Đường lưỡi bò dưới cái nhìn của học giả, chính khách Trung Quốc và nước ngoài:

Trung Quốc tiếp tục ngụy tạo bằng chứng về đường lưỡi bò

Thứ Năm, 02/08/2012, 10:37
Trước sự phản ứng, chỉ trích gay gắt của giới học giả, chính khách Trung Quốc và nước ngoài, Bắc Kinh đã và đang tìm mọi cách để chứng minh về tính lịch sử cho cái gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
>> Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ và Australia kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quy tắc chung

Ngày 29/7, Trung Quốc công bố “những phát hiện mới” dựa trên các kết quả nghiên cứu dưới đáy biển sau khi các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian kỷ lục.

Theo tuyên bố của Trung Quốc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây và chúng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền phi lý đối với quần đảo tranh chấp.

Việc này diễn ra đúng thời điểm giàn ống dẫn dầu 3-1 Lệ Loan dùng trên giàn khoan dầu khí lớn nhất châu Á do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo rời Thanh Đảo, đến vùng Biển Đông. Thông tin này do tờ "Nhật báo Kinh tế Trung Quốc" đăng tải, theo đó giàn ống dẫn dầu 3-1 Lệ Loan nặng 32.000 tấn, cao 196 mét, được tàu dầu mỏ hải dương 229 sẽ đưa tới điểm tập kết trong tháng 3/2013 và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9/2013.

Trước đó (27/7), giới truyền thông Trung Quốc như Sina, Ifeng, Stockstar… đã đưa tin Việt Nam tìm thấy tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh của Trung Quốc xuất bản năm 1904, ghi rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa và điều này chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Bài viết của Giáo sư James Holmes (thuộc trường Chiến tranh hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc trường Quan hệ công chúng và quốc tế, từng là sĩ quan tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ) trên tạp chí Foreign Policy đã đưa ra cách lý giải vì sao gần đây Trung Quốc liên tục có những hành động ngang ngược trên Biển Đông.

Giáo sư James Holmes (Jim Holmes) cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cây gậy nhỏ”: một chính sách ngoại giao vũ lực ẩn tại Biển Đông. Trung Quốc đã lợi dụng sự yếu thế của các bên có tranh chấp Biển Đông để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, sau đó công bố kế hoạch đồn trú quân tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm củng cố cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo đường lưỡi bò”. Cũng trong thời gian này, tàu khu trục của Trung Quốc chạy vòng quanh khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines và được ghi nhận là đã xua đuổi ngư dân Philippines.

Ông Ranjit Singh Kalha (trái), Giáo sư James Holmes.

Theo Giáo sư James Holmes, Trung Quốc có thể chiếm được đường lưỡi bò bằng việc triển khai những đội tàu do thám, tàu cá hay tàu ngư chính với danh nghĩa “bảo vệ ngư dân" trong vùng biển tranh chấp, dùng vũ lực với những nước láng giềng yếu, dùng sức mạnh cường quốc để lấy cớ can thiệp, hay từ bỏ vị thế cường quốc khu vực để tránh một cuộc xung đột vũ trang. Bởi chính sách “cây gậy nhỏ” cần thời gian, Trung Quốc cần tạo ra những sự kiện giống như việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để thuyết phục mọi người “đừng phí công gây khó khăn cho những sự kiện kiểu đó”.

Trung Quốc cho rằng, càng nhiều hành động trực tiếp thì càng ít nguy cơ đụng độ. Những hành động kể trên đều xuất phát từ lợi ích và tham vọng của Trung Quốc đối với đường lưỡi bò. Ngoài nguồn lợi về dầu khí-yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, còn phải kể tới chiến lược siêu cường của Trung Quốc. Ngoài ra còn phải kể tới việc “lấy lại danh dự và lòng tự trọng” tại những vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Nhận thấy nguy cơ này nên Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã khuyến cáo Bộ Quốc phòng Mỹ cần đưa thêm chiến hạm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhận định kể trên của Giáo sư James Holmes được cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc, học giả Ngô Kiến Dân tán thành. Trong bài viết “Gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” đăng trên tạp chí Trung Quốc ngày nay số tháng 7/2012, học giả Ngô Kiến Dân, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, nguyên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang ở trong “thời kỳ trăm nhà đua tiếng” lần thứ ba và tình cảm dân tộc hẹp hòi đang ngóc đầu dậy.

Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cho rằng mình là ưu tú nhất, mù quáng bài ngoại. Bên cạnh đó là kêu gọi, cổ vũ sử dụng vũ lực và điều này thách thức chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” do Đặng Tiểu Bình đề xuất. Trước đó, trong bài viết “Tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc kiềm chế là tự tin”, học giả Ngô Kiến Dân cũng cảnh báo, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì sẽ không giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 26/7, ông Tề Kiến Quốc, nguyên Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam (2000-2005) khi trả lời phỏng vấn tờ Hoàn Cầu thời báo đã nhấn mạnh, Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược ngoại giao: Độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác phát triển, tích cực quốc tế hóa, đa phương hóa và đang có quan hệ rất tốt với các nước láng giềng và sẽ quan hệ tốt với các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Ấn Độ…

Ngày 29/7, tờ The Nation của Thái Lan kêu gọi các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp trên Biển Đông cần chủ động hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Theo The Nation, các nước ASEAN cần thảo luận vấn đề Biển Đông với nhau và với Trung Quốc theo khuôn khổ ASEAN+1. Các diễn đàn khác như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN cũng là các địa điểm lý tưởng.

Theo tờ Bangkok Post, từ ngày 11 đến 13/8, tại thành phố Yeosu, Hàn Quốc sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để thảo luận về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) theo quan điểm của châu Á.

Còn theo tờ Jakarta Post, chuyên gia Roby Arya Brata, nhà phân tích luật và chính sách Ban thư ký nội các Indonesia gợi ý, Liên hợp quốc cần cải cách quyền lực tài phán của Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS) và thay đổi các điều khoản giải quyết tranh chấp trong UNCLOS.

Ông Roby Arya Brata cho rằng, lịch sử đã chứng minh nếu các biện pháp hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền không hiệu quả thì chiến tranh mở có thể xảy ra. Đây là thách thức với ASEAN khi vẫn chưa có một cơ chế giải quyết mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc về Biển Đông. Đến nay, Trung Quốc vẫn không đồng ý đưa các tranh chấp lãnh hải ra tòa án quốc tế cho dù Philippines công khai đề nghị.

Về phần mình, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc Phòng Australia vừa đưa ra nhận định “Trung Quốc đang gia tăng đe dọa Việt Nam tại Biển Đông” khi trả lời phỏng vấn của hãng tin RFA. Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc thành lập đơn vị quân đội đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” là điều đáng quan ngại bởi quyết định này do Quân ủy trung ương Trung Quốc đưa ra. Đây là sự gia tăng đe dọa và có thể là sự trả đũa của Trung Quốc đối với Việt Nam sau khi nước này thông qua Luật biển.

Ông Carl Thayer nhận định, trong tháng 11, ASEAN sẽ họp hội nghị thượng đỉnh và đây cũng là thời hạn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc để kỷ niệm đúng 10 năm ký DOC tại Campuchia. Nếu Trung Quốc tiếp tục không tham gia đàm phán COC sẽ gây sự chú ý của quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á.

Trung Quốc hiểu rằng, nếu không “chơi trò ngoại giao” thì Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc - những nước có quyền lợi trên biển phải đóng vai trò tích cực hơn và điều này không có lợi cho Trung Quốc, do đó Bắc Kinh sẽ tiếp tục “chơi trò ngoại giao” để giữ các nước lớn ở vị trí “an toàn”

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.