Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Thứ Ba, 03/06/2014, 08:27
Đó là lời khẳng định của nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình trong bài trả lời phóng vấn tờ Nikkei Asean Review của Nhật Bản về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Bình, hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Bà Nguyễn Thị Bình nêu rõ, tháng 10/2013, Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc từng nhất trí thương lượng để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trung Quốc rõ ràng đã phá hủy lòng tin chính trị giữa hai đất nước và xem thường mong muốn có quan hệ song phương hữu hảo của Việt Nam. Trước đây chỉ có những vụ va chạm nhỏ, nhưng nay Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Về hướng giải quyết, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định, Trung Quốc là láng giềng của Việt Nam và Việt Nam mong muốn có quan hệ tốt với các nước láng giềng. Việt Nam luôn cố gắng sử dụng các biện pháp hòa bình trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với hành động của Trung Quốc, Việt Nam sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Bà Nguyễn Thị Bình cũng ra lời kêu gọi Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đối thoại. Lợi ích lâu dài của Trung Quốc sẽ không được đáp ứng bằng cách đụng chạm đến các nước láng giềng. Trung Quốc phải để ý đến lợi ích các quốc gia khác, chứ không chỉ lợi ích của riêng họ.

Cộng đồng quốc tế không ngừng lên án Trung Quốc

Tờ Sydney Morning Herald của Australia ngày 2/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này David Johnston bày tỏ chia sẻ mối quan ngại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 về việc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn trên biển Đông.

Trước đó, ông Hagel cáo buộc Trung Quốc có hành động “đơn phương, gây bất ổn”, đặc biệt với việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ trưởng David Johnston nhấn mạnh: “Đây là hành động làm bất ổn tại một khu vực có khả năng mang lại sự thịnh vượng to lớn cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Sự mất ổn định này đang thực sự hủy hoại triển vọng kinh tế”, đồng thời cho biết Australia sẽ thuyết phục Trung Quốc rằng còn có “con đường khác” không gây nguy cơ đối đầu và leo thang căng thẳng trên biển.

Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là hành động phi pháp, cực kỳ khiêu khích chưa có tiền lệ, không chỉ gây căng thẳng với Việt Nam mà còn với các nước Đông Nam Á khác.

Tàu Trung Quốc áp sát, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: VTC.

Về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981, Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, Trung Quốc làm thế là để tìm dầu. Nếu tìm thấy dầu hoặc khí tự nhiên, Trung Quốc có thể mang một giàn khoan nhỏ hơn Hải Dương 981 tới để hiện diện thường xuyên, duy trì hoạt động liên tục. Họ cũng sẽ cử đội tàu đến để bảo vệ giàn khoan này. Sang năm, Trung Quốc sẽ làm điều tương tự cho đến khi họ đòi được quyền kiểm soát biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý.

Chia sẻ quan điểm này, theo nhận định của ông Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chiến lược về Trung Quốc (CCAS) của Ấn Độ, với việc nhiều tàu có vũ trang hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 chống lại các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại khu vực họ hạ đặt trái phép giàn khoan này trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã truyền đi một thông điệp hoàn toàn không thể nhầm lẫn tới tất cả các nước trong khu vực rằng, Bắc Kinh nhất quyết tìm mọi cách giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, kể cả bằng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ông Jayadeva cũng nhấn mạnh rằng, các nước trong khu vực phải lường trước được mọi tình huống trong tương lai gần khi Trung Quốc mưu toan thống trị vùng biển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kiểm soát các tuyến hàng hải.

Cũng như vậy, Tiến sỹ Kazuyuki Hamada, Thượng nghị sỹ phụ trách khối Âu-Mỹ thuộc Quốc hội Nhật Bản, trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, cho biết, việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam đã gây quan ngại nghiêm trọng đối với toàn khu vực, bao gồm Nhật Bản. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh và môi trường hàng hải trong toàn khu vực.

Đã có rất nhiều hội thảo, diễn đàn chính trị và an ninh ở Nhật Bản thảo luận về ý đồ của Trung Quốc và điều này cũng đẩy mạnh các cuộc hội đàm an ninh tập thể do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì với sự hỗ trợ của Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen thì cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển, trưởng thành, họ cũng cảm thấy một chút sức mạnh của mình và thể hiện nó ra xung quanh. Đó là điều bình thường nếu họ không thấy đối trọng. Nhưng bổn phận của chúng ta là phải nói với họ rằng vẫn có những giới hạn”.

Ông William Cohen nhấn mạnh, những lời chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ và Nhật Bản đối với Trung Quốc ở Shangri-La là cần thiết. Còn tại Bulgaria, Nghị sỹ Quốc hội Bulgaria Dimitar Dubov khẳng định hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố ngày 8-5 của Người phát ngôn Cao ủy phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ lo ngại hành động đơn phương của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh khu vực.

Ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng chiến đấu ở Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Gazeta.ru của Nga về những diễn biến gần đây ở biển Đông, khẳng định, Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những sự việc đang diễn ra sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981). Vị cựu chiến binh nhấn mạnh: “Trung Quốc đã hành động dựa trên lập trường sức mạnh, phớt lờ lợi ích và quyền của nước láng giềng”.

Một số giải pháp

Theo chuyên gia Jayadeva Ranade, trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các nước trong khu vực không có nhiều giải pháp, mà cần phải phối hợp với nhau nhằm bảo đảm rằng, các tuyến hàng hải quốc tế và thương mại trên biển phải được tự do thông thương. Chuyên gia Ấn Độ cho rằng, việc các nước phối hợp với nhau là rất quan trọng, nhằm bảo đảm các vùng lãnh thổ có tranh chấp, dù trên đất liền hay trên biển, đều được giải quyết mà không bằng con đường vũ lực. Để làm được điều này, ông Jayadeva kêu gọi tất cả các nước trong khu vực cùng thảo luận vấn đề với Bắc Kinh và thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển chung.

Còn theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), “Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế nơi Philippines đã khởi kiện Trung Quốc vào tháng 11/2013. Việt Nam có thể tham gia vụ kiện này cùng Philippines hoặc tiến hành khởi kiện riêng”. Bên cạnh đó, “Việt Nam cũng có thể khởi kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC)”, theo như ý kiến của ông James Manicom, chuyên gia thuộc Trung tâm sáng kiến quản trị toàn cầu (CIGI) ở Canada chuyên nghiên cứu về Đông Á và an ninh hàng hải, đưa ra hôm 20/5.

Bà Bonnie Glaser nhận định rằng, các nước, nhất là những nước đang đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông cần tìm cách buộc Trung Quốc phải tham gia vào các vụ kiện pháp lý liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Và theo Tiến sĩ Kazuyuki Hamada, (1) cần phải thiết lập các quy tắc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình; (2) cần phải vận động cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức dân sự gây áp lực buộc chính phủ ngồi vào bàn đàm phán và (3) cần sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường để tiến hành khai thác tài nguyên dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế. Biển là tài sản chung của toàn cầu

Hà Khổng
.
.
.