Trung Quốc và cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”

Thứ Tư, 06/03/2013, 14:43
Quốc kế dân sinh là một trong những chủ đề chính đang được đại biểu tham dự lưỡng hội (Hội nghị Chính Hiệp từ 3/3 và Quốc hội từ 5/3) thảo luận cũng như đưa ra những tuyên bố “gây sốc” xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Bởi không những giới chuyên môn, cơ quan chức năng, thậm chí cả người dân cũng cho rằng, nếu không kiểm soát tốt “vấn nạn thực phẩm bẩn” sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn vong của dân tộc.

Mặc dù bản án 3,5 năm tù cùng khoản tiền phạt trị giá 200.000 NDT đã được Tòa án quận Hoàng Phố, TP Thượng Hải đưa ra đối với thân chủ sau khi bị cáo buộc tội sử dụng dầu bẩn để chế biến món ăn, nhưng việc này không đồng nghĩa với việc “vấn nạn thực phẩm bẩn” sẽ được giải quyết triệt để tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người. Bởi cách đây không lâu cơ quan chức năng Trung Quốc vừa phát hiện những cuốn vở trắng tinh dành cho học sinh được bày bán ở Thủ đô Bắc Kinh có chứa một lượng lớn chất độc hại có thể gây ung thư - có chứa chất huỳnh quang (hóa chất dùng để tẩy trắng) có nguy cơ gây ung thư. Tuy nêu sự việc nhưng người ta lại không nêu rõ tên thương hiệu cũng như chủ nhân của vụ gian lận này. Điều đáng nói là hiện Trung Quốc vẫn chưa có những quy định về hàm lượng chất huỳnh quang trong sách vở học sinh.

Trung tuần tháng 2, cơ quan chức năng cho biết, có tới hàng ngàn trẻ em ở Thượng Hải được yêu cầu không mặc đồng phục sau khi các cuộc kiểm tra của thành phố này cho thấy, đồng phục có chứa hóa chất độc hại gây ung thư. Có tới hơn 20 trường trong thành phố đã ra lệnh cấm mặc đồng phục sau khi 6/22 lô đồng phục được Cục Giám sát Kỹ thuật và Chất lượng Thượng Hải kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng và chứa hóa chất độc hại. Số đồng phục này do Công ty TNHH Âu Hà sản xuất. Điều đáng nói là công ty này nằm trong sổ đen về chất lượng trong 3 năm qua vì không đủ tiêu chuẩn chất lượng hoặc quần áo có chỉ số độ PH cao.

Cách đây không lâu (27/2), tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn bài phóng sự điều tra trên tờ Nam Phương nhật báo cho biết, có khoảng 10.000 tấn gạo bẩn, nhiễm chất hóa học cadmium (cadmi - theo tiếng Việt) có hại cho sức khỏe con người, được bán ở tỉnh Quảng Đông. Công ty Shenzhen hồi năm 2009 đã bán hơn 10.000 tấn gạo nhiễm cadmi vượt mức cho phép của chính phủ Trung Quốc là 0,2mg/kg. Theo tờ Nam Phương nhật báo, Công ty Shenzhen đã mua gạo nhiễm cadmi ở Hồ Nam, rồi bán tại thị trường tỉnh Quảng Đông, thu lợi lớn.

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông cho biết, gạo nhiễm cadmi có nguy cơ gây ung thư cho người tiêu dùng, cadmi có thể ẩn náu trong cơ thể người đến 30 năm, gây ra bệnh Itai-itai làm đau khớp và xương nghiêm trọng, dẫn đến mềm xương và bệnh thận. Bệnh Itai-itai được đặt tên theo ngôi làng ở Nhật Bản, nơi có hàng loạt người bị ngộ độc cadmi, bị đau khớp và xương nghiêm trọng, dẫn đến mềm xương và bệnh thận. Giáo sư thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh ước tính, khoảng 10% sản lượng gạo hằng năm của nước này, tương đương 20 triệu tấn, thu hoạch từ tỉnh Giang Tây và Hồ Nam, bị nhiễm cadmi vượt mức cho phép của Trung Quốc.

Ngày 18/2, Đài Truyền hình Trung ương và Nhân dân nhật báo Trung Quốc đưa tin, ngay trước Tết Quý Tỵ, Cảnh sát tỉnh Liêu Ninh đã phát hiện cơ sở chuyên sản xuất thịt cừu cuộn rởm bán cho các nhà hàng lẩu khắp quốc gia hơn 1,34 tỷ dân. Vụ việc bị phát hiện sau khi hơn 100 cảnh sát ập vào Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái ở huyện Liêu Dương chuyên sản xuất thịt cừu cuộn, nhưng mấy tháng gần đây người ta thấy mua vào rất nhiều vịt và một số loại thịt không rõ nguồn gốc.

Thịt cừu thái lát là món khoái khẩu của người Trung Quốc.

Theo giấy phép, Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái được phép sản xuất thực phẩm đông lạnh và chế biến từ thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, không có thịt vịt. Tuy nhiên, trong số nguyên liệu trong kho, không có thịt bò và thịt cừu, mà toàn thịt vịt cùng nhiều túi chất lỏng màu trắng ghi “mỡ cừu”, “mỡ dê”. Được biết, công nhân của Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái đã ngâm tẩm thịt vịt vào những loại mỡ rẻ tiền được mua từ Nội Mông để tạo mùi, dùng phụ gia để nhuộm, rồi cán, cuộn, tạo màu sắc tươi hồng cho sản phẩm “thịt cừu”. Cơ quan chức năng cho biết, Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái đã sử dụng chất Nitrite bị cấm tuyệt đối dùng trong công nghiệp thực phẩm. Bởi Nitrite là chất kịch độc, là chất gây ung thư, người trưởng thành chỉ cần hấp thụ 0,2-0,5g là ngộ độc, còn tới 3g là tử vong.

Giới truyền thông địa phương cho biết, cảnh sát đã tịch thu hơn 50 tấn sản phẩm các loại của Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái, đồng thời bắt giữ 34 đối tượng liên quan. Qua vụ việc này người ta mới biết khoản lợi nhuận khổng lồ mà Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái thu được trước khi vụ việc bị vỡ lở. Trong khi giá thịt cừu trên thị trường là 50 NDT/kg, còn thịt vịt mua vào chỉ 15,2 NDT/kg. Vụ việc tại Nhà máy Chế biến thịt Thăng Thái đã làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Tân Hoa xã từng đưa tin, ngày 19/12/2012, ông Vương, một người dân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang mua một hộp thịt cừu cuộn đông lạnh về nấu lẩu đã tá hỏa khi phát hiện đó là thịt cừu giả.

Hạ tuần tháng 12/2012, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ đối tượng chịu trách nhiệm tại một số cơ sở cung cấp gia cầm ở tỉnh Sơn Đông sử dụng thức ăn pha hóa chất để tăng trọng cho gà, sau đó cung cấp cho các cửa hàng KFC và McDonalds ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, KFC ở Trung Quốc đã biết về vi phạm trên trong thời gian từ 2010-2011 nhưng không có động thái gì để dừng nhập gà từ nhà cung cấp ở Sơn Đông. Được biết, trung bình mỗi tháng cơ sở này cung cấp cho KFC khoảng 50 tấn gà.

Thượng tuần tháng 11/2012, Tòa án huyện Nam Hòa, tỉnh Hà Bắc đã tuyên án từ  2 đến 15 năm tù đối với 7 bị cáo trong vụ sản xuất và bán dầu ăn bẩn. Trước đó (trung tuần tháng 9/2012), người dân Trung Quốc được phen hú vía khi giới truyền thông cho biết về một loại cánh gà giả được bày bán trong các khu chợ tạm - màu sắc, thớ thịt và hình dáng của cánh gà giả giống hoàn hảo so với hàng thật, nhưng sau khi chế biến khoảng 20 phút, màu sắc và thớ thịt của chúng hoàn toàn không thay đổi và không ăn được.

Cách đây không lâu tờ Thượng Hải Daily của Trung Quốc đưa tin, nhà chức trách ở thành phố Tô Châu phát hiện 7 loại hạt khô, bao gồm hạt hướng dương và hạt dưa, được bán rộng rãi trong các siêu thị tại đây có chứa nhôm. Mặc dù cơ quan chức năng không nói rõ hàm lượng nhôm có vượt mức cho phép hay không, nhưng cảnh báo nguy cơ tổn thương não nếu hấp thụ lượng lớn kim loại này. Trước đó, người tiêu dùng từng nghe nói về “sữa độc”, “táo độc”, “giá độc”, “nấm kim châm độc”, “trứng vịt muối độc”…

Ngày 26/2, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC cho biết, sẽ tăng cường giám sát chuỗi cung cấp và mở rộng công tác kiểm định nhằm xây dựng lại thương hiệu sau một loạt bê bối liên quan đến chất lượng sản phẩm của mình. Trước đó (7/2), Tân Hoa xã đưa tin, một tòa án ở tỉnh Chiết Giang đã tuyên án 7 bị cáo sản xuất và bán vỏ thuốc con nhộng độc hại với mức án từ án treo đến 11 năm tù giam.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.