Vaccin phòng chống cúm lợn sẽ có trong tháng 5?

Thứ Năm, 30/04/2009, 10:29
Nguồn tin từ tờ Người bảo vệ của Anh cho hay, thời điểm này, đang có một cuộc chạy đua ngầm giữa các hãng dược phẩm, các cơ quan y tế uy tín trên thế giới nhằm tìm kiếm loại vaccin có thể phòng chống cúm A ở lợn.

Chẳng hạn ở Mỹ, các nhà khoa học đã đặt ra kế hoạch là trong tháng 5, phải cho ra đời loại thuốc chữa được cúm A.

Phát ngôn viên của WHO thì khẳng định, công việc nghiên cứu cũng đang được tiến hành khẩn trương tại Anh, Pháp...

Các nhà khoa học Anh tại Cơ quan bảo vệ sức khỏe đã xem xét các mẫu bệnh phẩm gửi về và cho rằng họ chỉ cần mất 3 đến 4 tuần nữa là đưa ra một phương thức chữa bệnh tốt, an toàn. Tại một số hãng dược phẩm lớn như GSK, các phòng thí nghiệm cũng đang hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, theo WHO, phải mất 4-5 tháng thì mới có vaccin để phòng chống bệnh cúm lợn. Điều đáng lo ngại hiện nay là virus H1N1 ngày càng phát triển và có tốc độ lây lan cao.

Tiến sĩ Richard Besser, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn dịch bệnh Mỹ còn cho hay, một số người sau khi tiếp xúc với các ca được xác nhận nhiễm virus H1N1 cũng đang có những biểu hiện giống như nhiễm bệnh cúm.

Ông nói: "Chúng tôi đang theo dõi tỷ lệ lây nhiễm qua đường hô hấp của những người đã tiếp xúc với các ca phát bệnh. Loại virus này hoạt động giống một chủng virus cúm và các chủng virus cúm thì có khả năng lây từ người sang người". Vì thế, WHO cũng đang xem xét khả năng sẽ nâng mức báo động từ cấp 4 lên cấp 5. (Cấp độ 5 của báo động WHO có nghĩa là cúm lợn đã lan nhanh từ người sang người và có mặt ở ít nhất 2 quốc gia, một dấu hiệu chắc chắn cho đại dịch).

Đáng chú ý là kết quả nghiên cứu hai mẫu nhiễm cúm đầu tiên tại Mỹ gồm virus cúm A/California/04/2009 và virus cúm A/California/05/2009 do văn phòng khu vực của WHO công bố lại cho thấy có mẫu biến thể gene lạ, kết hợp từ một chủng cúm lợn tại Mỹ và một chủng cúm lợn tại lục địa Âu-Á. Đây là kiểu kết hợp gene đặc biệt, chưa từng được phát hiện và thuốc kháng virus theo mùa có chất ức chế neuraminidase (như oseltamivir và zanamivir) có tác dụng đối với loại virus này, còn amantadine và rimantadine thì không.

Như vậy, tính đến nay, cúm lợn đã có mặt ở tất cả các châu lục. Tại Mexico, số người chết đã tăng lên con số 159 người. Ca nhiễm bệnh ở Mỹ là 60 người.

Còn ở châu Âu, cúm lợn được phát hiện ở Tây Ban Nha, Anh. Một số bệnh nhân cũng đang được theo dõi ở Đan Mạch, Thụy Điển, Hy Lạp, CH Czech, Đức, Italia, Ireland.

Các cuộc xét nghiệm đang được tiến hành đối với các cá nhân hoặc nhóm người ở Brazil, Guatemala, Peru, Australia... Costa Rica đã trở thành quốc gia Trung Mỹ đầu tiên phát hiện một trường hợp nhiễm bệnh, trong khi ở Israel, New Zealand, số người bị nhiễm đều tăng.

Trên toàn châu Á, mọi người đang theo dõi sát những diễn biến mới liên quan đến cúm lợn từ Mexico và chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, sau khi WHO nâng tiếp mức cảnh báo. Giới chức y tế Hàn Quốc đang kiểm tra một phụ nữ 51 tuổi, bị nghi nghiễm cúm sau chuyến đi tới Mexico. Một phụ nữ Thái Lan 42 tuổi trở về từ Mexico cũng bị phát hiện có những triệu chứng giống cúm lợn và đang được cách ly tại bệnh viện ở Bangkok.

Sau cuộc họp hôm 27/4, các quan chức của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đánh giá mức độ lây lan của dịch cúm lợn và lên kế hoạch hành động khẩn cấp trong khu vực.

Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho biết, các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN sẽ giữ thái độ thận trọng, cảnh giác trước mọi diễn biến của dịch bệnh, đồng thời tiếp tục tăng cường sự phòng bị và phản ứng trước đại dịch này.

Hiện, các nhà chức trách trong vùng đã tăng cường giám sát tại sân bay và bệnh viện, tích trữ thuốc chống virus cũng như khai thác các nguồn cung cấp khác để chống lại bất cứ sự bùng phát dịch bệnh nào

Phan Hiển
.
.
.