Tuyên chiến với các tổ chức buôn người xuyên biên giới

Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:53
Những người nhập cư trái phép vào châu Âu qua đường Địa Trung Hải sẽ bị đưa trả về quê nhà. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp đối phó với nạn nhập cư trái phép mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trong cuộc họp khẩn tại thủ đô Brussels (Bỉ) chỉ 3 ngày sau thảm kịch chìm tàu ở gần bờ biển Italia làm ít nhất 800 người thiệt mạng.

Được tiến hành chỉ 3 ngày sau cuộc họp khẩn của Ngoại trưởng các nước thành viên EU và lời kêu gọi từ Thủ tướng Italia Matteo Renzi, cuộc họp khẩn lần này của các lãnh đạo EU chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là tìm được tiếng nói chung trong việc ngăn chặn số lượng người di cư qua Địa Trung Hải.

Cao ủy EU về đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đã ngay lập tức được mời tham dự cuộc họp nhằm chuẩn bị cho một chính sách an ninh và quốc phòng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết, các nước thành viên của liên minh này sẽ cùng thông qua một tuyên bố chung về việc đối phó với những người đánh đổi tính mạng của mình trên các con thuyền bất hợp pháp vượt đại dương từ châu Phi, Trung Đông và châu Á sang châu Âu.

Chạy loạn khỏi những khu vực xung đột và vì giấc mộng một cuộc sống tốt hơn nơi trời Tây, nhiều người đã phó mặc tính mạng cho các chuyến vượt biên kinh hoàng trên biển. Ảnh: Reuters.

Theo đề xuất của Thủ tướng Italia Matteo Renzi, nhiều khả năng, EU sẽ sử dụng lực lượng quân sự để phục vụ cho hoạt động này.

Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của ông Matteo Renzi và tuyên bố sẵn sàng cử lực lượng Hải quân Hoàng gia và các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia gia nhập đội quân ngăn chặn và phát hiện các tàu chở người nhập cư trái phép xuất pháp từ Libya tới châu Âu.

Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU hôm 20/4, các nước thành viên đã nhất trí việc tăng cường công tác tuần tra trên biển tại Địa Trung Hải và trao thêm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ cho các tàu hải quân. Ngoại trưởng 28 nước EU còn kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Tunisia trong nỗ lực xóa bỏ các tuyến đường di cư, truy bắt những kẻ buôn người.

Trong kế hoạch 10 điểm được đưa ra tại cuộc họp lần đó, các Ngoại trưởng cũng nhất trí rằng, cơ quan giám sát biên giới EU cần được tăng cường để mở rộng quy mô và khả năng hoạt động đến sườn phía Nam của liên minh này. EU cũng sẽ nỗ lực thu giữ hoặc phá hủy những con thuyền chở người di cư trái phép và tăng cường hợp tác trong toàn liên minh.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng đang được đưa ra bàn thảo là việc sắp xếp chỗ ở và công ăn việc làm cho những người nhập cư trái phép này, nhất là những đối tượng cần được bảo vệ như trẻ em, phụ nữ, người già... Hiện các nước thành viên EU mới chỉ đồng ý cung cấp thực phẩm và nơi ở cho 5.000 người trong tổng số 150.000 người nhập cư trái phép ở châu Âu hiện nay. Điều này cũng có nghĩa là những người còn lại sẽ sớm được đưa trở về quê nhà theo chương trình do nước sở tại và cơ quan giám sát biên giới EU kết hợp tổ chức.

Tờ Telegraph của Anh nhận định, với cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm xác định, bắt giữ và ngăn chặn các con tàu nhập cư cũng như những kẻ buôn người đưa người nhập cư trái phép bằng đường biển vào châu Âu, các nhà lãnh đạo EU cần phải làm ngay 5 biện pháp sau. Thứ nhất là tăng cường tuần tra. Việc tuần tra không chỉ để sớm phát hiện những chiếc tàu, thuyền khả nghi chở người nhập cư bất hợp pháp mà còn để có hướng xử lý kịp thời và thậm chí ngăn chặn được những tai nạn có thể xảy ra đối với các tàu chở người nhập cư trái phép. Thứ hai là thẳng tay đánh chìm những tàu thuyền chở người nhập cư trái phép sau khi đã đưa toàn bộ những người nhập cư trái phép an toàn lên tàu của hải quân.

Trước đây, hải quân các nước do EU đứng đầu từng sử dụng biện pháp này để đối phó với cướp biển Somlia và đạt được hiệu quả cao trong việc ngăn chặn nạn cướp biển. Trên thực tế, nếu bọn buôn người bị mất tàu thuyền, chúng khó có khả năng tìm được những chiếc thuyền thay thế ngay lập tức và vì thế hoạt động buôn người của chúng cũng bị chậm lại. Biện pháp thứ 3 là phối hợp chặt chẽ với các quốc gia được coi là cửa ngõ của hoạt động nhập cư trái phép.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 22/4 cho biết, những người nhập cư trái phép vào nước ông phần lớn đều từ Syria. Nghĩa là EU phải ngăn chặn con đường trung chuyển của bọn buôn người. Việc này tuy khó nhưng nếu có sự hợp tác, chắc chắn sẽ thành công. Bên cạnh đó, EU cần phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hoạt động của hai đơn vị chống buôn người. Cuối cùng là nỗ lực quốc tế để hỗ trợ những người nhập cư trái phép được trở về nhà của họ.

Thông tin từ cơ quan giám sát biên giới châu Âu, số lượng người nhập cư trái phép vào châu Âu trong năm 2014 là 274.000 người, tăng gấp ba lần so với năm 2013, trong đó, phần lớn là người dân trốn chạy xung đột ở Syria (khoảng 60.000 người).

Ngoài ra, người nhập cư vào châu Âu cũng đến từ Eritrea, Sudan hay Iraq. Phần lớn người nhập cư trái phép tập trung tại Libya, nơi mạng lưới buôn người phát triển mạnh. Libya là điểm xuất phát chính của người nhập cư sang châu Âu, để cập biển Italia.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, Italia đã cứu hàng chục tàu thuyền chở người nhập cư trái phép bị gặp nạn ở Địa Trung Hải, gần bờ biển nước này.

Huyền Chi
.
.
.