Trung Quốc: Một số kinh nghiệm và thành công của chính sách 'Tam nông"

Thứ Năm, 17/07/2008, 10:19

Trung Quốc vừa xuất bản cuốn "Sách xanh về phát triển và cải cách". Trong đó đề cập tới nhiều tổng kết có hệ thống về những thành tựu và kinh nghiệm đạt được sau 30 năm cải cách, mở cửa (1978-2008). Đáng chú ý nhất là phần nói về một số kinh nghiệm và thành công của chính sách đối với nông dân, nông nghiệp và nông thôn - tam nông.

Mọi chính sách đều xuất phát từ lợi ích nông dân

Hiện nông thôn Trung Quốc đang có sự đổi mới sâu sắc và biến đổi mới mẻ. Kể từ tháng 1/2007, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tiến hành một loạt biện pháp nhằm triển khai công cuộc xây dựng nông thôn XHCN mới. Nông dân là chủ đề then chốt của "Tam nông". Cách đây hơn 2 năm (14-3-2006), chính sách cải cách nông thôn đã được Quốc hội thông qua, theo đó tăng 14,2% chi tiêu để tăng cường phát triển khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa chính phủ đã chi 42 tỉ USD để xây dựng các vùng "nông thôn xã hội chủ nghĩa" và cải thiện tình cảnh nghèo khổ của 745 triệu nông dân ở các miền quê.

Tiếp đến là điều tiết lao động nông nhàn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đô thị nông thôn, cải cách chế độ hộ tịch, phát triển văn hóa giáo dục ở nông thôn, không ngừng nâng cao trình độ cho nông dân. Ngoài ra, còn đẩy nhanh đổi mới nông thôn, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, y tế và an sinh xã hội giữa nông thôn và thành thị. Có chính sách phù hợp nhằm thu hút trí thức trẻ về nông thôn, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động một cách hài hòa.

Một trong những chính sách được sinh viên xuất thân từ nông thôn quan tâm nhất hiện nay là giúp những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chi trả khoản vay khi còn theo học đại học nếu họ nhận công tác tại những vùng sâu, vùng xa và kém phát triển. 

Chính phủ đã và đang khuyến khích nông dân và chính quyền địa phương đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời có các chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, cải tiến hiệu quả vốn nước ngoài trong nông nghiệp, tăng cường tái sử dụng tài nguyên, quy định việc khai thác các nguồn tài nguyên chưa tái chế, giảm thiểu thất thoát trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, còn tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đầu tư các khoản cho vay tín dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đến là ban hành các biện pháp kiểm soát giá cả đầu vào, đặc biệt là phân bón, buộc chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thỏa mãn yêu cầu đầu vào của nông nghiệp và duy trì giá đầu vào ổn định. Sau đó là đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, xây dựng và phát triển mạnh các học viện nghiên cứu về nông nghiệp...

Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện

Theo thống kê mới nhất, kể từ đầu năm 2008 đến nay, riêng lũ lụt đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 49 tỷ NDT, hơn 7 tỷ USD. Còn tổn thất kinh tế từ trận động đất hôm 12/5/2008 lên tới hơn 1.000 tỷ NDT (trên 144 tỷ USD). Đây là thách thức không nhỏ đối với nông dân, cũng như việc thực hiện thành công chính sách "Tam nông" tại tỉnh Tứ Xuyên nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Bộ Nông nghiệp cho biết, thâm hụt nông sản của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2008 đã tăng tới 7,57 tỷ USD, cao gấp 14,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm xuất khẩu ngũ cốc của Trung Quốc bị giảm sút mạnh. Tuy nhiên, tính tới hết tháng 6-2008, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn đạt hơn 1.800 tỉ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới.

Căn cứ theo chỉ tiêu tiểu khang (khá giả) đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 16 và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 - đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa thành phố, thị trấn sẽ đạt 56%. Điều này có nghĩa, trung bình mỗi năm có khoảng 13 triệu nông dân tiến quân vào thành phố, thị trấn và sự chuyển dịch của số lao động dư thừa ở nông thôn sẽ bước vào một giai đoạn mới. Đa số họ đều rơi vào tình cảnh: phi công, phi nông, quyền lợi hợp pháp không được đảm bảo.

Theo thống kê, quy mô cấy trồng của người nông dân quá nhỏ - trung bình mỗi hộ không quá 1/2ha và tình trạng tiểu sản xuất này đã tạo ra tình trạng kết cấu sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản không thích ứng được trước nhu cầu và sự biến đổi của thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã và đang mạnh tay hơn với công tác chống tham nhũng tại nông thôn bởi tình trạng quan chức địa phương chiếm dụng đất dưới chiêu bài "triển khai dự án" để tư lợi xảy ra khá phổ biến trong những năm gần đây khiến người nông dân bất bình

Quốc Trung
.
.
.