“Vũ khí bí mật” của ông McCain

Thứ Năm, 01/05/2008, 16:17
Cuộc so kè ngày một quyết liệt giữa các ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ hiện nay dường như đang mang đến cơ hội vàng cho một trong những tài năng kiệt xuất nhất trên chính trường Mỹ: Bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Nói đơn giản, rất có thể bà sẽ trở thành người sát cánh với ông McCain trong cuộc chạy đua vào chức vụ tổng thống nước Mỹ.

Thử tưởng tượng nữ tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ đắc cử trong tương lai gần, nhưng không phải là Hillary Clinton? Rồi chúng ta lại tưởng tượng tiếp vị tổng thống da đen đầu tiên bước vào Nhà Trắng trong tương lai không xa, mà đó cũng không phải là Barack Obama?

 

Tất nhiên, lời giải đáp cho hai câu hỏi trên chính là bà Condoleezza Rice. Con gái của một mục sư bang Alabama, một tay đàn dương cầm cự phách, cánh tay phải của đương kim Tổng thống Bush và hiện nắm giữ chức vụ cao (Ngoại trưởng) trong Chính phủ Mỹ, bà có đủ tất cả những lợi thế. Là một người có nhiều kinh nghiệm và khôn khéo, lại có tài đối đáp sắc sảo và khi cần thiết có thể nhanh chóng “tung chiêu” bằng những bài diễn văn đầy thuyết phục.

 

Câu chuyện đời của bà có nhiều chuyện cảm động như được nêu trong quyển tiểu thuyết “Màu tím” của nhà văn nổi tiếng Alice Walker, lấy bối cảnh là miền Nam nước Mỹ.

 

Năm Rice lên 8 tuổi, 1 trong 4 nạn nhân nữ bị giết chết tại nơi bà cư ngụ là bạn thân của bà. Họ bị giết tại một nhà thờ địa phương trong vụ đánh bom do những người da trắng theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra.

 

Bà Rice chắc chắn có cơ hội tốt để được đề cử vào chức danh phó tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa. Do vấn đề tuổi tác, Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain có thể chỉ tại vị duy nhất 1 nhiệm kỳ. Sát cánh bên ông, một ngày nào đó, bà Rice có thể tự mở chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho mình.

 

Trong khi 2 ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ tiếp tục so kè quyết liệt để chính thức trở thành người đại diện cho đảng này ra tranh cử với ông John McCain, bà Rice bắt đầu được để ý đến như một ứng viên sáng chói thứ tư. Chuyện bà Rice chính thức tiến vào Nhà Trắng, vào năm 2012 hoặc thậm chí có thể sớm hơn, nói tóm lại là đã được dư luận chú ý.

 

Chỉ mới những ngày gần đây thôi, ông McCain vẫn không nghĩ đến bà Rice có khả năng trở thành “cánh tay phải” ra tranh cử với mình, tuy ông thường ca ngợi thật lòng rằng: “Ngoại trưởng Mỹ là một người Mỹ có tấm lòng cao cả”,  và người nắm giữ “một vai trò kiểu mẫu cho hàng triệu người trong nước và thế giới noi theo”.

 

Nhóm tranh cử của ông McCain nôn nóng tìm một vũ khí bí mật để đưa cuộc vận động “có nét thụ động” của ông vào đúng quỹ đạo. Trên cương vị ứng viên tổng thống mới của nước Mỹ, ông có 3 điểm hạn chế.

 

Bề ngoài tỏ vẻ kiên quyết nhưng chính kiến ông mềm yếu, cho nên sự cứng rắn của bà Rice có thể là điểm tựa vững chắc cho ông một khi TNS McCain đắc cử. Ông có nhiều kinh nghiệm nhưng đã cao tuổi, thành thử cần sự trẻ trung. Cuối cùng, ông là người da trắng, điều đó khiến ông trở nên xa lạ với các cử tri da đen.

 

Cách đây gần 25 năm, chính ông là người bỏ phiếu chống một đạo luật tạo ra ngày tưởng niệm nhà hoạt động Martin Luther King. Chính vì vậy, sự có mặt một người cộng sự da đen bên cạnh chắc chắn là có lợi cho TNS McCain.

 

Một điều tranh luận khác không thể bị đánh giá thấp là bà Condoleezza Rice có khả năng xoa dịu những bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Mỗi phe một chính kiến, phe tự do cho rằng ông McCain quá bảo thủ, cánh hữu lại đánh giá rằng ông quá theo xu hướng tự do. Là người thân tín nhất của tổng thống đương nhiệm, bà Rice thừa sức giảm thiểu những cuộc đối đầu này.

 

Sai lầm lớn nhất của bà - ủng hộ Tổng thống Bush trong cuộc chiến tại Iraq - lại được xét đoán theo kiểu khác. Thế nhưng, vị tổng thống "hiếu chiến" này (theo cách gọi của đại đa số đại biểu đảng Cộng hòa) vẫn được không ít người ủng hộ.

 

Ngài McCain sẽ là người quyết định bà Rice có đủ phẩm chất để trở thành ứng viên phó tổng thống vào cuối quá trình vận động tranh cử hay không. Một cơ chế phức tạp đã bắt đầu, theo đó sức mạnh của các ứng viên khác - chẳng hạn khả năng am hiểu kinh tế của doanh nhân Mitt Romney - đang được cân đo với những yếu kém của bà Rice. Được biết, bà Rice thiếu sự thân tình ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa và còn ít kinh nghiệm về kinh tế.

 

Nhiều cuộc khảo sát cũng từng tiết lộ những yếu tố đó. Bản thân bà Rice mới đây tuyên bố đến khi Chính phủ của ông Bush mãn nhiệm, bà thích quay trở lại với công việc một giáo sư tại Trường đại học Stanford hơn. Thế nhưng, mức độ đáng tin cậy của những tuyên bố như vậy thường không cao, và ít có người tin tưởng. Đơn giản là cuộc chinh phục chính trường của bà Rice chưa thể dừng lại trước khi đạt tới một đỉnh cao chói sáng hơn

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.
.