Trung Quốc và một số kinh nghiệm trong công tác quản lý hộ khẩu

Thứ Ba, 23/03/2010, 08:37
Mặc dù lưỡng hội (Chính hiệp và Quốc hội) đã kết thúc từ trung tuần tháng 3, nhưng nhiều vấn đề được thảo luận tại 2 kỳ họp này vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn cũng như dư luận Trung Quốc. Trong đó có việc "đăng ký và quản lý hộ khẩu" cũng như những vấn đề hữu quan.

Từ chính sách vĩ mô

Cách đây hơn 20 ngày (1/3), 13 tờ báo ở Trung Quốc đã đồng loạt đăng xã luận đề nghị chính phủ cải tổ một cách toàn diện hệ thống đăng ký hộ khẩu đã tồn tại nhiều năm tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân. Dư luận cho rằng, nếu "vấn nạn" này được xóa bỏ thì những "bất công" đối với dân nhập cư ở các thành phố lớn có thể được thực thi.

Theo cách nhìn của 13 tờ báo kể trên, việc "đăng ký và quản lý hộ khẩu" đã kiểm soát sự dịch chuyển dân số, đồng thời gây ra những bất công đối với dân nhập cư ở các thành phố lớn, thậm chí tạo điều kiện cho nạn tham nhũng phát sinh.

Nhiều người cho rằng, với sự phát triển bùng nổ về nhiều mặt như hiện nay thì sự "chậm chạp trong việc cải tổ hệ thống hộ khẩu" là không thể chấp nhận được. Một số người cho rằng, hệ thống hộ khẩu lỗi thời đã chia dân số làm hai thành phần: cư dân thành thị và cư dân nông thôn. Việc này khiến cho nhiều cư dân nông thôn ít có khả năng và điều kiện tiếp cận chế độ an sinh xã hội tại các thành phố, nơi họ đang nhập cư. Nhiều người không được hưởng những dịch vụ công như giáo dục, việc làm, bảo hiểm, tiền lương, chăm sóc y tế, nơi ăn chốn ở, tuyển dụng… chỉ vì "vấn nạn hộ khẩu". Thậm chí có người còn cho rằng, sự phân biệt về hộ khẩu đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

Lao động nhập cư.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể khiến mọi người "tâm phục khẩu phục". Cách đây 18 năm (1992), chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo cải cách chế độ hộ khẩu. Đến tháng 6/1993, những bước cải cách đầu tiên về chế độ này đã được thực hiện tại 12 địa phương như Hà Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông, Quảng Tây, Trùng Khánh… Ban soạn thảo cho biết, chế độ hộ khẩu liên quan tới từng gia đình và con người cụ thể nên phải cẩn trọng.

Theo giới truyền thông, Bộ Công an đã cho phép 12 địa phương kể trên tiến hành thử nghiệm cải cách chế độ hộ khẩu mới. Giới quản lý khẳng định, các đô thị hiện nay không thể cung cấp đủ những dịch vụ mà người nhập cư yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo thống kê, hiện có khoảng 200 triệu lao động nhập cư và đây là một bài toán không dễ giải đối với các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Một trong những trở ngại được coi là lớn nhất trong việc xóa bỏ "chế độ hộ khẩu" chính là việc đảm bảo an ninh đô thị, cũng như những khoản chi khổng lồ kèm theo nếu mở cửa lĩnh vực này. Một trong những lĩnh vực phải đề cập khi "chế độ hộ khẩu" được cởi trói chính là xây dựng thêm trường học, bảo hiểm y tế, đảm bảo chế độ lương hưu cũng như những phúc lợi xã hội tương ứng đối với người nghỉ hưu thuộc diện "cư dân nông thôn".

Đến những trường hợp cụ thể

Cách đây gần 5 năm (21/11/2005), cô Vương Lệ, người đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu châu Á tổ chức tại Hongkong (tháng 10/2005) đã được ưu tiên nhập hộ khẩu thường trú ở thành phố Thâm Quyến. Sự kiện này đã khiến những người nhập cư ở Thâm Quyến tức giận. Người nhập cư coi đây là quyết định không công bằng bởi sự khác biệt giữa Vương Lệ với họ chỉ ở một điểm duy nhất "Hoa hậu châu Á".

Theo tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, ông Roh Moo-hyun đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử "về quê làm ruộng" sau khi mãn nhiệm vào tháng 2/2008. Tuy là Tổng thống nhưng ông Roh Moo-hyun lại không đủ tư cách để thuê nhà tại thủ đô Seoul vì không có hộ khẩu. Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu không có hộ khẩu tại Seoul thì không được thuê nhà trừ trường hợp được chính phủ phong tặng danh hiệu "Có công với quốc gia".

Luật hạn ngạch lao động cũng từng gây bức xúc trong đời sống xã hội Nga sau khi đi vào cuộc sống ngày 8/12/2006. Theo luật hạn ngạch lao động, việc thiếu hộ khẩu sẽ là cơ sở để chủ lao động có thể đuổi việc nhân công. Theo giới truyền thông, nhiều người đã kiến nghị chính phủ Nga học tập cách đăng ký và quản lý hộ khẩu mà Trung Quốc đang tiến hành. Điều này từng được Thị trưởng Moskva đưa ra, theo đó cơ quan chức năng được quyền kiểm tra bất cứ ai từ vùng Kavkaz tới thủ đô. Nhiều người cho rằng, nếu công tác quản lý nhân hộ khẩu được làm tốt sẽ giảm đáng kể những vụ tấn công, khủng bố

Quốc Trung
.
.
.