Tranh cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đua nhiều ẩn số

Thứ Bảy, 08/12/2007, 08:00
Còn một năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mới tại Mỹ. Tuy nhiên, quá trình vận động tranh cử đã bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt. Và mặc dù các cuộc thăm dò dư luận (được tiến hành khá thường xuyên) hiện giờ vẫn khó có thể xác định được ngôi sao nổi trội nhưng cũng đủ để đưa ra một nhóm các ứng cử viên được lòng dân hơn cả.

Các con số thống kê cho thấy, cử tri Mỹ quan tâm tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay nhiều hơn so với các kỳ bầu cử Tổng thống trước. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn của các cử tri vào tháng 11 năm tới nên mặc dù đã có trong tay rất nhiều nguồn dữ liệu về thái độ của dân Mỹ đối với các ứng cử viên, vẫn rất khó đoán định được tên người sẽ giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này.

Trong mắt cử tri

Người Mỹ hiện nay quả thực đang rất quan tâm tới việc ai sẽ làm chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới. Viện Điều tra xã hội Gallup mới đây đã tiến hành thăm dò ý kiến của người Mỹ về cách mà họ hình dung ra người chủ mới của Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.

Những người được hỏi ý kiến có thể đưa ra không chỉ một phương án câu trả lời. Đại đa số những người được hỏi ý kiến (93%) đều chú trọng tới ham muốn của vị Tổng thống mới trong việc thay đổi những lề thói quen thuộc đang thịnh hành tại Washington.

Hillary Clinton.

Các cử tri cũng sẽ quan tâm tới việc liệu ứng cử viên Tổng thống có ăn nên làm ra trong kinh doanh hay không (ý kiến của 71% số người được hỏi); việc ứng cử viên Tổng thống có kinh nghiệm phục vụ trong quân đội hay không (58%); có kinh nghiệm làm việc lập pháp trong các cơ quan liên bang hay không (57%); có kinh nghiệm làm việc ở Washington hay không (56%); cũng như việc liệu ứng cử viên Tổng thống có từng làm Thống đốc bang hay chưa (50%)…

Vấn đề ít có ý nghĩa nhất đối với các cử tri Mỹ trong việc lựa chọn vị Tổng thống tương lai là hiện trạng gia đình của các ứng cử viên. Chỉ có 4% số người được hỏi cho rằng đối với họ có ý nghĩa quan trọng việc liệu ứng cử viên Tổng thống từng li dị vợ hoặc chồng; 5% cho rằng họ sẽ đánh giá các ứng cử viên dựa trên quan hệ của những người này với con cái mình.

Cũng chỉ có 5% số người được hỏi ý kiến cho rằng họ sẽ để ý tới việc, liệu ứng cử viên Tổng thống nhiều hay ít hơn tuổi "cổ lai hy".

Barack Obama.

Một điều thú vị là những người ủng hộ đảng Cộng hòa và những người ủng hộ đảng Dân chủ lại có những cách chú ý khác nhau tới phẩm chất của các ứng cử viên.

Đối với những người thuộc phe Cộng hòa, quan trọng hơn cả là kinh nghiệm phục vụ trong quân đội, kinh nghiệm làm Thống đốc (tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng hiện nay có hai cựu Thống đốc thuộc đảng Cộng hòa và một Thống đốc thuộc đảng Dân chủ) hay kinh nghiệm làm Thị trưởng (ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa Rudy Giuliani đã có thời gian từng làm Thị trưởng New York).

Ngoài ra, những người thuộc phe Cộng hòa còn quan tâm tới việc con cái của các ứng cử viên đang hoặc đã từng phục vụ trong quân đội hay không và liệu ứng cử viên có ăn nên làm ra trong kinh doanh hay không.

John McCain.

Theo các cuộc thăm dò, hiện nay, trong phe Dân chủ, trong số những ứng cử viên nổi trội hơn cả có cựu Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ da đen Barack Obama và cựu Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Phó Tổng thống John Edwards.

Các cử tri thuộc phe Cộng hòa hiện giờ sẵn sàng bỏ phiếu nhiều nhất cho các ứng cử viên Rudy Giuliani (cựu Thị trưởng New York), cựu Thượng nghị sĩ kiêm diễn viên Fred Thompson, Thượng nghị sĩ John McCain (từng là phi công bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch trong chiến tranh Việt Nam), cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney…

"Quyền lực thứ tư" yêu ai?

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chương trình nâng cao nghiệp vụ trong báo chí và Trung tâm Báo chí và Chính trị Xã hội, chỉ có 5 ứng cử viên là bà Hillary Clinton, ông Obama, ông Rudy Giuliani, ông John McCain và ông Mitt Romney được nhắc tới trong hơn 50% số bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng (trong khuôn khổ nghiên cứu đã xem xét các bài báo và chương trình được công bố trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 5/2007).

Mitt Romney.

Các ứng cử viên phe Dân chủ được nhắc tới nhiều hơn (49%) các ứng cử viên phe Cộng hòa (31%).

Ngoài ra, các nhà báo viết về các ứng cử viên thuộc phe Dân chủ tích cực hơn là khi viết về các ứng cử viên thuộc phe Cộng hòa.

Người được "quyền lực thứ tư" yêu quý nhất trong số các ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama: Trong 47% các bài báo, ông được đề cập tới từ khía cạnh tích cực và chỉ trong 16% số bài báo bị đề cập từ khía cạnh tiêu cực.

Đối với bà Hillary Clinton, tình cảnh kém phần dễ chịu khá nhiều: 27% tích cực và 38% tiêu cực. Về ông Rudy Giuliani, các phương tiện thông tin đại chúng viết từ góc độ tích cực trong 28% số bài và từ góc độ tiêu cực trong 37% số bài.

Rudy Giuliani.

Các nhà báo Mỹ ít ưa chuộng ứng cử viên John McCain nhất: Ông này bị đề cập từ góc độ tích cực chỉ trong 12% số bài và từ góc độ tiêu cực ở trong 48% số bài. 63% số các bài báo đề cập tới bầu cử bàn về những nét đặc biệt trong các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên; 17% đề cập tới tiểu sử của các ứng cử viên; 15% nói về các lý tưởng và chương trình của những người này.

Trong 86% số bài viết hay chương trình đề cập tới việc sự kiện này hay tuyên bố nọ có ảnh hưởng thế nào tới các ứng cử viên hoặc chính đảng của họ. Chỉ trong 14% số các bài viết, các nhà báo mới đứng trên quan điểm của những người dân thường ở Mỹ.

Tiền liền với vận động tranh cử

Có một ứng cử viên độc lập (không thuộc đảng Dân chủ cũng không thuộc đảng Cộng hòa) đang được dư luận chú ý tới vì có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho các ứng cử viên "con cưng". Đó là nhà doanh nghiệp rất đỗi giàu có Michael Bloomberg, người từng hai lần được bầu làm Thị trưởng New York (ông này hiện nay vẫn ngồi ở vị trí đó).

Ông Bloomberg từng là đảng viên đảng Dân chủ suốt một thời gian dài nhưng tới năm 2001, ông lại xin gia nhập vào đảng Cộng hòa và tới năm 2007, lại tuyên bố thôi không làm đảng viên đảng Cộng hòa nữa.

Theo một số nguồn tin mà trang web Washprofile dẫn, ông Bloomberg có thể sẽ tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 2/2008 và khác với nhiều chính trị gia khác, đối với ông này chuyện tiền bạc không phải là vấn đề cần bận tâm suy nghĩ.

Tạp chí Forbes đánh giá gia sản của Bloomberg ở mức 5,5 tỉ USD. "Quân tử ngũ cốc", năm 2005, ông Bloomberg đã bỏ ra 85 triệu USD để tranh cử chức Thị trưởng New York.

Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tới thời điểm này đã nhận được số tiền quyên góp cho các chiến dịch tranh cử 416,2 triệu USD. Phe Dân chủ đã nhận được nhiều hơn phe Cộng hòa (241,1 triệu USD so với 175,1 triệu USD).

Người quyên được nhiều nhất là bà Hillary Clinton (89 triệu USD). Tiếp theo là ông Barack Obama (79,4 triệu USD); ông Mitt Romney (61,6 triệu USD); ông Rudy Giuliani (46,7 triệu USD); ông John McCain (31,4 triệu USD) và ông John Edwards (30,1 triệu USD).

Nghệ sĩ Fred Thompson gia nhập cuộc đua vào Nhà Trắng tuy muộn hơn những người khác nhưng cũng đã quyên được 12,7 triệu USD.

Hai nhà nghiên cứu David và Johnny Johnson, tác giả cuốn sách "Những tình tiết thú vị, xuất hiện trên đường vào Nhà Trắng" đã tập hợp một bộ sưu tập các thí dụ rất điển hình về việc những người sống cùng thời đã đánh giá thế nào về các ứng cử viên Tổng thống Mỹ.

Năm 1991 tại Mỹ đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến rộng rãi các nhà sử học, chính trị học, các chính trị gia đánh giá về các đời chủ nhân ông Nhà Trắng (những  cuộc thăm dò ý kiến như vậy vẫn được tiến hành thường xuyên nhưng năm 1991, tham gia chỉ là những nhà chuyên môn chứ không phải công chúng rộng rãi).

Các chuyên gia lập danh sách "những Tổng thống vĩ đại", trong đó có Abraham Lincoln,  Franklin Roosevelt, George Washington và Thomas Jefferson. Tuy nhiên, những người sống đồng thời với các vị Tổng thống này lại đánh giá về họ khác. Thí dụ, tờ báo "Atlanta Intellengecer" lại gọi Lincoln là "gã hề dị dạng bất lịch sự". Nhà báo nổi tiếng Henry Louis Mencken lại kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho Roosevelt vì ông này "coi  quốc gia là con bò sữa với 125 triệu núm vú" (số dân Mỹ lúc đó là 125 triệu người).

Tờ báo "Philadelphia Aurora" vận động chống lại việc Washington trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Một trong những vị Tổng thống lập quốc ở Mỹ là ông Alexander Hamilton lại gọi một vị Tổng thống lập quốc khác là ông Thomas Jefferson là "kẻ giả dối trắng trợn".

Hoàng Trung
.
.
.