Argentina - Anh kiện nhau lên Liên Hợp Quốc vì quần đảo tranh chấp

Thứ Sáu, 03/04/2015, 09:45
Sự hối thúc của Ủy ban chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) với Argentina và Anh xung quanh việc tranh chấp quần đảo Malvinas/Falklands dường như chưa có tác dụng. Bằng chứng là mới đây. Argentina sau khi kiện Anh lên LHQ, đã lên tiếng phản đối việc các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại quần đảo này.

Từ khẩu chiến về vấn đề giàn khoan

Theo tin từ hãng Proactiveinvestors, ngày 2/4, các chuyên gia làm việc tại giàn khoan khổng lồ Zebedee thuộc dự án liên doanh của các công ty Anh Rockhopper, Falkland Oil, Premier Oil và Noble Energy được lai dắt ra khu vực quần đảo Malvinas/Falklands đã phát hiện dầu mỏ và khí gas ở khu vực này. Cụ thể, dầu mỏ được tìm thấy trong cát ở độ sâu 25m còn khí gas thì phát hiện ở độ sâu 17,5m. Lượng dự trữ cho dầu mỏ và khí gas được cho là rất tốt.

Hãng tin BBC nhận định, thông tin này đã giúp cho cổ phiếu của các công ty nói trên tăng trên thị trường chứng khoán, đồng thời nó cũng tạo thành tiền đề để nhà chức trách Anh đưa ra các quyết sách mới ở khu vực quần đảo tranh chấp với Argentina. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến cho cuộc chiến pháp lý giữa Anh-Argentina thêm phần gay cấn.

Trong khi đó, Argentina vẫn tiếp tục phản đối hành động của các công ty Anh. Hôm 1/4, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina Daniel Filmus đã lên tiếng phản đối việc Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại Malvinas/Falklands, khẳng định rằng việc làm này sẽ đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái.

Ông Daniel Filmus còn đe dọa rằng, chính phủ Argentina đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để đấu tranh chống lại việc Anh có ý định tiếp tục tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển này.

Riêng đối với các công ty Rockhopper, Falkland Oil, Premier Oil và Noble Energy, Argentina sẽ có biện pháp xử lý theo luật pháp nước này và luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, tòa án có thể ra lệnh bắt giữ những người tham gia hoạt động khai thác dầu khí trái phép và tống giam 15 năm tù cùng số tiền phạt tương đương tổng giá trị của 1,5 triệu thùng dầu.

Quần đảo Malvinas/Falklands hiện là nơi sinh sống của 3.000 dân, trong đó phần lớn là người Anh. Ảnh: AP.

Đến cảnh báo về leo thang quân sự

Bên cạnh việc đưa ra các phản đối mạnh mẽ, hôm 30/3, Argentina cũng đã có biện pháp khá cứng rắn khi để Ngoại trưởng Hector Timerman gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa thuộc LHQ, Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), tố cáo rằng Anh đang quân sự hóa khu vực Nam Cực, khiến tình hình ở khu vực này trở nên căng thẳng không cần thiết và vô lý.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina còn khẳng định, bất chấp những yêu cầu của Buenos Aires tiến hành đối thoại để giải quyết bất đồng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Anh lại luôn theo đuổi việc chạy đua vũ trang tại quần đảo ở Nam Đại Tây Dương này. Nhấn mạnh việc Argentina không có ý định tham gia vào bất kỳ một cuộc chiến tranh nào tại quần đảo Malvinas/Falkland, người đứng đầu ngành ngoại giao Argentina hối thúc Anh ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho những bất đồng về tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế.

Có thể nói rằng, quần đảo Malvinas/Falkland là một trong số ít những thuộc địa còn lại trên thế giới mà Anh từ chối trao trả. Anh đã chiếm và đóng quân trên quần đảo này từ năm 1833.

Năm 1965, LHQ đã thông qua hàng chục nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết tranh chấp nhưng chính quyền London luôn từ chối với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo này. Tuy nhiên, phía Argentina không chấp nhận lập luận của Anh với lý do sau khi chiếm đóng Malvinas, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của người Anh.

Đến năm 1982, Argentina có tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo được 74 ngày rồi bị đánh bại.

Tháng 6 năm ngoái, Ủy ban Chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa đã thông qua nghị quyết thứ 46, hối thúc Argentina và Anh tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một giải pháp đối với quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Song Anh từ chối.

Thậm chí, hồi cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền London còn thông báo về kế hoạch tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo Malvinas/Falklands trong vòng 10 năm với tổng chi phí lên tới 270 triệu USD trong đó bao gồm cả việc nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo vào giữa năm 2016.

Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện trên quần đảo Malvinas/Falklands đang có 3.000 dân, phần lớn là người Anh. Những người này đều tỏ ý không muốn quần đảo này thuộc về chủ quyền của Argentina.

Sông Thương
.
.
.