Trung Quốc mạnh tay với vấn nạn "thực phẩm bẩn"

Thứ Năm, 12/01/2012, 11:34
Trước những chỉ trích của dư luận, Bộ Tài chính Trung Quốc vừa quyết định chi khoảng 630 triệu NDT (gần 100 triệu USD) để hỗ trợ các chương trình thí điểm chống việc sản xuất và tiêu thụ dầu bẩn, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
>> Trung Quốc: Sữa "bẩn" dẫn tới tử vong

Giới truyền thông đưa tin, chính quyền các tỉnh, thành Trung Quốc đã quyết định trọng thưởng những cá nhân tố giác các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền một số địa phương dành hẳn một khoản ngân sách để trao thưởng như tỉnh Hải Nam quy định mức thưởng lên tới 50.000 NDT, còn TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông quy định, thưởng 4 - 5% tổng giá trị tài sản tịch thu được.

Giới truyền thông cho biết, những vụ phát hiện, bắt giữ và xét xử thời gian qua thực sự khiến người tiêu dùng quan ngại về vấn đề vệ sinh cũng như an toàn thực phẩm. Được biết, từ ngày 1/1/2013, mọi loại thực phẩm đóng gói ở Trung Quốc bắt buộc phải in thông tin cụ thể về thành phần dinh dưỡng như hàm lượng chất béo, năng lượng, protein, carbohydrate và natri...  Bất kỳ chất béo nào đã bị hydro hóa có trong thực phẩm thì mức độ chất béo chuyển hóa cũng phải được nhấn mạnh trên nhãn. Chất béo chuyển hóa thường được sản xuất trong quy trình chế biến thực phẩm giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Tuy nhiên, chúng lại làm tăng nguy cơ bị bệnh tim cho người tiêu dùng.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có quy định chi tiết như vậy về thông tin trên nhãn hàng thực phẩm. Trước đó (30/9/2011), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) thông báo, cấm sản xuất, mua bán, sử dụng thuốc viên clenbuterol dùng để chữa hen nhưng bị nhiều nông dân lạm dụng để tăng tỷ lệ thịt nạc của lợn nuôi.

SFDA đã trích dẫn kết quả một chương trình nghiên cứu được tiến hành từ năm 2009 cho biết, thuốc viên clenbuterol có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của tim phổi nếu bị lạm dụng trong thời gian dài. Từ năm 2009, Trung Quốc đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, nhưng cho tới nay nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại nước này vẫn sử dụng nhiều hóa chất độc hại để thu lợi nhuận cao.

Lưu Tường khi bị dẫn giải ra tòa.

Vụ bắt hung thủ sát hại nhà báo Lý Tường, người đã đưa ra ánh sáng vụ dầu ăn bẩn (22/9/2011) cũng khiến dư luận quan tâm. Lý Tường bị đâm chết bởi 13 nhát dao vào rạng sáng 19/9/2011 ở thành phố Lạc Dương sau khi phanh phui đường dây chế biến dầu ăn lấy từ cống rãnh của các nhà hàng và 32 người đã bị bắt vì buôn bán loại thực phẩm được cho là có thể gây bệnh ung thư này.

Ngày 26/9/2011, Tòa án Thượng Hải đã khai đình xét xử vụ bánh bao nhuộm hóa chất từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, 3 thành viên ban quản trị Công ty Thực phẩm Thịnh Lộc gồm Tổng giám đốc, Giám đốc kinh doanh và Giám đốc sản xuất bị tuyên phạt từ 5 đến 9 năm tù giam cùng khoản tiền phạt từ 200.000 - 650.000 NDT/người. Ngày 9/12/2011, Tòa án tỉnh Cam Túc đã kết án tử hình Mã Tú Linh và chung thân chồng bà, ông Ngô Quảng Toàn sau khi họ bị kết tội cố tình bỏ chất độc hại nitrit (một loại muối công nghiệp) vào sữa tươi hồi đầu tháng 4/2011 nhằm trả thù cặp vợ chồng đối thủ do mâu thuẫn trong làm ăn, nhưng đã khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong và 36 trẻ khác phải nhập viện. Cách đây 4 năm (2008-2012), đã có ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và gần 300.000 cháu khác phải nhập viện do uống phải “sữa sạn thận”.

Ngoài việc xử lý nghiêm những cán bộ cao cấp liên quan, cơ quan chức năng còn mạnh tay với cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn sữa Tam Lộc, bà Điền Văn Hoa đã kháng án sau khi bị toà tuyên phạt tù chung thân vì phải chịu trách nhiệm trước những bê bối tại Tập đoàn sữa Tam Lộc.

Giới truyền thông đưa tin, tại Mỹ, sản phẩm “made in China” đang bị mất dần lòng tin của người tiêu dùng cho dù Trung Quốc đã và đang mở các cuộc truy quét tội phạm sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bất hợp pháp. Tuy nhiên, dư luận cũng quan tâm tới vụ bắt 2 nhân viên Wal-Mart và giam giữ hàng chục người khác trong vụ bê bối bán thịt lợn ở Trùng Khánh.

Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi Trung Quốc yêu cầu đóng cửa 13 cửa hàng thuộc tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của Mỹ vì bị cáo buộc bán 63.547kg thịt lợn thường nhưng lại dán nhãn là thịt hữu cơ trong khoảng 2 năm qua. Bộ Công an Trung Quốc cho biết, trong đợt truy quét tội phạm hình sự 4 tháng qua (từ tháng 8 đến tháng 12-2011), đã điều tra hơn 132.000 trường hợp và đóng cửa 28.000 cơ sở có những hoạt động phi pháp, bắt giữ hơn 90.000 nghi phạm.

Việc tuyên án tử hình (26/11/2011) đối với Lưu Tường, kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol (nguyên liệu chính tạo nên thịt lợn siêu nạc) để sản xuất thịt lợn siêu nạc từ đầu năm 2007 phải nhận án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm được coi là hành động cương quyết của chính quyền trong việc xoá sổ thực phẩm bẩn đang hoành hành tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người. Việc nhanh chóng đưa Lưu Tường cùng những người hữu quan (113 nghi can) ra xét xử sau khi bị bắt (25/3/2011) cho thấy mức độ nguy hiểm của vụ việc đối với đời sống và sức khỏe người tiêu dùng.

Việc xử lý nghiêm 77 cán bộ nhà nước bởi sự tắc trách và lạm quyền (bị kết án từ 3 đến 9 năm tù) trong vụ án trên là hồi chuông cảnh tỉnh những người đã, đang và sẽ sản xuất cũng như quản lý đối với thực phẩm bẩn

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.