Xung quanh vụ nghe lén của NSA: Thật khó để tin nhau

Thứ Hai, 28/10/2013, 08:52
Nếu dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong việc lên án hoạt động gián điệp, bảo vệ các quyền riêng tư và bất khả xâm phạm về thư tín của công dân do Brazil và Đức trình (trước ngày 1/11) được thông qua sẽ là một áp lực quan trọng đối với chương trình do thám PRISM của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Điều này cũng đồng nghĩa với việc những tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã và đang thực sự gây bất bình lớn tại nhiều quốc gia, như: Brazil, Đức, Pháp, Mexico, Italia, Tây Ban Nha…
>> NSA nghe lén Tổng thống Brazil và Mexico

Được biết, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Margallo sẽ gặp Đại sứ Mỹ vào sáng 28/10 tại trụ sở Bộ Ngoại giao để yêu cầu giải thích về vụ nghe lén. Trước đó (25/10), Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo, sẽ triệu Đại sứ Mỹ tại thủ đô Madrid tới để yêu cầu giải thích về những thông tin cho rằng, Washington đang do thám quốc gia Nam Âu này.

Ngày 27/10, tờ Tấm gương của Đức cho biết, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã yêu cầu lập một ủy ban điều tra các vấn đề liên quan tới NSA, sau những cáo buộc NSA đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Ngày 26/10, lãnh đạo Ban tổ chức nhóm nghị sỹ SPD trong Quốc hội Thomas Oppermann khẳng định: Việc thành lập một ủy ban điều tra NSA là cần thiết, nhằm tái thiết niềm tin trong bảo vệ vấn đề riêng tư.

Nghị sỹ Thomas Oppermann, đồng thời là Chủ tịch Ban Kiểm soát tình báo ở Quốc hội còn đề nghị để cựu nhân viên CIA Edward Snowden làm nhân chứng và trình bày các thông tin liên quan trước Quốc hội Đức. Thủ lĩnh nhóm nghị sỹ đảng Xanh ở Quốc hội, bà Katrin Goring Eckardt cũng yêu cầu Quốc hội thảo luận về vụ việc này. Trong tuần này, Giám đốc tình báo Đức sẽ tới Mỹ để làm rõ nghi án NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.

Ngày 26/10, với các khẩu hiệu "Chấm dứt do thám tràn lan", "Cảm ơn Edward Snowden" và "Chấm dứt các tòa án bí mật", hàng ngàn người đã biểu tình tại thủ đô Washington yêu cầu cải cách "khoản 215 của Đạo luật Yêu nước Mỹ", cũng như sửa đổi Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA), đồng thời kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn tình trạng do thám tràn lan của các cơ quan an ninh Mỹ.

Cũng trong ngày 26/10, tờ Der Spiegel của Đức cho biết, từ năm 2010, Mỹ đã có khoảng 80 căn cứ gián điệp trên thế giới, 19 trong số đó hoạt động tại các thành phố châu Âu. Và làm việc tại các căn cứ được thành lập từ cuối thập niên 1970 có nhân viên của CIA và NSA. Riêng tại châu Âu, ngoài tổ chức 2 cơ sở tình báo ở Đức (Berlin và Frankfurt), Mỹ còn có các nhóm tình báo hoạt động tại Paris (Pháp), Prague (Czech), Geneva (Thụy Sĩ), Madrid (Tây Ban Nha) và Rome (Italia)...

Theo tờ Der Spiegel, việc nghe trộm điện thoại của bà Angela Merkel được thực hiện từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin và danh tính của nữ Thủ tướng Đức nằm trong danh sách những mục tiêu theo dõi của NSA từ năm 2002 (trước khi bà làm Thủ tướng). Việc do thám này được bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, sau khi Đức từ chối tham gia cuộc chiến tại Iraq cách đây 11 năm. Khi đó, điện thoại di động của bà Angela Merkel được đưa vào danh sách theo dõi do Đơn vị thu thập đặc biệt (SCS) của NSA từ năm 2002 và được đánh dấu là "GE Chancellor Merkel".

Theo tờ Der Spiegel, Tổng thống Barack Obama không biết việc nghe lén Thủ tướng Đức nên đã xin lỗi bà Angela Merkel sau khi biết chuyện, đồng thời cam kết chấm dứt tình trạng này.

Thông tin về việc NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel tràn ngập báo chí nước ngoài.

Trước đó, ông Barack Obama cũng phải gọi điện cho Tổng thống Pháp Francois Hollande về vụ nghe lén điện thoại đang làm Paris nổi giận. Nhưng theo tờ Bild am Sonntag (Đức), từ năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã biết việc bà Angela Merkel bị theo dõi và khi đó Giám đốc NSA Keith Alexander từng trực tiếp báo cáo với ông chủ Nhà Trắng về hoạt động do thám các cuộc gọi của nữ Thủ tướng Đức.

Nội dung nghe lén đối với bà Angela Merkel được chuyển thẳng về Nhà Trắng, thay vì chuyển qua Trung tâm tình báo Fort Meade tại bang Maryland (Mỹ) theo quy trình thông thường. Tổng thống Đức Joachim Gauck đã gọi điện cho Tổng thống Barack Obama - nếu cáo buộc trên là đúng sự thật, điều đó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin giữa những người bạn và đối tác chính trị.

Ngày 25/10, tờ Guardian cho biết, theo tài liệu cung cấp của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, từ năm 2006, NSA đã nghe lén hơn 200 số điện thoại của các quan chức cao cấp trên thế giới, trong đó có 35 nguyên thủ quốc gia. Cũng trong ngày 25/10, khi kết thúc Hội nghị cấp cao mùa thu diễn ra trong hai ngày 24 và 25/10 tại thủ đô Brussels, Bỉ, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí thành lập "mặt trận chung" chống lại chương trình do thám của Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại châu Âu và Mỹ Latinh liên tục bị triệu tập thời gian qua để yêu cầu người đứng đầu Chính phủ Mỹ giải thích và giải quyết các cáo buộc liên quan tới hoạt động do thám của NSA. Trước áp lực quốc tế, Tổng thống Barack Obama đã hứa xem lại hoạt động do thám, trong đó tôn trọng các đối tác nước ngoài.

Theo Hãng tin CBS News, Mỹ vừa ký hiệp định không nghe lén đối với 4 nước Anh, Canada, AustraliaNew Zealand và Nhà Trắng đang đẩy mạnh gia tăng danh sách các nước ký với Washington hiệp ước không nghe lén.

Ngày 25/10, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận, việc tiết lộ các thông tin mật liên quan tới chương trình do thám của NSA đã dẫn tới "những giây phút căng thẳng" trong quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh.

Cùng ngày, trợ lý của Tổng thống Barack Obama phụ trách vấn đề an ninh nội địa và chống khủng bố, bà Lisa Monaco cũng thừa nhận những rò rỉ vừa qua đã đặt ra những thách thức to lớn đối với Washington trong quan hệ với các đồng minh truyền thống. Cựu Phó Giám đốc CIA Michaell Morrell vừa cảnh báo: Vụ tiết lộ tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden thực hiện là nghiêm trọng nhất trong lịch sử tình báo Mỹ. Trong khi đó, bà Madeleine Albright, nguyên Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận, những tiết lộ của Edward Snowden đã làm tổn thương tới các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Nhưng theo tờ The Washing Post (25/10), Mỹ vừa cảnh báo các đồng minh về những tài liệu của Edward Snowden có thể làm lộ việc cơ quan tình báo các nước hợp tác với nhau để do thám Nga, Trung Quốc, Iran... Có tin nói rằng, cựu nhân viên CIA Edward Snowden đang nắm trong tay hàng nghìn tài liệu mật về dịch vụ nghe lén của Chính phủ Mỹ.

Thủ tướng Anh David Cameron đã cáo buộc cựu nhân viên CIA Edward Snowden và một số tờ báo (25/10) đã tiếp tay cho kẻ thù của London bằng việc giúp chúng tránh bị các cơ quan tình báo nước này theo dõi khi tiết lộ chương trình do thám của Mỹ. Theo tờ Telegraph, Mỹ phủ nhận theo dõi liên lạc của Thủ tướng David Cameron. Trước đó (24/10), Tạp chí Nghiên cứu Báo chí Columbia (Mỹ) cho rằng, báo đài Mỹ "kém tự do ngôn luận", thiên vị Chính phủ Mỹ khi đưa tin về chương trình do thám nhiều quốc gia trên thế giới của NSA. Cũng trong ngày 24/10, tờ Le Monde (Pháp) công bố báo cáo cho thấy, NSA nghe lén gần 125 tỷ cuộc gọi/tháng của các chủ thuê bao trên toàn thế giới, chủ yếu là ở Trung Đông.

Cách đây gần 1 năm (30/12/2012), Tổng thống Barack Obama từng ký đạo luật cho phép các cơ quan tình báo Mỹ nghe trộm các cuộc đàm thoại và đọc lén e-mail của công dân nước ngoài bị tình nghi hoạt động gián điệp và khủng bố. Sau khi ông Barack Obama ký gia hạn thêm 5 năm đối với Đạo luật FISA, cơ quan chức năng không cần có sự cho phép của tòa án vẫn có quyền nghe trộm các cuộc nói chuyện điện thoại và kiểm duyệt e-mail của người nước ngoài bên ngoài nước Mỹ.

Mặc dù ông Barack Obama ký gia hạn đạo luật FISA sau khi được Thượng viện và Hạ viện thông qua, nhưng vẫn bị dư luận chỉ trích bởi bị coi là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người dân Mỹ. Hơn 3 năm trước (28/9/2010), khi Đạo luật FISA được Nhà Trắng chỉnh sửa để trình lưỡng viện thông qua, vấn đề này từng gây xôn xao dư luận Mỹ vì Tổng thống Barack Obama quyết định mở rộng chủ đề nhạy cảm kể trên. Ngày 20/6/2008, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật liên quan đến các cuộc nghe lén điện thoại. Trước đó (12/2/2008), Thượng viện Mỹ đã thông qua vấn đề này cho dù việc này diễn ra (trong bí mật) sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Theo đó chính quyền đã nghe lén hàng nghìn cuộc điện thoại của công dân theo lệnh trực tiếp của Tổng thống George W.Bush và không được tòa án thông qua. 46 vụ kiện của công dân Mỹ đối với các công ty viễn thông vì đã cho phép chính phủ nghe trộm các cuộc điện thoại đương nhiên được bãi bỏ. Thượng nghị sỹ Russell Feingold, người của đảng Dân chủ cho rằng, ông George W.Bush đã vi phạm luật khi ký thông qua dự luật này

Nhiệm Bình
.
.
.