Đối thoại Shangri-la lần thứ 14:

Trung Quốc bao biện việc cải tạo phi pháp tại biển Đông

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:54
Ngày 31/5, ngày làm việc cuối cùng của Đối thoại Shangri-la lần thứ 14, không nằm ngoài dự đoán, phái đoàn Trung Quốc đã tận dụng diễn đàn để đáp lại những chỉ trích cũng như quan ngại của các nước tham dự Đối thoại về hành vi cải tạo trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông, gây căng thẳng trong khu vực.

Theo bao biện của Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc “Tình hình trên biển Đông nhìn chung là hòa bình và ổn định, và chưa có vụ nào xảy ra liên quan đến tự do hàng hải”.

Phát biểu tại phiên thảo luận “Tăng cường trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương hướng tới giải quyết xung đột và hợp tác”, ông Tôn Kiến Quốc nhiều lần nhấn mạnh “Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế... Các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) cần phải được tuân thủ và là cách duy nhất để phát triển hòa bình. Hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình và ổn định”.

Bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về hoạt động cải tạo trái phép của Bắc Kinh trên các đảo ở biển Đông, Ông Tôn Kiến Quốc ngang nhiên cho rằng các dự án xây dựng này là “hợp pháp và hợp lý”.

Quang cảnh Đối thoại Shangri-la lần thứ 14. Ảnh: IISS.

Trước lời kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông, ông Tôn bao biện rằng, hoạt động xây dựng này của Trung Quốc “ngoài việc đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, cải thiện cuộc sống của những người sống trên đảo, còn giúp thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường...”.

Ông Tôn thậm chí còn khẳng định: “Khi có tranh chấp trên biển với các nước có liên quan, Trung Quốc luôn đặt lợi ích về an ninh hàng hải trong khu vực lên hàng đầu”. Và vẫn với những lời lẽ mang tính ngụy biện, ông Tôn nói: “Bất chấp việc có đủ chứng cứ lịch sử và bằng chứng pháp lý không thể chối cãi được về chủ quyền ở biển Đông, Trung Quốc đã cực kỳ kiềm chế và có những đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Ngoài ra, ngầm ám chỉ Mỹ, ông Tôn nhấn mạnh, các nước không nên “rơi vào tiêu chuẩn kép và đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm... để chống nước thứ ba”. “Các nước lớn nên có trách nhiệm, không lôi kéo bên này chống bên khác còn nước nhỏ thì không nên kích động làm ảnh hưởng tới an ninh khu vực”, ông Tôn tuyên bố.

Hiểu rõ đó chỉ là những lời bao biện nên nhiều nước vẫn tiếp tục lên tiếng phản đối hoạt động cải tạo quy mô của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews, những hành động này có thể buộc các nước có liên quan phải đưa ra những biện pháp ứng phó, từ đó khiến căng thẳng gia tăng dẫn tới những hậu quả đáng lo ngại. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Andrews còn cho biết Australia đã và đang điều động máy bay tuần tra biển Đông, Ấn Độ Dương trong nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục hoạt động này, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ quan ngại rằng những căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông đang làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực, qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một cấu trúc an ninh tổng thể.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh và New Zealand cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước một loạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc lần đầu tiên cử một Đô đốc tham dự Đối thoại Shangri-la cho thấy Trung Quốc đã phòng bị sẵn sàng để đối phó với sự phản đối của quốc tế đối với kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo trái phép “với một tốc độ chưa từng có” ở biển Đông của nước này.

Và, với bài phát biểu của ông Tôn Kiến Quốc, Bắc Kinh đã bỏ lỡ cơ hội giải thích và trấn an những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình cải tạo và quân sự hóa phi pháp các đảo ở biển Đông mà nước này đang tiến hành bất chấp sự phản đối của nhiều nước.

Chuyên gia phân tích Chris Nelson, nhà quan sát từng tham dự nhiều cuộc Đối thoại Shangri-la bình luận rằng, dù so với những lần trước, năm nay Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng hơn song họ lại kín tiếng hơn và chính thái độ đó càng làm tăng nghi ngờ và chỉ trích về các ý đồ của Bắc Kinh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.