Xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam:

Việt Nam giành chiến thắng trên mặt trận công luận vì chính nghĩa

Thứ Sáu, 13/06/2014, 09:10
Trong hơn 40 ngày qua, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam liên tục đưa ra những bằng chứng xác thực tố cáo hành động sai trái này và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế về những nỗ lực bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Báo chí, giới chuyên gia và chính trị quốc tế đã liên tục bày tỏ quan ngại trước hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với chủ trương của Việt Nam tìm kiếm các biện pháp hòa bình, theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc vẫn thách thức dư luận quốc tế, tiếp tục các hành động bất hợp pháp và còn có những lời lẽ vu cáo xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn nhằm đổ lỗi cho Việt Nam. Theo giới chuyên gia và nghiên cứu sinh quốc tế, việc Trung Quốc liên tục bóp méo sự thật và vu cáo Việt Nam là thủ đoạn không thể chấp nhận được.

Không phải là cách hành xử của một cường quốc

Hãng tin AP ngày 11/6 đã đăng bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 10/6 của Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung, trong đó nêu rõ yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu ra khỏi thềm lục địa và EEZ của Việt Nam, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc tiến hành đàm phán về các bất đồng liên quan đến Biển Đông.

AP dẫn lời Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định: “Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục kiềm chế nhưng Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, vẫn bảo lưu quyền phòng vệ chính đáng của mình”. Cùng ngày, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) dẫn phân tích của thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio cho rằng, Trung Quốc luôn miệng nói có “bằng chứng lịch sử” để chứng minh tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò”, nhưng chính những tấm bản đồ cổ của nước này đã phản bác lại các tuyên bố chủ quyền phi lý đó. Thẩm phán Antonio Carpio, sau khi nghiên cứu 72 bản đồ cổ, trong đó 15 bản có xuất xứ Trung Quốc, đã gọi tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền với 90% Biển Đông là “ngụy tạo lịch sử khổng lồ”.

Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng.   Ảnh: VOV.

Trước đó, trong bài viết “Hoàng Sa: Liệu Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi”?” đăng trên trang mạng eurasiareview hôm 10/6, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam – nêu rõ: “Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bất cứ chứng cứ xác đáng nào cho thấy họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Không một cuốn sách lịch sử, một bản đồ hay tài liệu chính thức nào của Trung Quốc từ giữa thế kỷ XX đổ về trước ghi nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Tất cả các tài liệu của Trung Quốc chỉ đánh dấu đảo Hải Nam là cực Nam của Trung Quốc”.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn yêu cầu Trung Quốc, không được có bất cứ hành động đơn phương nào tại khu vực và cần rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Hoàng Sa vì đó là thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, chuyên trang bình luận RSIS Commentaries của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng S.Rajaratnam (RSIS), thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cũng đăng nguyên văn bài viết "The Paracels: Forty years on" (Hoàng Sa: 40 năm trường) của Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh - Phó trưởng Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, khẳng định Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng các điều khoản của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC).

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh chỉ trích việc Trung Quốc cố tình phớt lờ mọi cơ sở pháp lý xác đáng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – quần đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm năm 1974. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh đánh giá hành động vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc không phải là cách hành xử của một cường quốc có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Về phần mình, RSIS Commentaries cũng đưa ra nhận định rằng, hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ gây ra cuộc xung đột về chủ quyền mà nghiêm trọng hơn, nó đã gây ra sự đối đầu với luật biển quốc tế.

Cũng trong ngày 11/6, hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) dẫn lời các quan chức Philippines tố cáo âm mưu xây dựng phi pháp đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa, “tạo sự đã rồi” để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm ở Biển Đông.

Ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy, Australia thậm chí còn cho rằng, nếu đạt được ý đồ trong việc xây dựng, thay đổi hiện trạng ở Trường Sa thì Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp này như một hình mẫu để lấn tới tại các khu vực tranh chấp khác. Ngoài ra, cũng theo Bloomberg, Trung Quốc còn có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng tại đảo đá Ga Ven và đá Châu Viên.

Phản đối sự thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực

Ngày 11/6, Nhật Bản và Australia ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop lên án mạnh mẽ các hành động khiêu khích, hăm dọa liên quan những tranh chấp trên Biển Đông.

Cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành vi ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đồng thời khẳng định, nỗ lực đơn phương uy hiếp, ép buộc, sử dụng vũ lực để tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản cũng đề nghị chính phủ nước này đẩy mạnh liên kết với các nước Mỹ, ASEAN, kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày 11/6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã lên tiếng kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm kiềm chế các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Theo đó, an ninh khu vực phải được đảm bảo dựa trên việc xác định và duy trì các quy tắc về chia sẻ không gian. Chỉ có như thế mới ngăn chặn được các hành vi gây căng thẳng, cũng như khả năng các nước lớn “uy hiếp” các nước nhỏ hơn và tạo cơ hội để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình

Hà Khổng
.
.
.