Ukraina muốn lập mạng lưới phòng thủ chung với phương Tây

Thứ Hai, 18/08/2008, 08:53

Ngày 17/8, báo chí nước ngoài đồng loạt đăng tải về lời đề nghị thiết lập mạng lưới phòng thủ tên lửa chung với phương Tây của Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko. Theo đó, các trạm radar cảnh báo sớm của nước này sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng vệ dân sự của phương Tây.

Châu Âu sau ngày Nga -Gruzia ký Hiệp định hòa bình do Pháp bảo trợ vẫn ngập tràn những mối lo mới khi mà Mỹ - Ba Lan đạt thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng 10 bệ phóng tên lửa đánh chặn và Moskva đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Lời kêu gọi lập mạng lưới phòng thủ chung với phương Tây của Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko ngày 17/8 càng cho thấy những dấu hiệu của cuộc cạnh tranh vũ trang mới.

Từ lời hiệu triệu của Ukraine

Ngày 17/8, báo chí nước ngoài đồng loạt đăng tải về lời đề nghị thiết lập mạng lưới phòng thủ tên lửa chung với phương Tây của Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko. Theo đó, các trạm radar cảnh báo sớm của nước này sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng vệ dân sự của phương Tây.

Với lý do thành phố cảng Sebastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen - Nga có thể trở thành điểm nóng tiếp theo giữa Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), ông Viktor Yushchenko bày tỏ quan điểm rằng Ukraine muốn được đảm bảo an ninh với sự giúp đỡ của phương Tây.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine cũng giải thích rằng, vì không còn liên quan đến Hiệp định 1992 với Nga về sử dụng các trạm radar nên chính quyền Kiev có toàn quyền định đoạt về khả năng phối hợp với các quốc gia châu Âu khác.

Giới phân tích nhận định, đề nghị này có thể sẽ làm tổn hại thêm quan hệ vốn đã kém nồng ấm giữa Kiev và Moskva. Tuần trước, trong bối cảnh Nga - Gruzia đang xảy ra chiến sự, Ukraine đã tuyên bố nước này sẽ yêu cầu Hạm đội Biển Đen của Nga phải xin phép khi vào vùng hải phận của họ và gợi ý việc quân đội Nga rút khỏi Sebastopol khi hợp đồng thuê căn cứ hết hạn vào năm 2017.

Đến những động thái cứng rắn của Nga

Đương nhiên là Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước những động thái bị coi là "khiêu khích" của Ukraine và khẳng định, tàu chiến Nga không phải tuân thủ bất kỳ một đề nghị "không chính đáng" nào và từ chối mọi yêu cầu của Kiev. Đồng thời, để thể hiện sức mạnh quân sự cũng như vị thế của mình trên trường quốc tế, Moskva tuyên bố sẽ không nhượng bộ bất kỳ một động thái chống đối lại lợi ích của nước này. Rồi để "dằn mặt" Ukraine và CH Czech (nước đang dự định cho phép Mỹ xây dựng 10 trạm radar - một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu), Nga đã đưa ra lời cảnh báo đối với Ba Lan rằng nước này đang tự biến mình "thành mục tiêu của cuộc tấn công chính xác 100%" sau khi ký thỏa thuận với Mỹ về kế hoạch phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Các nguồn tin quân sự châu Âu cho biết, trong ngày 17/8, Nga đang lên kế hoạch trang bị đầu đạn hạt nhân lần đầu tiên cho Hạm đội Baltic kể từ sau chiến tranh lạnh. Từ đó, Moskva sẽ cung cấp cả đầu đạn hạt nhân cho tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu thuộc Hạm đội Baltic đóng quân ở Kalingrad, vùng đất thuộc Nga bị bao quanh bởi Ba Lan và Litva.

Và mối lo về cuộc cạnh tranh mới

Nhìn bức tranh tổng thể về tình hình an ninh ở châu Âu hiện nay, người ta thấy rõ ràng có những dấu hiệu bất ổn và bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thổi bùng thành chiến tranh. Sự cương quyết của nhà lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev trong các cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chứng minh một quan điểm rằng Nga sẵn sàng đối chọi với tất cả để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trên thực tế, bốn nước gồm Ba Lan, Gruzia, Ukraine, CH Czech đang trở thành những "con tốt" thí điểm cho nước cờ mạo hiểm khiêu khích Moskva của Washington. Và Nga đang bị đẩy vào một cuộc chiến với những quốc gia từng là đồng minh nhưng nay đã chạy theo "tiếng gọi kim tiền và quyền lực" mà Mỹ và phương Tây dựng lên.

Vì thế, theo giới phân tích quốc tế, châu Âu mà cụ thể là khu vực Đông Âu có thể sẽ trở thành điểm nóng nhất thế giới nếu căng thẳng giữa Nga - Mỹ, Nga - NATO và Nga - EU vẫn tiếp tục gia tăng

Sông Thương
.
.
.