiếm Trung tâm” sẽ đánh mạnh vào niềm tin nhà đầu tư, khiến rủi ro tăng trưởng kinh tế giảm tốc tăng lên.

Chính vì thế, ông Tăng Tuấn Hoa cảm thấy không lạc quan về tình hình kinh tế quý IV-2014. Ở góc độ khác, ông Tăng Tuấn Hoa nhấn mạnh, pháp trị là giá trị hạt nhân của Hong Kong, nhưng hoạt động “Chiếm Trung tâm” lại gây ra vết thương khó lành đối với nền pháp trị của Hong Kong (Trung Quốc). Ngoài ra, nếu tiếp tục kéo dài, hoạt động này còn gây tổn hại cho hình ảnh quốc tế của Hong Kong (Trung Quốc).

Trung Quốc điều tra quan chức an ninh Tân Cương

Theo hãng tin Reuters, ngày 1/12, các công tố viên Trung Quốc đã bắt đầu điều tra ông Li Yanming, quan chức an ninh Tân Cương, bị tình nghi lạm dụng chức quyền và tham nhũng. Viện Công tố Nhân dân Trung Quốc tuyên bố ông Li đã bị tạm giam để chờ điều tra. Theo Viện Công tố, ông Li bị tình nghi lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ. Trước khi bị điều tra, ông Li từng là Bí thư Đảng ủy Học viện Cảnh sát Tân Cương và là Ủy viên Sở Công an Tân Cương.

Trước đó, ngày 30/11, chính quyền Tân Cương đã cấm việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại trụ sở chính quyền, đồng thời sẽ phạt những người lợi dụng Internet để truyền bá những tư tưởng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Theo đó, những cá nhân sử dụng Internet, điện thoại di động để phát tán thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây bất ổn trong xã hội và kích động hận thù sắc tộc sẽ bị phạt số tiền cao nhất là 30.000 nhân dân tệ (gần 5.000 USD) và bị tịch thu toàn bộ công cụ để truyền bá các thông tin nói trên.

Các quy định nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Bên cạnh đó, hôm 28/11, chính quyền Tân Cương đã thông qua quy định cấm dân thường mặc hoặc cưỡng ép người khác mặc quần áo hoặc mang biểu trưng có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đây là quy định đầu tiên ở Trung Quốc nhằm vào lực lượng cực đoan tôn giáo. Những qui định này được cho là nhằm đối phó với những hành động khủng bố diễn ra tại đây.    

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.