Đàm phán hòa bình bị hủy, miền Đông Ukraine chìm trong lửa đạn

Chủ Nhật, 01/02/2015, 10:28
Các cuộc giao tranh đã gia tăng ở miền Đông Ukraine sau khi vòng đàm phán mới của Nhóm tiếp xúc về Ukraine dự kiến diễn ra ngày 30/1 tại thủ đô Minsk của Belarus giữa các đại diện Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã bị hủy bỏ do Kiev không cử đại diện đến tham dự...

Giới chức địa phương và quân đội Kiev cho biết 19 dân thường và 5 binh lính chính phủ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ mới đây ở Lugansk và Donetsk trong vòng 2 ngày qua. Tính đến thời điểm này, cuộc xung đột kéo dài 9 tháng qua ở miền Đông Ukraine đã làm khoảng 5.100 người thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường.

Nhà đàm phán thuộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine Denis Pushilin cho biết, Bộ Ngoại giao nước chủ nhà đã thông báo đại diện của Chính phủ không đến Minsk và cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Yevgen Perebyynis khẳng định, phía Kiev không được thông báo về quyết định hủy cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc trong ngày 30/1.

Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma cho biết, trước thời điểm ấn định cho vòng đàm phán mới rằng Kiev muốn cử ông tới Minsk vào ngày 31/1 để tham gia đàm phán. Ông Kuchma cho biết mục đích của Kiev là đảm bảo để Thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được tháng 9 năm ngoái được thực hiện. Trong khi đó, các đại diện của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) đã ra tuyên bố chung khẳng định nếu đàm phán thất bại, hai khu vực này sẽ giữ quyền tấn công cho đến khi “không còn bóng quân chính phủ Ukraine trên hai vùng đất này”.

Quang cảnh Donetsk sau các cuộc xung đột. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố cho biết lực lượng đòi độc lập sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới nếu các lực lượng Ukraine cũng hành động như vậy. Tuy nhiên, DPR và LPR yêu cầu đường ranh giới mới cho 2 khu vực này phải vẽ dọc đường ranh giới hiện nay, tức mở rộng thêm 500km2 so với Thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Trong khi các bên xung đột ở Ukraine tranh cãi về vòng đàm phán mới, chiến sự ở trung tâm công nghiệp Donetsk vẫn diễn ra quyết liệt khi lực lượng đòi độc lập lấn sâu vào vùng đất do quân đội chính phủ kiểm soát. 5 thường dân đã thiệt mạng vì đạn pháo khi họ đang xếp hàng bên ngoài một trung tâm văn hóa để nhận viện trợ nhân đạo. Cách địa điểm trên khoảng 1km, một thường dân khác cũng đã thiệt mạng sau khi 1 chiếc xe buýt bị tấn công.

Theo lực lượng đối lập ở Donetsk, tổng cộng đã có 7 dân thường thiệt mạng trong 2 cuộc tấn công được thực hiện bởi binh sĩ chính phủ Ukraine. Trong khi đó, đại diện quân đội chính phủ Ukraine cho biết, các vụ pháo kích trên là do phe đối lập tại Đông Ukraine tiến hành nhằm phá vỡ các cuộc đàm phán hòa bình. Những cáo buộc tương tự như trên được đưa ra từ cả hai phía kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột ở Đông Ukraine.

Tại thị trấn Debaltseve, phía Đông của Donetsk, 7 thường dân cũng đã thiệt mạng hôm 30/1 sau khi nhà của họ bị trúng đạn pháo, cảnh sát trưởng khu vực, Vyacheslav Abroskin cho biết. Trước đó, ngày 29/1, tại thị trấn Horlivka gần đó, tên lửa đã giết chết 8 dân thường. Về phía quân đội chính phủ Ukraine, 5 binh sĩ đã thiệt mạng và 23 người bị thương trong các cuộc đụng độ với phe đối lập trong 24 giờ qua. Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko nói: “Họ liên tục sử dụng tên lửa Grad, pháo, súng cối, xe tăng và các dàn phóng rocket”.

Trong bối cảnh đó, ngày 30/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz đã kêu gọi lập tức thực thi một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng nước này John Kerry sẽ thăm Kiev vào ngày 5/2 để gặp Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroshenko và giới chức Ukraine. Trước đó, ngày 29/1, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Viktor Muzhenko thừa nhận các đơn vị thường trực quân đội Nga không tham chiến ở miền Đông nước này.

Ông Muzhenko cũng tuyên bố quân đội Ukraine “có đủ sức mạnh và nguồn lực để tiến hành cú đấm cuối cùng, thậm chí là đánh bại các nhóm quân sự bất hợp pháp (ám chỉ DPR và LPR)”. Tại cuộc họp của Hội đồng thường trực OSCE, đại diện thường trực Nga tại OSCE Andrei Kelin tuyên bố Moscow không thấy dấu hiệu Kiev sẵn sàng chấm dứt hành động quân sự và tiến hành đối thoại với lực lượng ở miền Đông. Kiev còn đưa ra thông tin bịa đặt về sự có mặt của binh sỹ Nga ở Ukraine nhằm yêu cầu phương Tây trợ giúp tài chính và vũ khí.

Ông Kelin kêu gọi Mỹ và các nước có ảnh hưởng tới Kiev cần chấm dứt dung túng các lực lượng ủng hộ chiến tranh cũng như thúc đẩy họ tiếp tục các hành động quân sự ở miền Đông Ukraine. Ông Kelin nhấn mạnh, Nga tin rằng vẫn có thể đạt được hòa bình tại Ukraine thông qua đối thoại cho dù phức tạp. Cũng trong ngày 29/1, phát biểu với giới báo chí sau cuộc gặp Tổng thống Áo Heinz Fischer Vienna, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cho biết, trên cương vị Chủ tịch OSCE, Serbia sẽ hợp tác chặt chẽ với Đức, Thụy Sĩ và các đối tác khác tại châu Âu để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Người đứng đầu Chính phủ Serbia cũng bày tỏ sự không ủng hộ gói các biện pháp trừng phạt chống Nga của EU, đồng thời hy vọng Áo và các đối tác châu Âu khác sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay giữa Nga - phương Tây.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.