Trung Quốc đã tìm ra "thần dược" diệt H7N9

Thứ Hai, 08/04/2013, 09:17
Trước những diễn biến bất ngờ của dịch cúm gia cầm H7N9, ngày 7/4, chính phủ Trung Quốc đã thông qua việc cấp phép sản xuất loại thuốc tiêm mới để chống cúm  H7N9. Tân Hoa Xã dẫn thông cáo báo chí của Cục quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc cho hay, thuốc tiêm mới này đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt hơn trong việc điều trị loại virus cúm gia cầm H7N9. Thành phần của thuốc tiêm mới do các chuyên gia  thuộc Học viện Quân y Trung Quốc tiến hành nghiên cứu và phát triển trong suốt 8 năm qua.

Tính đến chiều 7/4, hiện Trung Quốc có tổng cộng 18 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9. Thượng Hải, thủ phủ tài chính của Trung Quốc được coi là "ổ dịch" bởi nơi này có tới 8 trường hợp bị nhiễm và 4 trong số này đã tử vong. 3 trường hợp khác bị tử vong do nhiễm virus cúm H7N9 là ở tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc.

Lo ngại nguy cơ gia tăng dịch bệnh này, chính quyền Thượng Hải, Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô), Hàng Châu đã thông báo tạm dừng kinh doanh gia cầm sống, chim sống và đóng cửa tất cả chợ gia cầm từ 7/4 để đối phó với cúm gia cầm H7N9. Việc vận chuyển gia cầm sống từ các nơi khác đến những thành phố này cũng đã bị cấm. Cảnh sát, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra… được lệnh kiểm tra mọi tuyến đường vào thành phố để ngăn chặn các hành vi vận chuyển lậu…

Riêng ở Chiết Giang, do mức độ lây lan cúm H7N9 đang ngày càng gia tăng, tỉnh này đã cho tiêu hủy tới 8.000 gia cầm tại một khu chợ vì phát hiện virus H7N9. Theo nhận định của phóng viên hãng China Daily, do được tuyên truyền kỹ, hiểu biết rõ về tác hại của virus cúm H7N9 nên phần đông người dân Trung Quốc đều bày tỏ thái độ ủng hộ, đồng tình với các biện pháp thắt chặt quản lý gia cầm sống của chính phủ và chính quyền các địa phương.

Chưa hết, việc đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến thực phẩm cũng đã được nhiều nơi chú trọng hơn. Đối với những trường hợp bị nhiễm virus cúm H7N9, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan y tế để tiến hành cách ly và điều trị kịp thời.

Chủng virus cúm H7N9 cũng đã được phát hiện trong mẫu phẩm bồ câu lấy từ một khu chợ nông sản ở Thượng Hải.

Ngay cả 400 người tiếp xúc gần với những bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 cũng được theo dõi chặt chẽ và chỉ một người trong số đó có những triệu chứng bệnh, nhưng đã được xác định nguyên nhân không phải là nhiễm cúm gia cầm. Vì lo ngại nguy cơ lặp lại đại dịch như SARS năm 2003, tại Đài Loan, bệnh viện Heping Branch đã được lệnh sắp xếp lại cơ sở vật chất để trở thành trung tâm điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm H7N9…

Có thể nói, những diễn biến phức tạp và khá nhanh xung quanh căn bệnh cúm gia cầm do virus H7N9 gây ra ở Trung Quốc đã khiến cả thế giới quan ngại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã vào cuộc và đến ngày 6/4 thì đưa ra tuyên bố, chưa có dấu hiệu cho thấy virus cúm gia cầm H7N9 lây nhiễm từ người sang người.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên  Gregory Hartl của WHO, các phòng thí nghiệm trên thế giới vẫn phải tiếp tục nghiên cứu gene của virus H7N9 để đánh giá khả năng gây dịch của chúng. Ông Ab Osterhaus, chuyên gia y tế  tại Trung tâm y khoa Erasmus ở Hà Lan cảnh báo, một vài biến đổi gene của virus này cũng đủ để các nước cảnh giác và tăng cường giám sát trên gia cầm, động vật và người.

Theo ông Ab Osterhaus, điều đáng ngại là virus H7N9 xuất hiện ở gia cầm không gây bệnh nặng cho chúng nhưng lại gây nguy hại cho người. Các kết quả phân tích trước đó cho thấy, virus cúm H7N9 bắt nguồn từ 3 loại virus mà trước đây được biết là chỉ làm gia cầm nhiễm bệnh.

Theo Tạp chí khoa học Nature của Anh, các nhà khoa học Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện rằng tất cả  8 đoạn gien đều có nguồn gốc là những virus cúm làm gia cầm nhiễm bệnh. Đặc biệt, các đoạn gien H7 và N9 được phát hiện có chung những đặc tính nhận dạng gần như giống với những virus đã lây lan khắp châu Á và châu Âu trước đây.

Trong khi đó, 6 phân đoạn gien còn lại giống hệt chủng virus H9N2 thường được phát hiện trong chim hoang dã và gia cầm ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng gien của loại virus mới nhất đã biến đổi để dễ dàng trú ngụ trong các tế bào của bộ phận hô hấp ở động vật có vú. Hiện, nhờ có kết quả nghiên cứu của các chuyên gia y tế tại Học viện Quân y, chính phủ Trung Quốc đã cấp phép cho việc sản xuất loại thuốc tiêm mới được coi là "thần dược" điều trị căn bệnh cúm gia cầm H7N9.

Tại Mỹ, trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) cho biết đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo vaccine phòng H7N9 và sẽ mất 5-6 tháng để có thể đưa loại vaccine này ra thị trường. Các trung tâm y tế có hợp tác với WHO tại Atlanta (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Melbourne (Austrlaia) và Tokyo (Nhật Bản) cũng đang phân tích các mẫu virus H7N9 thu thập được để lọc ra loại tốt nhất dùng cho việc chế vaccine

Gia Nam
.
.
.