Đàm phán hạt nhân Iran - Nước cờ của các cường quốc

Thứ Hai, 06/04/2015, 08:19
Tuy đến giờ G vào đêm 31/3/2015, thỏa thuận khung vẫn chưa đạt được, phải kéo lùi thời hạn. Nhưng sau tám ngày đêm đàm phán với sáu cường quốc tại Thụy Sỹ, một thỏa thuận khung về tương lai chương trình hạt nhân của Iran đã được thống nhất.

Tình hình đã đến lúc giải quyết

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài đến nay đã là 12 năm. Trong khoảng thời gian ấy đã có khá nhiều cuộc đàm phán giữa các bên xung quanh vấn đề này. Nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, điện đàm giữa các nhà ngoại giáo, các nhà đàm phán của các bên đều bàn bạc các vấn đề có liên quan đến tiến bộ đạt được trong vấn đề hạt nhân của Iran, đưa ra quan điểm, lập trường của mình. Các bên đã "trao đổi quan điểm hữu ích" với mục tiêu đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy đến giờ G vào đêm 31/3/2015, thỏa thuận khung vẫn chưa đạt được, phải kéo lùi thời hạn. Nhưng sau tám ngày đêm đàm phán với sáu cường quốc tại Thụy Sỹ, một thỏa thuận khung về tương lai chương trình hạt nhân của Iran đã được thống nhất. Sau nhiều tháng đàm phán "đầy khó khăn", nhưng đây là một "thỏa thuận tốt", đã có nhiều nụ cười tuy không ít sự suy tư. 

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hoan nghênh và cho rằng, thỏa thuận này "đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực"; đã tôn trọng nhu cầu và quyền lợi của Iran, nhưng vẫn đảm bảo với cộng đồng thế giới rằng chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn là vì mục đích hòa bình". Tổng thống Mỹ B.Obama đã hào hứng gọi đây là “một thỏa thuận lịch sử”.

Điểm nhấn cần chú ý của thỏa thuận khung là: các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran sẽ gỡ bỏ từng phần, nhưng có thể bị áp đặt trở lại nếu nước này không tuân thủ các điều khoản thỏa thuận; việc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận sẽ "được giám sát chặt chẽ"...

Tính toán của các cường quốc

Ý đồ của chính quyền B.Obama là nhằm tạo nên một “điểm sáng” trong chính sách đối ngoại từ việc thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, tuy nó có vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Có cả một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thậm chí còn gửi thông điệp cảnh báo về việc nếu thỏa thuận được ký kết thì khi hết nhiệm kỳ vào năm 2017, nội dung thỏa thuận vẫn có thể bị điều chỉnh hoặc rút lại.

Các đại biểu dự cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại Lausanne, Thuỵ Sĩ hôm 31/3. Ảnh: Reuters.
Nhiều người đặt câu hỏi, đây có phải là một ngón đòn của Mỹ để Chính phủ B.Obama đi đến thỏa thuận cứng rắn hơn đối với Iran, khi Mỹ đòi phải duy trì một “cơ chế nối lại trừng phạt một cách tự động nếu phát hiện Iran vi phạm thỏa thuận trong 10 năm”?

Trong vấn đề này, người ta thấy rõ hơn tính chất thực dụng của Mỹ. Mỹ muốn chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với Trung Đông khi vừa đàm phán với Iran lại vừa tính toán không làm xấu đi quan hệ với Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, với sự vuốt ve: "Không hề làm giảm đi mối quan ngại của chúng tôi (Mỹ) về sự hậu thuẫn cho khủng bố của Iran cũng như mối đe dọa mà nước này mang lại cho Israel". 

B.Obama còn nhắc lại cam kết “có trách nhiệm với an ninh của các đối tác Ả Rập vùng Vịnh”. Mỹ còn muốn gia tăng lực lượng chống tổ chức khủng bố IS, chủ nghĩa cực đoan nơi đây, để khẳng định rõ hơn vị thế của mình ở khu vực này. Các nước Anh, Pháp, Đức không thật sự hồ hởi với thỏa thuận này, vì thấy lợi ích của họ nơi đây cũng không thật sự rõ ràng...

Nga hoan nghênh thỏa thuận và gọi đây là sự thừa nhận "quyền theo đuổi chương trình hạt nhân hòa bình vô điều kiện của Iran". Cần nhớ  rằng, sau khi Liên Xô tan rã đã tạo bước ngoặt quan trọng mở ra mối quan hệ giữa Iran và Nga. Mối quan hệ Nga - Iran ngày càng được cải thiện dựa trên những lợi ích chiến lược chung; trên hết là lợi ích chung trong mong muốn kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở những nước trong khu vực Kavkaz và Trung Á.. 

Ngoài lợi ích địa chiến lược, Nga và Iran còn chia sẻ nỗi lo chung về các phong trào Hồi giáo Sunni, Al-Qaeda và Taliban cũng như chủ nghĩa ly khai và các rào cản về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việc chính quyền Mỹ tuyên bố rõ rằng một mặt muốn cải thiện mối quan hệ với Iran, mặt khác tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Nga để người Nga “giúp chúng tôi về Iran”, khiến Nga và Iran đều phải ngẫm nghĩ họ sẽ bị “mất mát” gì. Nga cũng lo ngại rằng, việc hợp tác với phương Tây trong vấn đề Iran có thể làm cho Iran sẽ tuột khỏi tay và nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Trong việc đàm phán vấn đề hạt nhân này, Trung Quốc cũng muốn thể hiện rõ hơn ảnh hưởng của mình đối với khu vực, lôi kéo Iran theo mình. Những mối lợi kinh tế thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc đối với Iran và việc Trung Quốc “đứng về phía Tehran” trên các diễn đàn quốc tế, là yếu tố để Iran ngả về phía Trung Quốc. Bởi thế, Trung Quốc cũng luôn có quan điểm thiên về lập trường của Iran trong đàm phán, nếu có “phản ứng” hay “gây áp lực” thì cũng chỉ là những động thái cầm chừng. 

Trung Quốc cũng cố gắng khích lệ đàm phán khi cho rằng, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua đàm phán là bảo đảm hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, đóng góp vào hòa bình Trung Đông và kinh nghiệm hữu ích về giải quyết các điểm nóng thông qua đàm phán.

Đâu là thực chất

Điều cần chú ý là, các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đều có mặt các cường quốc. Cuộc đàm phán lần này giữa Iran và 6 nước lớn khác, gọi đó là Nhóm P5+1, gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức. Các nước tham gia đàm phán không chỉ thuần túy nhằm giải quyết tình hình hạt nhân ở Iran, mà mỗi nước đều có lợi ích riêng của mình. 

Việc Mỹ giương lên lá bài "vì lợi ích chung" để tập hợp lực lượng trong đàm phán với Iran; việc Chính quyền B.Obama trong suốt thời gian qua đã nỗ lực kéo Nga vào danh sách những nước tham gia, để phối hợp gia tăng gây sức ép đối với tham vọng hạt nhân của Iran cho thấy lợi ích của Mỹ còn là nhằm phá hoại, chia rẽ mối quan hệ Nga - Iran, một mối quan hệ mà theo Mỹ, sẽ không có lợi cho Mỹ tại Iran và ở các quốc gia khu vực. 

Nga cũng đã thể hiện thái độ không gây quá nhiều áp lực đối với Iran, vừa muốn một nước Iran phi hạt nhân, lại vừa không muốn gia nhập cùng Mỹ và các đồng minh Mỹ, bởi những nguy cơ mà Nga cho rằng họ có thể phải gánh chịu từ việc gia nhập đó và còn có thể có những tổn thất đe dọa từ chính Iran đối với Nga. 

Có vẻ như Nga cũng đã nhận thấy lợi ích không được nhiều khi hợp tác với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran; và Mỹ cũng đã có thể không hài lòng, thậm chí “không hiểu quan điểm” của Nga về vấn đề hạt nhân Iran!...

Song, dù muốn hay không, khi tình hình khu vực đang có nhiều bất ổn và hỗn loạn như hiện nay, thì việc đạt được một thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran cũng là một nhân tố tích cực, làm dịu bớt căng thẳng. Vấn đề hạt nhân Iran lại thêm một minh chứng cho nhận định của không ít người: thực chất bàn cờ chính trị thế giới là bàn cờ của các nước lớn. Tình hình sẽ còn phức tạp dù việc đàm phán chương trình hạt nhân Iran đã thỏa thuận khung.

Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.