Động cơ chính trị mới của Mỹ chống lại Nga

Thứ Hai, 08/06/2015, 09:12
Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Trợ lý Ngoại trưởng Victoria Nuland hồi tháng 5 vừa qua, và những sự hỗ trợ mà Washington dành cho Thỏa thuận Minsk là dấu hiệu cho thấy những áp lực mà Moskva phải chịu liên quan tới vấn đề Ukraine đang được giảm xuống. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đó chỉ là bước rút lui chiến thuật của Mỹ và Washington đang nỗ lực tạo ra chiến thuật mới trên các mặt trận khác. Một trong số đó là vụ Bộ Tư pháp Mỹ mới đây phanh phui các vụ tham nhũng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).
>> Đằng sau quyết định từ chức của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 14 quan chức trong làng túc cầu thế giới, bao gồm cả một số nhân vật chóp bu của FIFA với những tội danh tham nhũng, hối lộ, rửa tiền, gian lận. Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ chủ yếu xoay quanh các thỏa thuận tiếp thị, bản quyền truyền thông gắn với các giải đấu của FIFA. Tuy nhiên, giới chức Mỹ còn cho rằng, các quan chức này còn có thể phạm tội liên quan tới quá trình lựa chọn Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022. 

Có một sự thật rằng, không phải bây giờ người ta mới biết FIFA tham nhũng, và Mỹ - một đất nước nơi mà bóng đá không phải là môn thể thao vua – bây giờ mới “sờ gáy” các quan chức FIFA với các cáo buộc tham nhũng trong khi đa số những quan chức này không phải là người Mỹ? 

Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey, sau vụ bắt giữ các quan chức FIFA giải thích rằng, theo luật pháp Mỹ, các cơ quan thực thi pháp luật nước này có thẩm quyền rộng trong việc theo đuổi các cuộc điều tra hình sự miễn là vụ việc có dính dáng đến nước Mỹ, dù là rất nhỏ. Theo đó, “nếu công ty tham nhũng của anh chạm vào lãnh thổ của chúng tôi… anh sẽ phải chịu tránh nhiệm”, ông Comeu cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Ảnh: Ria Novosti.

Theo giới chuyên gia, đằng sau sự việc có vẻ chỉ liên quan tới thế giới thể thao, dường như lại là cả một động cơ địa chính trị chống Nga - nước đăng cai World Cup 2018 sắp tới. Đây cũng là nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông nhấn mạnh, mục tiêu thực sự của chiến dịch trấn áp tham nhũng trong FIFA của Mỹ là lý do địa chính trị: “Nếu có điều gì xảy ra thì nó cũng không xảy ra trên đất Mỹ. Người Mỹ chắc chắn không liên quan gì tới việc này. Đây rõ ràng là một minh chứng nữa cho thấy Mỹ muốn áp đặt phán quyết của mình cho các nước khác”. 

Ông chủ Điện Kremlin đưa ra thêm luận điểm rằng, đây có thể là một lý do chính quyền Mỹ đeo bám FIFA, ngăn không cho cựu Chủ tịch Sepp Blatter tái đắc cử, sau việc Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 bất chấp ông Blatter bị gây áp lực không trao cho Nga quyền này. Cũng theo quan điểm này, tờ The Guardian của Anh không ngần ngại ví vụ này như vụ Watergate của Mỹ năm 1972, khiến cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon sau hai năm cầm quyền trong nhiệm kỳ 2 phải từ chức. 

Tổng thống Putin khẳng định vụ bê bối của FIFA sẽ không ảnh hưởng tới việc Nga đăng cai World Cup. Điệm Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc có hành vi sai trái khi vận động giành quyền đăng cai World Cup, đồng thời chỉ trích cuộc điều tra FIFA của Mỹ đã khiến dư luận nghi ngờ về việc Nga được trao quyền nước chủ nhà.

Ông Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị Nga cho rằng, Mỹ, vốn đang xung đột với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, sẽ dùng vụ bê bối FIFA để tiếp tục gây áp lực tước bỏ quyền đăng cai World Cup của Nga. Nếu Nga bị tước quyền, nước này sẽ thiệt hại rất lớn cả về mặt kinh tế và hình ảnh trên thế giới, sẽ giáng một đòn mạnh vào ông Putin và sẽ mang lại lợi ích chính trị rất lớn cho Mỹ. 

Tờ Gazeta của Nga, ngoài việc lo ngại liệu Moskva có bị tước quyền tổ chức World Cup 2018, còn cảnh báo rằng, sự việc có thể không những chạm đến lòng tự hào dân tộc của người dân Nga mà còn làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Nga với phương Tây. Tờ báo đặt ra câu hỏi tu từ: “Một cú dàn dựng chống lại Moskva?”. 

Để vận động cho việc tranh quyền đăng cai, chính quyền Moskva đã phải chuẩn bị và đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho sự kiện. Do đó, nếu như Moskva không được tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, điều đó sẽ làm cho hàng triệu con tim Nga tan vỡ. Không những thế, quan hệ giữa Nga với phương Tây vốn đã rất nhạy cảm sẽ còn trở nên băng giá hơn...

Do đó, không khó hiểu khi Nga coi vụ điều tra FIFA là một phần chiến dịch hạ uy tín Nga của Mỹ, một cuộc chiến chống Nga chứ không chỉ là chống tham nhũng. Và thể thao, World Cup, FIFA đã bắt đầu trở thành một lá bài, một đấu trường mới giữa Nga và Mỹ.

Nga và Mỹ vẫn là đồng minh trong nhiều vấn đề

Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera của Italia ngày 6-6. Tổng thống Putin khẳng định Nga và Mỹ là đồng minh trong các vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt và cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoài ra hai bên cũng hợp tác trong nhiều vấn đề khác. Trước đó, ngày 5/6, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Mỹ có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết thành công nhiều vấn đề phức tạp của thế giới. Ông Peskov khẳng định sự hợp tác Nga – Mỹ là rất cần thiết và tin rằng nhiều vấn đề nan giải của thế giới sẽ không thể giải quyết được nếu thiếu sự hợp tác và tương lai giữa hai nước.

Quan chức Nga khẳng định nước này luôn sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, đôi bên cũng có lợi với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích của nhau.

Trần Linh

Khổng Hà
.
.
.