Trung Quốc gia tăng những hành động sai trái tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Thứ Ba, 20/05/2014, 10:52

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhằm tránh leo thang căng thẳng gây ảnh hưởng tới hòa bình khu vực, Trung Quốc vẫn liên tục gia tăng tàu nhằm bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như để uy hiếp lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Tính đến chiều 8/5, lượng tàu Trung Quốc đã lên tới 134 chiếc. Bên cạnh đó, ở trong nước, Chính phủ Trung Quốc lại sử dụng truyền thông để bóp méo sự thật hòng che mắt thiên hạ, đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế với mục đích mị dân, đổ vấy cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như ngày 17/5, số lượng tàu của Trung Quốc quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là 119 chiếc thì tới ngày 18/5, con số này đã là 134 và con số của ngày 16/5 là 99. Phía Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt khi tàu của họ liên tục tỏ thái độ hung hăng, gây hấn với tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

Hành vi phá hoại

Nhà báo, chuyên gia bình luận Philip Bowring, trong bài bình luận nhan đề "Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở biển Đông” được đăng trên báo điện tử Hoa Nam buổi sáng bản tiếng Anh ngày 19/5, miêu tả hành động đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam là một “thủ đoạn nguy hiểm”, không phải là một sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà đang đặt cho chủ nghĩa yêu nước của Trung Quốc một cái tên tồi tệ và người Hong Kong yêu nước nên nhận ra điều này.

Còn theo người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney, đó một hành động khiêu khích, là một trong những hành vi phá hoại mục tiêu giải quyết một cách hòa bình mọi tranh chấp, đảm bảo sự ổn định trong khu vực, điều mà các nước đang hướng tới. Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là “khiêu khích, bất hợp pháp” và làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất về mặt ngoại giao.

Thủ đoạn của tàu Trung Quốc là dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam làm vỡ kính, hỏng học thiết bị.

Đồng quan điểm, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch đảng Lao động Thụy Sĩ khẳng định, những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chuẩn và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thể hiện thái độ ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng, Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Theo nhận định của Hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz, đó chỉ là “một trong hàng loạt các hành động của Bắc Kinh gây ra cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực”, đồng thời nhấn mạnh, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, nhân dân Việt Nam có ước nguyện chung sống hòa bình cùng thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/5, Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng khoa Chính trị tại Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc khẳng định, việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là nước ký công ước này.

Thêm vào đó, theo ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York, hành động của Trung Quốc rõ ràng là đi ngược lại với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chuyên gia Malcolm Cook - Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Singapore, cũng đưa ra ý kiến tương tự và cho rằng, động thái này của Trung Quốc là rất đáng lo ngại, thiếu thiện chí.

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học nghiên cứu về châu Á người Đức, ông Wilfried Lulei khẳng định, hành động của Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Theo ông, việc làm này của Trung Quốc đã bất chấp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, cũng như lợi ích của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Bên cạnh đó, một số tờ báo nước ngoài cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc. Ngày 17/5, tờ The Sydney Morning Herald của Australia có đăng tải bài viết với tiêu đề “Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng”, trong đó chỉ trích các hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên biển Đông. Còn theo Tạp chí “The National Interest” của Mỹ, việc làm của Trung Quốc, dù mục tiêu là gì đi nữa, đã gây ra những mối đe dọa cho các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam.

Dùng truyền thông che mắt thiên hạ

Ở trong nước, bằng những lời lẽ lộng ngôn, mị dân, các website hàng đầu của Trung Quốc liên tục đăng tải nhiều bình luận, bài viết có giọng điệu xuyên tạc, vu cáo, đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế với mục đích đổ vấy cho Việt Nam trong quá trình xảy ra xung đột trên biển Đông.

Hôm 16/5, mạng quân sự SINA của Trung Quốc có đăng tải bài viết so sánh sức mạnh hai lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc và Việt Nam, trong đó đe dọa: “Hải, Không quân Trung Quốc muốn lấy Việt Nam là một "vật thử nghiệm" để nâng cao bản lĩnh tác chiến lập thể trên biển cũng như trên không. Kẻ không biết lượng sức sẽ bị hủy diệt”.

Cùng ngày, bằng giọng điệu cổ súy cho việc sử dụng các biện pháp phi ôn hòa để chống lại Việt Nam và Philippines, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng tải một bình luận xấc xược với nội dung “mọi việc có thể giải quyết bằng đường lối hòa bình, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không thể dùng đến các biện pháp phi ôn hòa trước sự khiêu khích từ Việt Nam và Philippines”.

Trước đó, ngày 15/5, trong một bài viết, nhà nghiên cứu Kha Tiểu Trại thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã dùng những lời lẽ lòe bịp để đánh lừa dư luận rằng, Việt Nam đang “quấy rối” hoạt động bình thường của giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển “không phải của Việt Nam”.

Những tuyên bố không thể chấp nhận

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhằm tránh leo thang căng thẳng gây ảnh hưởng tới hòa bình khu vực, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh không có ý định từ bỏ giàn khoan Hải Dương 981 và “thề” sẽ bảo vệ hoạt động (bất hợp pháp) của giàn khoan.

Trong cuộc họp báo quốc tế về biển Đông chiều 16/5 tại Bắc Kinh do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, phát ngôn viên của Bộ này Hoa Xuân Oánh vẫn lặp lại giọng điệu “Việt Nam đang “quấy nhiễu” hoạt động “bình thường” của phía Trung Quốc còn Vụ trưởng Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh thì trắng trợn bóp méo sự thật khi đưa ra lời giải thích rằng, hoạt động thăm dò tại vị trí mà Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã được thực hiện từ 10 năm nay; hồi tháng 5, 6/2013, Trung Quốc cũng đã tiến hành công tác khảo sát ba chiều.

Ngoài ra, vị Vụ trưởng này còn đưa ra một số thống kê không biết ở đâu ra rằng, tàu Việt Nam đã 560 lần đâm vào tàu Trung Quốc, trong đó có ngày cao nhất lên tới 130 lần. Ông Âu Dương Ngọc Tịnh còn đổ lỗi Việt Nam lừa gạt dư luận quốc tế và đã đưa ra một số bức ảnh va chạm tại hiện trường với ý đồ có thể thay đổi cách nhìn của phóng viên quốc tế.

Phía Trung Quốc cũng từng trắng trợn vu cáo cho các quốc gia trong khu vực về các hành động khiêu khích, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời đổ lỗi cho chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á của Tổng thống Mỹ Obama và “dọa” quan hệ Washington - Bắc Kinh sẽ có nguy cơ tổn hại nếu Mỹ không khách quan về các căng thẳng ở biển Đông.

Những hành động phi pháp, bất chấp luật lệ quốc tế hòng đạt mục tiêu làm “bá chủ Biển Đông” của Trung Quốc đã và đang bị thế giới lên án, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới tẩy chay, cho dù Trung Quốc đã đánh lận hòng che giấu bản chất thật của hành vi ngang ngược, sai trái

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.