Trung Quốc và hành trình chinh phục đỉnh cao vũ trụ

Thứ Ba, 27/01/2009, 08:16
Trung Quốc vừa công bố kế hoạch xây trạm không gian (3 giai đoạn) có người điều khiển vào năm 2020. Từ năm 2015, Trung Quốc sẽ tập trung thám hiểm sao Hỏa, năm 2025, dự kiến đưa người lên mặt trăng.

Năm 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới chinh phục đỉnh cao vũ trụ sau khi phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 7 (tối 25/9/2008) và đưa người ra làm việc bên ngoài khoảng không vũ trụ.

Sau khi phóng thành công Thần Châu 7, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, chế tạo Thần Châu 8. Trước khi phóng Thần Châu 8, Trung Quốc sẽ phóng trạm không gian cỡ nhỏ được biết tới với tên gọi “Thiên Cung 1”. Thần Châu 8 sẽ lắp ghép với “Thiên Cung 1” để tạo thành một phòng thí nghiệm trong không gian vũ trụ.

Chiến lược chinh phục vũ trụ

Hơn 52 năm trước (tháng 2/1956), nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm đã gửi bản báo cáo “Kiến nghị xây dựng công nghiệp hàng không vũ trụ quốc phòng Trung Quốc”. 8 tháng sau (ngày 8/10/1956), Chính phủ quyết định thành lập Viện Nghiên cứu và chế tạo tên lửa do Tiền Học Sâm làm Viện trưởng. Gần 2 năm sau (tháng 4/1958), Trung Quốc bắt đầu khởi công xây dựng bãi phóng tên lửa đầu tiên. Ngày 17/5/1958, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã chỉ thị “Chúng ta phải phát triển vệ tinh nhân tạo”.

Chưa đầy 2 năm sau (19/2/1960), Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa thăm dò vũ trụ. 6 năm sau (tháng 11/1966), Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo tên lửa đẩy Trường Chinh. Tất cả Thần Châu đều được tên lửa đẩy Trường Chinh đưa lên không trung tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Trung Quốc chi hơn 300 tỉ NDT (đứng thứ 5 thế giới) để nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật. Và Trung Quốc cũng đã gặt hái trung bình 20.000 thành quả khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực trong một năm. Đây là con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới.

Giới chuyên môn cho biết, trong tất cả các công trình nghiên cứu khoa học, chinh phục đỉnh cao vũ trụ là rủi ro lớn nhất, phức tạp nhất, huy động sức người lớn nhất và tiêu tốn nhiều tiền của nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu không có khoa học công nghệ phát triển cao, nếu không có khả năng nghiên cứu khoa học thì không thể chinh phục đỉnh cao vũ trụ.

Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc.

Theo giới khoa học Trung Quốc, tính đến hết ngày 24/10/2008, vệ tinh thăm dò mặt trăng đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo và phóng thành công lên quỹ đạo “Hằng Nga 1” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Hằng Nga 1” được phóng lên hôm 24/10/2007 và nhiên liệu của nó hiện vẫn đủ để tiếp tục công tác thăm dò trong một thời gian nữa. Cho đến nay, “Hằng Nga 1” đã thu được rất nhiều số liệu, phục vụ công tác thăm dò, nghiên cứu khoa học.

Kế hoạch thăm dò mặt trăng của Trung Quốc được chia làm 3 giai đoạn và hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 - đưa người lên mặt trăng sau khi phóng thành công “Hằng Nga 1”. Giai đoạn 3 là xây dựng một trạm nghiên cứu trên mặt trăng.

Việc phóng thành công “Hằng Nga 1” là bước đột phá của khoa học Trung Quốc trong lĩnh vực thiết kế quỹ đạo, kiểm soát hướng, điều chỉnh với sự thay đổi trong vũ trụ, đối phó với ảnh hưởng của tình trạng nhật thực, nguyệt thực và thực hiện các phép đo từ xa, theo dõi và kiểm soát, công nghệ đảo ngược dữ liệu khoa học.

Dự kiến, “Hằng Nga 1” sẽ hạ cánh xuống mặt trăng cùng một xe thám hiểm tự động vào năm 2010. Việc này cũng đặt cơ sở để Trung Quốc thực hiện ước mơ thám hiểm mặt trăng.

Trung Quốc cũng vừa công bố kế hoạch xây trạm không gian (3 giai đoạn) có người điều khiển vào năm 2020. Từ năm 2015, Trung Quốc sẽ tập trung thám hiểm sao Hỏa, năm 2025, dự kiến đưa người lên mặt trăng. Được biết, để hoàn thiện hệ thống đo đạc và theo dõi “Hằng Nga 1”, Trung Quốc đã lắp đặt thêm các kính viễn vọng mới tại Thượng Hải, Tân Cương, Bắc Kinh và Vân Nam.

Trung Quốc đã đề ra 4 mục tiêu trong kế hoạch thăm dò mặt trăng. Thứ nhất, vẽ bản đồ lập thể ba chiều về mặt trăng. Thứ hai, thăm dò sự phân bố các tài nguyên trên mặt trăng. Được biết, Mỹ đã thăm dò được 5 loại nguyên tố là sắt, titanium, uranium, thorium và potassium. Thứ ba, đo độ dày của lớp đất phủ trên mặt trăng. Thứ tư, thăm dò các đặc trưng cơ bản của không gian hệ mặt trời.

Những người tạo nên lịch sử

Ban chỉ huy Thần Châu 7.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra khoang trở về của Thần Châu 7 và đang phân tích những dữ liệu thu được ở bên trong sau khi nó được đưa về Bắc Kinh chiều 30/9/2008. Thần Châu 7 đã được cải tiến hơn 220 chi tiết so với Thần Châu 6.

Một trong những yếu tố kỹ thuật được các nhà chuyên môn quan tâm cải tiến nhiều đối với Thần Châu 7 là hạn chế độ rung khi xuất phát nhằm giảm căng thẳng cho phi hành gia. Ngoài ra, Thần Châu 7 còn có nhiều cải tiến so với Thần Châu 6 như phi hành gia có thể lái giống như điều khiển máy bay chiến đấu, chở được 3 người, mang theo một khối thiết bị nặng tới 300 kg… Khoang trở về của Thần Châu 7 có đường kính 2,5 mét.

Việc phóng thành công Thần Châu 7 và thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài không gian, Trung Quốc một lần nữa đánh dấu bước tiến nhảy vọt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tuy nhập cuộc muộn hơn Nga và Mỹ, nhưng Trung Quốc đang có những bước tiến rất nhanh trong việc chinh phục khoảng không và đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới về lĩnh vực này.

Dư luận quan tâm tới 3 phi hành gia: Trác Chí Cương, Lưu Bá Minh và Cảnh Hải Bằng bởi họ bằng tuổi nhau - đều sinh năm 1966, trong đó có 2 người sinh tháng 10, thậm chí 2 người cùng quê.

Ba phi hành gia: Trác Chí Cương, Lưu Bá Minh và Cảnh Hải Bằng.

Trác Chí Cương sinh tháng 10/1966, người huyện Long Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Lưu Bá Minh sinh tháng 9/1966, người huyện Y An, tỉnh Hắc Long Giang. Cảnh Hải Bằng sinh tháng 10/1966, người Vận Thành, tỉnh Sơn Tây. Trác Chí Cương, Lưu Bá Minh và Cảnh Hải Bằng đã điền tên mình vào bảng danh sách những phi hành gia của quốc gia hơn 1,3 tỉ dân từng lên vũ trụ sau Dương Lợi Vỹ, người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ (năm 2003 trên tàu Thần Châu 5), Nhiếp Hải Thắng và Phí Tuấn Long (2 người tiếp theo bay lên không trung trong Thần Châu 6 năm 2005).

Trác Chí Cương đã thực hiện thành công chuyến đi bộ lịch sử ngoài khoảng không (được truyền hình trực tiếp) và phi hành gia này đã sử dụng 2 bộ quần áo do Trung Quốc và Nga sản xuất để thực hiện cuộc đi bộ ra ngoài khoảng không.

Bộ quần áo do Trung Quốc sản xuất có tên gọi “Phi Thiên”, còn bộ quần áo do Nga chế tạo có tên là “Orlan-M Haiying”. Bộ quần áo “Phi Thiên” được giới chuyên môn Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo với giá lên tới 15 triệu USD và nặng 120 kg.

Theo các chuyên gia, tuy được chế tạo phỏng theo mẫu thiết kế của Nga, nhưng bộ quần áo tăng áp mà Trác Chí Cương mặc có rất nhiều cải tiến. Với bộ quần áo này, phi hành gia sẽ tránh được tia tử ngoại và bức xạ, tránh sự va chạm của rác vũ trụ, được cung cấp ôxy và độ ấm.

Được biết, những phi hành gia được chọn bay cùng Thần Châu 7 buộc phải thực hiện theo chế độ “cách ly y học 3 cấp”. Đầu tiên là tiến hành khử trùng, tiêu độc, thông gió hàng ngày tại phòng nghỉ, làm việc và huấn luyện của họ. Tiếp đến là không được phép tự ý ra ngoài khi chưa có lệnh.

Cuối cùng là không bắt tay nhân viên phục vụ, luôn tiếp xúc ở cự ly nhất định. Những nhân viên phục vụ đều phải đeo khẩu trang, mặc áo choàng trắng và được khử trùng, tiêu độc trước khi vào làm việc cùng với phi hành gia

Quốc Trung
.
.
.