Vấn đề hạt nhân ở Iran lại nóng vì tối hậu thư

Thứ Hai, 04/01/2010, 08:45
Tin từ hãng Reuters ngày 3/1 cho hay, cả Mỹ và Đức đều thẳng thừng bác bỏ tối hậu thư do Iran đưa ra hôm 2/1 Đức khẳng định, tối hậu thư của Iran đòi phương Tây phải chấp thuận một thỏa thuận trao đổi uranium trong vòng một tháng hoặc nước này sẽ tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng của mình, là không có gì thay đổi trong chính sách của Iran.

Còn Mỹ thì cho rằng, nếu Tehran vẫn nhất quyết làm theo ý mình thì nước này sẽ phải hứng chịu những lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phát biểu trên đài truyền hình, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki tuyên bố, phương Tây "chỉ còn đúng một tháng để quyết định" có chấp nhận những điều kiện của Iran về một thỏa hiệp liên quan đến vấn đề nhiên liệu hạt nhân, nếu không Iran sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiên liệu.

Đồng thời, Tehran cũng bác bỏ một thỏa hiệp được cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra hồi tháng 11/2009 mà theo đó, Iran chuyển phần lớn lượng uranium đã làm giàu cấp độ thấp sang Nga và Pháp để xử lý thành những thanh nhiên liệu làm giàu ở cấp độ 20%, sau đó chuyển trở lại Iran để sử dụng trong lò phản ứng nghiên cứu phục vụ y tế. Mục đích của thỏa hiệp do LHQ hậu thuẫn này là nhằm giảm bớt số uranium tinh chế của Iran và hạn chế khả năng chế tạo bom hạt nhân của nước này.

Chính vì điều khoản nói trên của thỏa hiệp mà trong suốt những tháng cuối năm 2009, các cuộc thương thảo quốc tế về vấn đề hạt nhân ở Iran luôn bị bế tắc. Tehran đã đề nghị là họ sẽ mua nhiên liệu từ Tây phương, hoặc đổi uranium lấy các thanh nhiên liệu qua nhiều lần trao đổi với số lượng nhỏ, song các nước phương Tây vẫn không chấp thuận. Thời hạn chót của kế hoạch này là (31/12/2009) đã qua nhưng cho đến nay, Iran vẫn chưa chấp nhận.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang thăm một cơ sở hạt nhân ở tổ hợp hạt nhân Natanz. Ảnh: AFP

Các nhà phân tích nhận định rằng, sự dùng dằng, nửa muốn thế này, nửa muốn thế kia của Tehran cũng như sự cứng nhắc của Mỹ và các nước phương Tây trong vấn đề hạt nhân ở Iran có thể sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Hiện nay, Iran đang bị áp đặt 3 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ vì không từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Một mặt bác bỏ những lo ngại về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, khẳng định mục đích hòa bình trong các chương trình hạt nhân, mặt khác, Iran vẫn có chút thái độ thách thức khi công bố kế hoạch xây dựng thêm 10 cơ sở làm giàu uranium.

Về phía Mỹ và các nước phương Tây, phương pháp "cây gậy và củ cà rốt" được lợi dụng triệt để trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, chính những động thái này đã chứng tỏ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các bên và vì thế, những cuộc đàm phán chưa bao giờ kết thúc tốt đẹp mà chỉ ở tình trạng nửa vời với những kết quả nửa chừng, không đủ để đạt một thỏa thuận chung nào hợp lý nhất, có lợi cho cả đôi bên.

Năm 2009 đã qua và giới quan sát đang hy vọng, năm 2010, Iran, Mỹ và các nước phương Tây có thể nhận biết được những điểm yếu trong quá trình đàm phán để từ đó, tách bỏ phần cá nhân, cùng quyết tâm xây dựng thế giới phi hạt nhân. Để có được điều đó, trước tiên, có lẽ các bên cần rút bỏ bớt sự kiêu ngạo và thách thức lẫn nhau, kể cả trong những thời điểm căng thẳng nhất

Sông Thương
.
.
.