IS sát hại con tin thứ 2 người Nhật Bản:

Đau đớn và căm phẫn

Thứ Hai, 02/02/2015, 09:22
Liên hợp quốc (LHQ) và lãnh đạo nhiều quốc gia đã đồng loạt lên án mạnh mẽ hành động sát hại con tin thứ 2 người Nhật Bản của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây không chỉ là hành động man rợ, tàn ác, mà còn gieo rắc mối lo ngại về an ninh trên thế giới. Song, như Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ đã khẳng định, thế giới sẽ không nhượng bộ và sẽ bằng mọi cách tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan.

Nỗ lực giải cứu thất bại

Nỗ lực chung của Nhật Bản và Jordan nhằm giải cứu nhà báo Nhật Kenji Goto và phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh đã gặp “bế tắc”. Nói thế là bởi sáng sớm 1/2, IS đã tung lên Internet quay cảnh hành hình một người được cho là nhà báo Kenji Goto.

Người dân Nhật Bản cầm ảnh chân dung nhà báo Kenji Goto trong cuộc diễu hành tưởng niệm anh diễn ra ở Thủ đô Tokyo ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Trong đoạn băng hình này, số phận phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh mà IS cũng giữ làm con tin không được nhắc tới. Cho đến chiều 1/2, chính quyền Tokyo vẫn đang cho người xác minh tính xác thực của đoạn băng hình này và viện dẫn cả sự trợ giúp của Mỹ. Nhưng theo tin từ Đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã buộc phải khẳng định rằng, đoạn băng này có “độ xác thực cao”.

Đài truyền hình NHK còn dẫn lại đoạn băng trên Internet cho thấy, lần này, nhà báo Kenji Goto không còn được nói những thông điệp do IS truyền tải chỉ có giọng nói của tên “đồ tể” khẳng định rằng, cái chết của Kenji Goto là do quyết định thiếu cân nhắc của chính phủ Nhật Bản khi tham gia cuộc chiến chống IS.

Thậm chí, tên này còn cảnh báo, con dao đang cầm trong tay không chỉ lấy đi mạng sống của Kenji Goto, mà còn của những con tin Nhật Bản khác và rằng “ác mộng của Nhật Bản mới chỉ bắt đầu”. Mẹ và anh trai của nhà báo Kenji Goto đã gục ngã khi xem đoạn băng này. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã triệu tập họp khẩn cấp nội các và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC).

Đồng thời, ông Shinzo Abe cũng gửi lời chia buồn tới gia đình Kenji, coi đây là sự việc đáng tiếc và rằng: “Nhật Bản không bao giờ tha thứ cho hành động khủng bố”. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ quyết tâm chiến đấu với khủng bố, đồng thời chỉ thị triệt để đảm bảo an toàn cho người Nhật ở trong và ngoài nước. Ông Shinzo Abe cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp lương thực và thuốc men thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chiến dịch tiêu diệt cái ác

Rõ ràng, bóng ma khủng bố IS đang làm u ám bầu trời thế giới ngay trong tháng đầu tiên của năm 2015. Giới phân tích nhận định, cuộc giải cứu con tin Nhật Bản không thành cho thấy sự nguy hiểm của IS, Hồi giáo cực đoan và những tổ chức khủng bố khác trên thế giới. Nó cũng cho thấy sự an ninh, an toàn trên thế giới đang thực sự bị đe dọa bởi các thế lực này và cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết hơn nữa để tiêu diệt cái ác và sự cực đoan.

Ngày 1/2, LHQ và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã đồng loạt lên án vụ hành quyết con tin người Nhật của IS. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là một hành động tàn ác, đồng thời khẳng định, Mỹ luôn đoàn kết với người dân Nhật Bản lên án những hành động man rợ này.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Cùng với một liên minh gồm các đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ tiếp tục có hành động dứt khoát để làm suy giảm và cuối cùng tiêu diệt IS”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên án sự bạo tàn của IS. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hoallande cùng lên án vụ hành quyết nhà báo Kenji Goto là "hành động giết người ghê tởm, đê hèn" và khẳng định, cách để đánh bại IS là không nhượng bộ, đối đầu và tiêu diệt ý tưởng cực đoan của chúng.

Trong một diễn biến khác, ở Iraq và Syria, trong 2 ngày 31/1 và 1/2, liên minh chống IS đã tiêu diệt được nhiều căn cứ địa của tổ chức này. Hãng Reuters dẫn thông báo của Bộ Tư lệnh chỉ huy Mỹ cho biết, Abu Malik, chuyên gia về vũ khí hóa học của IS đã bị giết trong cuộc không kích gần Mosul (Iraq). Bản tuyên bố của Bộ Tư lệnh chỉ huy Mỹ cho hay: “Cái chết của Malik sẽ tạm thời làm giảm hoạt động của mạng lưới khủng bố và ngăn chặn khả năng IS có thể sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học với người dân vô tội”.

Tại tỉnh Kirkuk, lực lượng người Kurd và cảnh sát Iraq cũng đã giành được quyền kiểm soát một mỏ dầu, nơi IS đánh chiếm đêm 29/1 và giải cứu 24 công nhân bị bắt giữ làm con tin. Chưa hết, lực lượng người Kurd cũng đã giành lại thị trấn Kobane ở miền Bắc Syria và đang tiếp tục mở rộng kiểm soát đến các khu vực lân cận, trấn giữ nhiều vùng và tuyến giao thông chiến lược.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp dụng các biện pháp an ninh mạnh hơn nhằm ngăn chặn các tay súng nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước này làm tuyến trung chuyển sang Syria để tham gia chiến đấu cùng IS. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phối hợp với các cơ quan tình báo của một số nước hữu quan cập nhật một bản danh sách gồm 10.000 người đến từ 91 quốc gia, bị tình nghi có liên quan đến IS.

Thông tin về con tin là phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh không được đề cập đến đoạn video mà IS tung lên Internet nên nhiều người cũng đang rất lo ngại về khả năng anh này bị sát hại. Ngày 1/2, người dân Jordan đã tổ chức một buổi lễ thắp nến tại thành phố Karak để cầu nguyện cho phi công này.

Gia Nam
.
.
.