Trung Quốc: Các công ty bảo hiểm vào cuộc sau 'sự kiện 12/8' ở Thiên Tân

Thứ Hai, 17/08/2015, 14:06
Đã gần một tuần trôi qua sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở thành phố cảng Thiên Tân mà giới truyền thông Trung Quốc gọi là “sự kiện 12/8”, những đụn khói trắng vẫn bốc cao mang theo nỗi lo ám ảnh của người dân thành phố cảng về bầu không khí ô nhiễm nặng nề.


Tính đến sáng 17/8, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa cháy nổ này lên đến 114 người, xác nhận được 54 trường hợp, trong đó gồm 16 cảnh sát; 70 trường hợp mất liên lạc, nhập viện  698 người. 

Theo nhà chức trách, con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ước tính sơ bộ ban đầu, “sự kiện 12/8” tại Thiên Tân đã ảnh hưởng đến 17.000 gia đình trong tổng số 15 triệu dân của thành phố này, gây thiệt hại cho 1.700 doanh nghiệp, 675 cửa hàng, cơ sở sản xuất...

Gần 1 tuần sau vụ nổ, khói trắng vẫn bốc cao

Mặc dù ngày 15/8, chính quyền TP Thiên Tân đã sơ tán người dân trong vòng bán kính 3km vì lo nhiễm hóa chất độc hại khi hàng trăm tấn Cyanua Natri được lưu giữ ở hai kho khác nhau bị cháy. Công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang được tiến hành, nhất là tại hiện trường, số hóa chất cực độc vẫn đang được các lực lượng khẩn trương dọn dẹp để tránh trời mưa xuống gây phản ứng hóa học tạo khí độc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đến viếng lực lượng cứu hộ ngã xuống trong sự kiện 12/8 ở Thiên Tân.

Dù chưa thể tính hết giá trị thiệt hại của tài sản liên quan, trong đó có hàng ngàn chiếc ôtô nhập khẩu bị thiêu rụi trị giá hơn 2 tỷ tệ, nhưng trước mắt các công ty bảo hiểm có thể phải bồi thường từ 1,5 tỷ USD cho những tổn thất nghiêm trọng trong thảm họa cháy nổ vừa qua, đó là chưa nói đến những mất mát về con người.

Trước mắt, Tập đoàn bảo hiểm Sunshine, Công ty China United Insurance Holding, Công ty bảo hiểm nhân dân Trung Quốc và một số chi nhánh bảo hiểm ở Thiên Tân đã lên kế hoạch giải quyết khiếu nại, bồi thường.

Hiện trường vụ nổ.

Bài học kinh nghiệm từ thảm họa Thiên Tân, theo Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình là “cái giá phải trả bằng máu”, đồng thời người đứng đầu Trung Quốc yêu cầu cần có cơ chế ứng cứu khẩn cấp tốt hơn, thực hiện nghiêm các quy định và biện pháp an toàn lao động để tránh lặp lại thảm họa tương tự.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng khởi động cuộc thanh kiểm tra trên diện rộng, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp hóa chất hiện đang khá manh mún về quy mô và buông lỏng về kiểm tra, tiềm ẩn những mối họa khó lường.

Hoa Lâm (theo Chinanews)
.
.
.