Việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nga: Gậy ông đập lưng ông?

Thứ Sáu, 14/03/2014, 08:37
Hạ viện và Thượng viện Mỹ ngày 12/3 đã cùng thông qua nghị quyết, dự luật mở đường cho việc áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, việc áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga sẽ là “con dao hai lưỡi” bởi sự phụ thuộc lẫn nhau của giao dịch toàn cầu. Thêm vào đó, các biện pháp trừng phạt của Quốc hội Mỹ đang gặp phải những phản đối của chính người dân Mỹ.

Những “biện pháp cứng rắn” của Mỹ và EU

Hạ viện Mỹ ngày 12/3 đã thông qua nghị quyết lên án hành động của Nga ở Ukraine đồng thời thúc giục Nhà Trắng “làm việc với các đồng minh châu Âu và các nước khác để áp đặt trừng phạt về thị thực, thương mại, tài chính lên các quan chức cấp cao, ngân hàng và thể chế tài chính cũng như các cơ quan chính phủ của Nga”.

Ngoài ra, nghị quyết này còn đề nghị Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cử quan sát viên tới Cộng hòa tự trị Crimea cũng như các vùng khác của Ukraine, đồng thời kêu gọi NATO ngừng hợp tác quân sự với Nga, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị quân sự. Thêm vào đó, nghị quyết này còn đưa ra gói hỗ trợ tài chính cho chính quyền đương nhiệm ở Ukraine và giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng của nước này vào Nga.

Cùng ngày, với tỷ lệ 14 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng thông qua một dự luật về gói viện trợ kinh tế cho Ukraine bao hàm khoản vay đảm bảo 1 tỷ USD dành cho Kiev, cùng với nhiều triệu USD tiền viện trợ và biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản tại Mỹ, cấm nhập cảnh và từ chối thị thực đối với các cá nhân Nga và Ukraine “có dính dáng đến bạo lực hoặc vi phạm nhân quyền trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình tại Ukraine hoặc bất kỳ đối tượng nào can dự vào việc làm xói mòn an ninh và ổn định của Ukraine”. Bên cạnh đó, cũng theo dự luật trên, Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ chính phủ mới của Ukraine điều tra những hành động tham nhũng và thu hồi các tài sản cho chính quyền Kiev.

Trong một tuyên bố khác cùng ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh, Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Liên bang Nga ngừng ủng hộ các nỗ lực thay đổi quy chế của Crimea trái với luật pháp của Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo về khả năng G7 sẽ hoãn việc chuẩn bị cho các hoạt động liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh G8 (gồm G7 và Nga) tại Sochi vào tháng 6 tới nếu Moskva không chấm dứt mọi hành động tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Việc áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga sẽ là “con dao hai lưỡi” bởi sự phụ thuộc lẫn nhau của giao dịch toàn cầu”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về khung trừng phạt đầu tiên với Nga kể từ thời chiến tranh lạnh, theo đó sẽ cấm đi lại và phong tỏa tài sản của những cá nhân và công ty xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 13/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Nga có nguy cơ phải hứng chịu những thiệt hại "nghiêm trọng" về cả chính trị và kinh tế nếu Moskva không thay đổi cách hành xử trong vấn đề Ukraine. Trước đó bà A. Merkel từng tuyên bố, trong trường hợp không có tiến triển về ngoại giao, các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng từ ngày 17/3.

Phản ứng của chính người Mỹ

Các biện pháp cứng rắn của chính phủ và Quốc hội Mỹ đang vấp phải sự phản đối của chính người dân nước này. Ngày 13/3, Tổ chức phi chính phủ chống chiến tranh và bảo vệ nhân quyền Answer Coalition đã phát động chiến dịch phản đối nhà chức trách Mỹ viện trợ tài chính cho chính quyền mới ở Kiev (Ukraine) vì đây là một chính phủ “không chấp nhận được”.

Còn theo kết quả thăm dò ý kiến của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 56% người Mỹ cho rằng, Mỹ không nên can thiệp quá sâu vào tình hình Ukraine trong khi chỉ có 29% tán thành. Trước đó, trong buổi họp báo hôm 11/3, Tổng thống Ukraine Yanukovych nhấn mạnh, Washington không có quyền hỗ trợ tài chính cho chính quyền lâm thời ở Kiev.

Bộ Ngoại giao Nga thì khẳng định, quyết định hỗ trợ tài chính cho chính quyền ở Kiev của Mỹ là vi phạm luật pháp Mỹ vì theo đạo luật sửa đổi năm 1961 (Luật Hỗ trợ đối tác nước ngoài) của Mỹ, Nhà Trắng không được phép cung cấp viện trợ cho “chính phủ bất kỳ quốc gia nào nắm quyền thông qua đảo chính hoặc lật đổ chính phủ hợp pháp do dân bầu”.

Thêm vào đó, Biên tập viên cao cấp của tạp chí Executive Intelligence Review, Jeffrey Steinberg, cũng đưa ra bình luận: “Luật được áp dụng trong từng trường hợp nếu nó phù hợp với chính sách của Nhà Trắng và đại đa số đại biểu Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, khi cần, luật có thể bị phớt lờ nếu nó bất tiện” và rằng, “trong trường hợp Ukraine, “không ai có thể phủ nhận” chính phủ của Tổng thống dân bầu Vicktor Yanukovich đã bị “lật đổ bởi lực lượng vũ trang theo tư tưởng cực hữu, phát xít mới”.

Trong một diễn biến khác, Ria Novosti dẫn lời Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, việc áp lệnh trừng phạt lên Nga sẽ là "con dao hai lưỡi" bởi sự phụ thuộc lẫn nhau của giao dịch toàn cầu. Còn Phó Thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovych thì phân tích, án phạt kinh tế có thể đến từ hai phía và cũng thường ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nước, do đó trong tình hình hiện nay Nga đánh giá biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ là rủi ro vô cùng to lớn đối với bên đưa ra.

Vị Phó Thủ tướng khẳng định, ảnh hưởng của án phạt đến nền kinh tế đối với Nga không lớn hơn ảnh hưởng của các biến động kinh tế thế giới. Thêm vào đó, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/3, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Uliukaev nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt, nếu có của Mỹ, cũng sẽ chỉ là những biện pháp của riêng nước này, liên quan đến các thanh toán quốc tế, hệ thống quan hệ thương mại, đồng thời nhấn mạnh, Nga sẽ xây dựng các biện pháp mới nhằm đối phó với tình huống, cụ thể như tăng tỷ lệ thương mại giao dịch bằng đồng nội tệ là đồng RUB

Thu Hằng
.
.
.