Trung Quốc vẫn ngụy biện và ngang ngược ở Biển Đông

Thứ Tư, 27/05/2015, 08:04
Theo tờ Philstar (Philippines), tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc số ra ngày 25/5 tiếp tục dùng lời lẽ dọa nạt rằng, chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là điều “khó tránh khỏi” nếu Washington tiếp tục cản trở Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Tờ báo nhấn mạnh, Trung Quốc quyết tâm hoàn thành việc cải tạo nhưng cảnh báo nên chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Mỹ.

Theo tờ báo: “Nếu mục đích cuối cùng của Mỹ là cản trở hoạt động của Bắc Kinh thì khó tránh khỏi cuộc chiến Trung - Mỹ trên biển Đông. Mức độ căng thẳng của xung đột sẽ cao hơn chuyện “xích mích” mà mọi người hay nghĩ. Chúng ta không muốn một xung đột quân sự với Mỹ, nhưng nếu chuyện đó đến thì chúng ta phải chấp nhận thôi”.

Ngoài ra, theo Sách trắng Quốc phòng “Chiến lược quân sự Trung Quốc” 2015 mới được ban hành, Hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” và “bảo vệ trên các đại dương” để đối phó với “mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng, “một số nước láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự lên các rạn san hô và đảo của Trung Quốc” và “một số quốc gia bên ngoài cũng can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, duy trì giám sát trên biển và trên không, cũng như thực hiện những hoạt động trinh sát chống lại Trung Quốc”.

Hoạt động bồi đắp, lấn biển trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.    Ảnh: New York Times

Bất chấp những “lời cảnh báo”, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, các máy bay của quân đội và máy bay thương mại nước này vẫn sẽ bay qua vùng trời phía trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông: “Chúng tôi vẫn sẽ bay theo lộ trình định sẵn căn cứ theo luật pháp quốc tế từ nhiều công ước khác nhau”.

Tổng thống Aquino cũng khẳng định, sẽ không chấp thuận những yêu sách của Trung Quốc, bất chấp chênh lệch về tương quan sức mạnh giữa quân đội hai nước. Tổng thống Philippines cho biết, nước này vẫn sẽ tiến hành hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Chia sẻ quan điểm này, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, nước này đang tìm kiếm sự “cam kết mạnh mẽ hơn” từ phía Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Bộ trưởng Gazmin cho biết thêm rằng, ông sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter vào ngày 27/5 để trực tiếp yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Tự do hàng hải, tự do hàng không đang bị cản trở đến mức ngay cả máy bay Mỹ bay qua không phận quốc tế cũng bị thách thức”.

Bày tỏ lo ngại đối với việc Trung Quốc đang tiến hành đổ cát, bồi đắp và mở rộng các đảo đá và bãi ngầm với quy mô lớn ở Biển Đông, Giáo sư John McManus, Giám đốc phụ trách chuyên ngành sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami, nhấn mạnh, các hoạt động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam nói riêng và Biển Đông nói chung, tàn phá các rạn san hô, các loài sinh vật biển.

Giáo sư McManus cũng nhận định, hoạt động đánh bắt cá bừa bãi ở Biển Đông hiện rất đáng báo động, đặc biệt việc Trung Quốc điều các đội tàu tải trọng lớn và hiện đại, đánh bắt dài ngày ở Biển Đông là phi khoa học và rất đáng quan ngại. Có cùng quan điểm với Giáo sư McManus, cựu phóng viên tờ Thời báo Washington và là tác giả của cuốn sách mang tựa đề “Biển Đông: Thách thức và triển vọng”, ông James Borton cho rằng, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đang hủy hoại môi trường tự nhiên tại Biển Đông.

Theo ông James, hoạt động bồi đắp và mở rộng đảo đá của Trung Quốc được giới khoa học và chuyên gia nhìn nhận là vi phạm trực tiếp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Vị cựu phóng viên của Thời báo Washington cũng nêu rõ rằng, Biển Đông đang đối mặt với thực trạng là các tranh chấp chủ quyền liên tục leo thang, trong đó Trung Quốc ngày càng uy hiếp các quốc gia láng giềng nhỏ hơn và có tiềm lực quân sự yếu hơn.

Việc Trung Quốc gia tăng các vụ xung đột và đụng độ với các nước láng giềng liên quan tới chủ quyền tại Biển Đông có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, gây phương hại ngành đánh bắt cá, đe dọa các hệ sinh thái biển và một trong những vùng biển có hệ san hô đẹp nhất của thế giới.

Ngày 24/5, tờ Times of India (TOI) của Ấn Độ đã lên tiếng tố Trung Quốc âm mưu độc bá không chỉ ở biển Đông, mà còn cả ở Ấn Độ Dương. Theo TOI, Tổng thống Ismail Omar Guelleh của Djibouti, một quốc gia nhỏ ở khu vực Sừng châu Phi, mới đây tiết lộ đang thảo luận cùng Trung Quốc lập một căn cứ hải quân tại đây. Tuy nhiên, phía quân đội Trung Quốc phủ nhận việc muốn lập căn cứ quân sự và vòng vo rằng, Bắc Kinh muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và sự tăng cường hiện diện của hải quân nước này là vì các chiến dịch chống cướp biển ở vùng vịnh Eden.

Theo chuyên gia Brahma Chellaney của Ấn Độ, rõ ràng, việc Bắc Kinh muốn có căn cứ hải quân ở Djibouti là một phần trong các chiến lược lớn của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Chuyên gia Chellaney cũng không loại trừ khả năng New Delhi sẽ sớm đối mặt với mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng trái phép hải đăng ở Trường Sa

Ngày 26/5, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc (MOT) đã tổ chức lễ động thổ xây dựng hai ngọn hải đăng (bất hợp pháp) cỡ lớn ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, bất chấp lời kêu gọi của các nước trong khu vực và quốc tế ngưng các hoạt động xây dựng như vậy ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của MOT rêu rao rằng, để “tăng cường hỗ trợ dân sự cho việc đi lại trên biển ở quần đảo Trường Sa”, kế hoạch của MOT là xây dựng hai ngọn hải đăng đa chức năng, sẽ cung cấp dịch vụ điều hướng cho tàu bè đi lại và “cải thiện an toàn hàng hải” ở Biển Đông. Hai ngọn hải đăng dự kiến cao 50m, đèn chiếu sáng cỡ lớn với đường kính 4,5m có thể soi sáng trong phạm vi 22 hải lý.

Tân Hoa Xã còn cho biết, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này xây dựng trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông sẽ phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự. Linh Trần (theo Tân Hoa Xã)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.