Vương quốc Anh:

Luật trưng cầu ý dân rút khỏi EU vượt qua rào cản đầu tiên

Thứ Năm, 11/06/2015, 11:10
Kế hoạch của Thủ tướng David Cameron tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nữa hay không đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt của Hạ viện Anh khi giành được 544 phiếu thuận và 53 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 9/6 (theo giờ địa phương).

Theo đó, dự luật này đã vượt qua “ải đầu tiên” tại Hạ viện. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond khẳng định giờ đây công chúng Anh phải có “tiếng nói cuối cùng” của mình về việc này.

Kết quả cuộc bỏ phiếu với số phiếu thuận áp đảo cho thấy dự luật tiến tới trưng cầu ý dân đã nhận được sự ủng hộ của cả đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập vốn trước đó phản đối tiến hành trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh.

Theo hãng tin Reuters, dự luật được Hạ viện Anh thông qua sau khi Thủ tướng Cameron phủ nhận việc ông đã cảnh báo rằng những bộ trưởng nào muốn vận động nước Anh rời khỏi EU thì trước tiên sẽ phải từ chức. Ông đổ lỗi cho các phóng viên báo chí tham gia đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức đã “hiểu nhầm” ý ông.

Cuộc trưng cầu dân ý về việc tư cách thành viên EU của Anh sẽ là một bước ngoặt đối với xứ sở sương mù. Ảnh minh họa: Reuters

Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được một ủy ban Hạ viện tiếp tục xem xét và phải trải qua thêm nhiều vòng thảo luận trước khi được thông qua hoặc bác bỏ vào tuần tới. Trước đó, Thủ tướng Cameron từng tuyên bố muốn nước Anh vẫn ở lại trong một EU cải cách.

Thủ tướng Anh còn khẳng định sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo của EU đồng ý với những cải cách mà London đề xuất liên quan đến một EU dân chủ hơn và tạo thêm nhiều việc làm hơn. Nếu EU đồng ý với những đề xuất này, ông tin tưởng rằng cử tri Anh sẽ bỏ phiếu chọn để Anh vẫn là thành viên của EU.

Trong nỗ lực chấm dứt mâu thuẫn nội bộ đảng Bảo thủ kéo dài một thập kỷ qua về vị trí của nước Anh ở EU, Thủ tướng Cameron đã cam kết sẽ thương lượng một điều khoản mới với Brussels và tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh vào trước cuối năm 2017.

Giới quan sát cho rằng, bất đồng liên quan chính sách về châu Âu không chỉ đe dọa sự đoàn kết của đảng Bảo thủ mà còn cho cả Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, bởi trong 4 xứ làm nên Liên hiệp, EU được ưa chuộng ở Scotland, Wales và Bắc Ireland hơn là ở England, nơi chiếm 85% dân số toàn vương quốc. Những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc tại Scotland có thể nhân cớ này để đòi tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland nếu như England bỏ phiếu muốn rời EU trong khi Scotland muốn ở lại.

Theo giới phân tích, nếu nước Anh rút ra khỏi EU thì đồng minh Pháp - Đức còn “rảnh tay” hơn để cải tổ, củng cố lại khu vực đồng Euro (Eurozone), vì cho đến giờ, nước Anh vẫn giữ đơn vị tiền tệ của mình, đồng Bảng Anh không đổi sang tiền Euro, mà vẫn có ảnh hưởng lên Eurozone. Điều mâu thuẫn cơ bản này làm phát sinh nhiều mâu thuẫn kế tiếp.

Trên bình diện liên minh quân sự, nước Anh vẫn còn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì việc rút chân ra khỏi sân khấu chính trị EU không có ảnh hưởng hay thay đổi gì mấy. Bên cạnh đó, tuy vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ châu Âu, nhưng trên thực tế, về lịch sử, kinh tế, xã hội thì nước Anh gắn bó với Mỹ nhiều hơn là với các quốc gia châu Âu nằm trên thềm lục địa, mà quan hệ luôn trong tình trạng nửa ấm, nửa lạnh. 

Người dân Anh thì có vẻ đồng tình với việc rút ra khỏi EU. Họ suy luận rằng, việc rời khỏi EU không có thiệt hại gì, vẫn đi du lịch các nước châu Âu, vẫn mua nhà cửa được ở châu Âu, mà nước Anh không còn phải đóng một khối tiền “lệ phí” thành viên nữa, họ có cảm tưởng là “cho không”, lấy trong công quỹ thu thuế của dân.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cũng trong ngày 9/6, Thủ tướng Cameron đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm chính thức Anh ba ngày từ 8 – 10/6. 

Tại cuộc gặp, đánh giá cao giai đoạn vàng trong quan hệ Anh – Trung Quốc, Thủ tướng Cameron hy vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác và một tương lai tươi sáng chờ đợi trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Anh sẵn sàng tạo điều kiện thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư Trung Quốc – EU cũng như ủng hộ việc nghiên cứu thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc – EU. 

Thủ tướng Anh cũng cho biết, chính phủ Anh đã bắt đầu chuẩn bị cho chuyến thăm xứ sở sương mù của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 tới. Cả hai nước sẽ cùng khai thác khoảng không gian cho tăng trưởng trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Anh và góp phần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, tăng trưởng, quản trị và phát triển toàn cầu, ông Vương Nghị cho biết thêm.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.