Việt Nam đề xuất xây dựng CSDL quân sự chung của ASEAN

Thứ Tư, 11/02/2015, 15:22
Việt Nam hoan nghênh việc tăng cường hoạt động phối hợp kiểu Trung tâm chia sẻ thông tin hàng hải (IFC) và Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực (RHCC) ở Changi (Singapore).

Dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 12 (ACDFIM-12) diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia) từ hôm 10/2, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có bài phát biểu thu hút sự chú ý của đại diện quân đội các nước.

Khẳng định an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho người dân, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chia sẻ tại hội nghị một số giải pháp cần tập trung để phát huy tốt hơn vai trò nòng cốt của quân đội trong thời gian tới.

Thứ nhất là thúc đẩy chia sẻ thông tin, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các lực lượng có vai trò chủ chốt trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, chống khủng bố...

Ở khía cạnh này, Việt Nam hoan nghênh việc tăng cường hoạt động phối hợp kiểu Trung tâm chia sẻ thông tin hàng hải (IFC) và Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực (RHCC) ở Changi (Singapore). Các bên cần làm việc cùng nhau để thống nhất cơ chế trao đổi thông tin, trong đó có thông tin tình báo về lĩnh vực này.

Thứ hai là tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác hiện nay của khu vực để đảm bảo rằng các cơ chế này bổ sung cho nhau và tránh sự trùng lặp, qua đó phát huy hiệu quả các nguồn lực.

Thứ ba là tăng cường các hoạt động thực tiễn phối hợp chung, nhất là các cuộc diễn tập để nâng cao năng lực phối hợp hành động, đồng thời vận hành và hoàn thiện các quy trình hoạt động chuẩn giữa quân đội các nước ASEAN…

Với chủ đề “ASEAN - Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân và do nhân dân”, hội nghị lần này đã tập trung thảo luận hai nội dung chính là những thách thức an ninh nổi lên ở khu vực, gồm các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề an ninh mạng và vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông; các chương trình hợp tác quốc phòng trong khu vực như các cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn, phối hợp tuần tra trên biển, thiết lập đường dây nóng hải quân…

Hội nghị cũng tái khẳng định việc tiếp tục hướng tới mục tiêu thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có vai trò quan trọng đối với an ninh biển và môi trường an ninh ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, các mối đe dọa phi truyền thống như thiên tai, khủng bố, an ninh biển và tội phạm xuyên quốc gia vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết trong khu vực.

H.Chi
.
.
.