Vai trò của cơ quan tình báo trong việc tiêu diệt bin Laden

Thứ Sáu, 06/05/2011, 08:58
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, nhất là khi Tổng thống Barack Obama sẽ đến "khu vực số không" ở thành phố New York (hôm 5/5, theo giờ địa phương) và có bài phát biểu về cuộc chiến chống khủng bố bởi đây là Trung tâm Thương mại Thế giới bị khủng bố hôm 11/9/2001 khiến 3.000 người thiệt mạng.
>> Những điều chưa biết về đội đặc nhiệm tiêu diệt Bin Laden

Từ sự bất nhất trong tuyên bố

Nhiều thông tin được đăng tải trên các báo số ra ngày 5/5 đều cho rằng, Osama bin Laden có vẻ như đã sẵn sàng để chạy trốn bất kỳ lúc nào bởi 500 Euro tiền mặt cùng 2 số điện thoại được khâu trong quần áo của ông ta. Những bằng chứng này được đặc nhiệm Mỹ thông báo sau khi tiêu diệt được trùm khủng bố.

Người ta đang lần theo các số điện thoại kể trên để tìm hiểu những mối quan hệ của Osama bin Laden với Al-Qaeda. Tuy chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden đã thành công, nhưng cách thức Mỹ thông báo về vấn đề này đang tạo ra nhiều câu hỏi xung quanh tính xác thực của vụ việc.

Ngày 2/5, cố vấn an ninh của Tổng thống Barack Obama, ông John Brennan mô tả rằng, khi đặc nhiệm Mỹ xông vào thì Osama bin Laden đã chống cự quyết liệt, nhưng chỉ sau đó một ngày, cũng tại phòng họp báo của Nhà Trắng, thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney lại khẳng định, trùm khủng bố không có súng trên tay khi bị bắn chết. Đặc nhiệm đã bắn chết trùm khủng bố khi thấy hắn có vẻ như định lao ra lấy vũ khí để trong phòng như AK-47 và súng ngắn.

Lính đặc nhiệm SEAL.

Ngày 4/5, ông Jay Carney đã đọc bản thông báo do Bộ Quốc phòng chuẩn bị. Theo đó, Osama bin Laden không lấy phụ nữ hay trẻ em làm lá chắn khi quân đội Mỹ tấn công. Người phụ nữ bất chấp nguy hiểm xông lên đỡ đạn cho Osama bin Laden khi đội đặc nhiệm SEAL tiến vào là Amal Ahmed Abdul Fatah, 29 tuổi, người trẻ nhất, xinh đẹp nhất và được yêu quý nhất trong số 5 bà vợ của trùm khủng bố. Ông Jay Carney cũng tái khẳng định, việc giết chết Osama bin Laden là đúng luật cho dù trùm khủng bố có vũ khí hay không.            

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cũng cho rằng, việc tiêu diệt Osama bin Laden là hợp pháp. Nhưng ông Eric Holder cũng cảnh báo về nguy cơ trả đũa có thể xảy ra trong thời gian tới. Cũng trong ngày 4-5, bà Janet Napolitano, Bộ trưởng An ninh nội địa khẳng định, mức đe dọa khủng bố trong nước Mỹ vẫn giữ nguyên, bất chấp việc Osama bin Laden vừa bị tiêu diệt. Bà Susan Collins, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa đề nghị nâng mức báo động vì nhiều người quan ngại các nhóm khủng bố có thể tấn công trả đũa trên toàn nước Mỹ.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Arabiya lại dẫn lời một quan chức an ninh Pakistan nói rằng, con gái 12 tuổi của Osama bin Laden kể lại, đặc nhiệm Mỹ đã bắt sống bố cô nhưng sau đó đã bắn chết ông ngay trước mắt các thành viên trong gia đình. Pakistan vừa quyết định không cho phép Mỹ tiếp cận người thân của Osama bin Laden.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Dutch Ruppersberger, một thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ đã ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông không cung cấp ảnh thi thể của Osama bin Laden bởi việc này chỉ tạo thêm nhiều kẻ thù. Nghị sỹ Dutch Ruppersberger cũng hoan nghênh quyết định mai táng Osama bin Laden ngoài biển ngay sau khi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố.

Phóng viên bên ngoài ngôi nhà của Osama bin Laden ở Pakistan.

Ngày 5/5, trang web của FBI vẫn đăng tải mức tiền thưởng 25 triệu USD cho cái đầu của Osama bin Laden dù trùm khủng bố đã bị tiêu diệt đêm 1/5. Điều này chứng tỏ hiện vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào được nhận số tiền thưởng kể trên cho dù nhiều thông tin được đăng tải xung quanh vấn đề này. Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Harry Edwards càng khẳng định điều này: vì lý do an toàn nên Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố thông tin về những người được nhận khoản tiền thưởng nêu trên.

Từ những chứng cứ mới

Những hình ảnh về chiếc trực thăng tàng hình bí mật của quân đội Mỹ bị rơi tại tư dinh của Osama bin Laden ở Pakistan khiến dư luận cho rằng, các tuyên bố trước đó của Mỹ xung quanh chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế có nhiều điều phải xem xét lại.

Được biết, khi thực hiện điệp vụ với mật danh Geronimo, biệt đội ST6 của lực lượng đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ đã đi trên một số máy bay trực thăng xuất phát từ Afghanistan, trong đó có trực thăng tàng hình. Giới truyền thông đưa tin, trước khi rút đi đặc nhiệm Mỹ đã phá huỷ chiếc máy bay này bằng thuốc nổ để người ta không thể nhận dạng được. Được biết, ngay sau khi tới phong toả hiện trường, lực lượng an ninh Pakistan đã dùng một tấm vải lớn phủ lên xác chiếc trực thăng nằm sát bức tường, nhưng việc này vẫn không thoát khỏi ống kính phóng viên.

Điều đáng nói là tuy thực hiện điệp vụ hết sức bí mật, nhưng xác của một chiếc trực thăng nằm cạnh bức tường trong nơi ẩn náu của Osama bin Laden đã phơi bầy nhiều bí mật của Mỹ xung quanh vấn đề này.

Giới chuyên môn cho rằng, chiếc trực thăng kể trên có thể là loại Black Hawk được cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến có khả năng tàng hình trước radar. Sự cải tiến khiến nhiều người không thể nhận ra chiếc trực thăng bị rơi với máy bay Black Hawk. Có người coi đây là phiên bản nâng cấp của chiếc MH-60 Black Hawk (hoặc Sea Hawk) có giá khoảng 44 triệu USD/chiếc. Nhưng đến nay Nhà Trắng vẫn không xác nhận hay phủ nhận thông tin liên quan đến chiếc máy bay này.

Xác máy bay trực thăng tại hiện trường.

Được biệt, đội đặc nhiệm tham gia tiêu diệt Osama bin Laden vừa trở về Mỹ với nhiều tang vật thu giữ tại ngôi nhà của trùm khủng bố ở Pakistan và phòng thí nghiệm của FBI đang phân tích những tài liệu này. CIA cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở Afghanistan để phân tích các tài liệu của Osama bin Laden.

Sau điệp vụ mang mật danh Geronimo, gần như tất cả các cơ quan truyền thông trên thế giới đều có bài viết về SEAL, đặc biệt là biệt đội ST6 (SEAL Team Six), đơn vị trực tiếp tấn công vào nơi ở của Osama bin Laden tại Bilal, Abbottabad, Pakistan.

Nhưng ít người biết rằng, người chỉ huy lực lượng này, ông William H. McRaven lại tốt nghiệp đại học Texas-Austin năm 1977 với chuyên ngành báo chí. Trước khi làm Phó Đô đốc hải quân Mỹ, ông William H. McRaven từng tham gia chương trình Naval ROTC, chuyên đào tạo lính hải quân ở trường. Lính đặc nhiệm cho biết, họ đã giết chết Osama bin Laden vì sợ trùm khủng bố đang đeo bom. Đặc nhiệm Mỹ có đem theo 1 chó nghiệp vụ chuyên phát hiện chất nổ.

Đến thông tin chưa được kiểm chứng

Đội đặc nhiệm SEAL đã đặt chân xuống căn cứ quân sự Andrews Air Force, gần thủ đô Washington hôm 4/5. Việc này diễn ra đúng thời điểm xuất hiện video tuyên bố, Osama bin Laden vẫn còn sống và khỏe mạnh. Đây là khẳng định của Tư lệnh Wali Rahman, một chỉ huy của tổ chức Mujahideen ở Pakistan được đăng tải trên một diễn đàn Ansar của người Hồi giáo và được BBC trích dẫn lại.

Trước đó (2/5), một đại diện cấp cao của Taliban thuộc nhóm Tehrik-e-e Taliban ở Pakistan đã xuất hiện trên kênh truyền hình "Geo-TV" để tuyên bố, Osama bin Laden thực sự vẫn còn sống. Việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama 2 lần đính chính thông tin liên quan tới cái chết của Osama bin Laden càng khiến cho việc này "có đất sống".

Hiện Mỹ vẫn chưa bình luận hoặc giải thích vì sao muốn tiêu diệt hơn là bắt giữ Osama bin Laden. Tuy quan chức Mỹ khẳng định, thi thể Osama bin Laden được chuyển đến Afghanistan để xét nghiệm AND và cho kết quả 99,9% khớp với ADN của người thân trùm khủng bố, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai thấy bức hình nào về thi thể cũng như bằng chứng xung quanh vấn đề cốt yếu này. Câu hỏi Osama bin Laden đã bị tiêu diệt như thế nào hiện vẫn treo lơ lửng. Trong khi đó Pakistan chỉ được thông báo về vụ việc sau khi đặc nhiệm Mỹ rút khỏi thành phố Abbottabad.

Giới truyền thông đưa tin, thuộc hạ của Osama bin Laden đã mua đất tại Pakistan từ năm 2004. Người mua đất có tên là Mohammed Arshad và ông ta đã mua các miếng đất liền nhau trong 4 lần giao dịch trong 2 năm 2004-2005 với giá 48.000USD.

Trong khi quan chức Mỹ cho biết, kẻ đưa tin là một người đàn ông Pakistan sinh ra ở Kuwait có tên là Abu Ahmed al-Kuwaiti, nhưng nhiều người cho rằng, Mohammed Arshad là kẻ đưa tin. Gul Mohammed, thợ cả được thuê để xây biệt thự cho Osama bin Laden (từ năm 2003) khẳng định, tới bây giờ anh mới biết đã xây nhà cho trùm khủng bố. Nhiều người cho rằng, chiến dịch truy bắt và tiêu diệt Osama bin Laden đã tiêu tốn của nước Mỹ từ 280 đến 5.000 tỷ USD

Q.Trung - T.Giang
.
.
.