Trung Quốc cần giữ nguyên hiện trạng Biển Đông

Thứ Hai, 04/05/2015, 09:25
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/5 đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động tôn tạo, bồi đắp trái phép nhằm thay đổi hiện trạng do Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông.

Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định lập trường không đổi của Washington là, mọi hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông “không giúp ích cho hòa bình khu vực”, bất kể mục đích của việc này như thế nào.

Bà Jeff Rathke nhấn mạnh: “Nếu mong muốn để giảm căng thẳng, Trung Quốc nên có những bước đi để ngừng việc xây dựng tại khu vực Biển Đông, phân định rõ cái gọi là Đường 9 đoạn theo Luật pháp quốc tế và được phản ánh trong Công ước Luật biển. Trung Quốc cũng cần nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN”.

Để đối phó lại và tìm cách hợp pháp hóa các hoạt động xây dựng tại Biển Đông, trong một cuộc điện đàm với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert hôm 30/4, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi bao biện rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông không làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải hay hàng không: “Thay vào đó, hoạt động xây dựng này sẽ nâng cao khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, thực hiện nghĩa vụ quốc tế để duy trì an ninh trong vùng biển”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ngang nhiên mời các tổ chức quốc tế, Mỹ và các quốc gia liên quan sử dụng các “cơ sở dân sự” đang được Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Ông Ngô nói: “Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước trong khu vực sử dụng các cơ sở này trong tương lai vào thời điểm thích hợp cho mục đích nhân đạo và cứu trợ thảm họa”. Đáp lại  lời mời này, bà Jeff Rathke cho rằng: “Chúng tôi không thấy các cơ sở xây dựng ở khu vực tranh chấp giúp ích cho hòa bình và ổn định khu vực. Mỹ không nhận bất kỳ lời mời nào trong việc sử dụng cơ sở này-một khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực”.

Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. Nguồn: nytimes.com.

Không chỉ có thế, tại một cuộc họp báo định kỳ diễn ra hôm 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang nhiên tuyên bố: “Trong một thời gian dài, Philippines, Việt Nam và các nước khác đã và đang tiến hành các hoạt động bồi đắp trên quần đảo của Trung Quốc mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp, trong đó có việc xây dựng các sân bay và những cơ sở hạ tầng cố định khác, thậm chí còn triển khai tên lửa và các thiết bị quân sự”.

Ngoài ra, ông Hồng còn cáo buộc một cách vô căn cứ rằng, Việt Nam cũng đang xây dựng bến cảng, đường băng, tòa nhà văn phòng, doanh trại, khách sạn, ngọn hải đăng… trên hơn 20 đảo và bãi đá ngầm, bao gồm cả bãi Phúc Nguyên và bãi Đất. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố: “Trung Quốc phản đối các hoạt động bất hợp pháp và kêu gọi các nước có liên quan dừng ngay lập tức những hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc”. 

Trước những tuyên bố, cáo buộc mang tính vu khống trắng trợn này, từ thủ đô Manila, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định nước này không hề bồi đắp đảo trên Biển Đông. Ông Jose cho rằng Trung Quốc đang cố tìm cách tránh né, đổ lỗi trước làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế về hoạt động lấn biển, xây đảo trái phép mà nước này đang thực hiện trên biển Đông. 

Đồng quan điểm, khẳng định chính phủ Philippines tôn trọng các quy tắc do Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ban hành, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang Jr tuyên bố: “Chúng tôi không làm gì ở các khu vực chúng tôi kiểm soát. Chúng tôi chỉ bảo vệ những khu vực đó. Lẽ ra có thể dễ dàng xây đường băng nhưng chúng tôi chờ phán quyết của ITLOS trước khi đưa ra quyết định”.

Tổng tham mưu trưởng Gregorio thách thức Trung Quốc chứng minh Philippines đã có hoạt động bồi đắp ở Biển Đông: “Trung Quốc hãy thử công bố các hình ảnh chứng minh cáo buộc đó đi. Nếu có bằng chứng thì họ hãy công bố cho thế giới biết”. Trong khi đó, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Alexander Lopez cho rằng, âm mưu tố cáo của Trung Quốc là nhằm hạ thấp uy tín của Philippines (nước đang theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông) và khiến cho vụ kiện của Manila yếu đi.

Có thể dễ dàng thấy rằng, Trung Quốc đưa ra những phản ứng mới này sau khi Bắc Kinh phải đối mặt với vô số chỉ trích từ quốc tế liên quan đến việc xây dựng, cải tạo đất đá ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng việc xây dựng một đường băng để sử dụng cho mục đích quân sự tại Trường Sa và có thể đang lên kế hoạch để xây dựng tiếp các đường băng khác.

Ngày 28/4, sau khi bế mạc Hội nghị cấp cao tại Malaysia, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và nhấn mạnh các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế trong các hành động; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Ngoài ra, trong cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng hôm 29/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc “phô diễn sức mạnh cơ bắp” trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng ở Biển Đông.

Khổng Hà
.
.
.