Tranh cãi xung quanh lệnh bắt Phó Tổng thống Iraq

Thứ Tư, 21/12/2011, 09:08
Lệnh bắt Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi (người Hồi giáo dòng Sunni) với tội danh ám sát và khủng bố đang khiến chính trường Iraq chao đảo. An ninh được thắt chặt ở khắp nơi bởi người ta lo ngại vụ việc sẽ làm "sống lại" những mâu thuẫn cố hữu trong lòng xã hội Iraq.

Lời khai của 3 nhân chứng

Tin từ hãng AP cho biết, hôm 19/12, Chính phủ Iraq do người Hồi giáo dòng Shiite đứng đầu đột nhiên tuyên bố lệnh bắt đối với Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi, cáo buộc ông này tổ chức một nhóm chuyên ám sát các quan chức chính phủ và giới chức an ninh.

Trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Iraq, Adel Daham cho biết, một vệ sĩ của ông Tariq al-Hashemi được xác nhận là thuộc nhóm ám sát nói trên. Nhóm này dự định bắt đầu thực hiện chiến dịch của mình từ ngày 19/12 khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq. Để minh chứng cho những tuyên bố của mình, ông Adel Daham đã cho công chiếu các đoạn băng video và băng ghi âm trên đài truyền hình quốc gia, băng ghi lời khai của 3 người đàn ông nhận là vệ sĩ và là thành viên của nhóm ám sát do ông Tariq al-Hashemi đứng đầu.

Phó Tổng thống Iraq Tariq al-Hashemi bị cáo buộc tội danh ám sát và khủng bố

Những người đàn ông này cho biết, họ đã được trả một khoản tiền không nhỏ cho chiến dịch ám sát. Theo kế hoạch, họ sẽ tổ chức các cuộc đánh bom trên đường phố hoặc dùng súng bắn tỉa để bắn chết các quan chức chính phủ, giới chức an ninh. Một trong số 3 người này còn khẳng định, anh đã được ông Tariq al-Hashemi trao thưởng 3.000 USD cho một phi vụ đã thực hiện trước đó. Tuy nhiên, danh tính của 3 người đàn ông nói trên lại không được tiết lộ. Vì thế, dư luận cũng chưa rõ câu chuyện ở Iraq hiện nay thực hư như thế nào.

Trong một tuyên bố đưa ra sáng 19/12, ông Tariq al-Hashemi vẫn cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki có những hành động quấy nhiễu khi máy bay chở ông bị hoãn tới 3 tiếng đồng hồ so với lịch trình ở sân bay Baghdad. Ông Tariq al-Hashemi cũng cho biết tới thành phố Sulaimaniya để gặp Tổng thống Iraq và tuyên bố sẽ kiên nhẫn để chờ đợi lời giải thích hợp lý của chính phủ và các đảng phái khác.

Nguồn tin từ hãng Reuters cho hay, ông Tariq al-Hashemi đã rời Baghdad từ hôm 18/12 và tới vùng núi phía Bắc, nơi có đông người Kurd sinh sống. Bộ Nội vụ Iraq cho rằng, ông Tariq al-Hashemi tới đó để lẩn trốn với hy vọng người Kurd sẽ không giao nộp ông cho chính phủ. Vài ngày trước khi bị ban lệnh bắt giữ, ông Tariq al-Hashemi cũng được yêu cầu không rời khỏi Iraq. Trong gần nửa tháng qua, nhà riêng của Phó Tổng thống đã bị theo dõi.

Khoét sâu mâu thuẫn

Theo nhiều nhà phân tích, hành động này của Chính phủ Iraq có thể làm tổn hại đến thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa người Hồi giáo dòng Shiite, Sunni và người Kurd. Trên thực tế, mâu thuẫn chính trị giữa chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki (người Hồi giáo dòng Shiite) và các chính trị gia người Hồi giáo dòng Sunni ngày càng gia tăng, nhất là khi Mỹ tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Iraq sau 9 năm chiếm đóng.

Hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Nuri al-Maliki còn đề nghị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính trị gia nổi tiếng của dòng Hồi giáo Sunni Saleh al-Mutlaq, người đang giữ vị trí Phó Thủ tướng trong chính phủ của ông. Nhà phân tích chính trị Kadhum al-Muqdadi cảnh báo rằng, những động thái này có thể khiến Iraq rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị còn kinh hoàng hơn thời kỳ đầu chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố, chính quyền Washington hết sức lo ngại về những xung đột nảy sinh giữa các đảng phái ở Iraq, nhất là xung quanh lệnh bắt mới được ban ra nhằm vào ông Tariq al-Hashemi. Ông Jay Carney nói: "Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán vì lợi ích dân tộc".

Ông Tariq al-Hashemi sinh năm 1942. Trước khi tham gia chính trường, ông từng học tại Học viện Quân sự (1959-1962) và học Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Al-Mustansiriya. Năm 33 tuổi, ông bắt đầu tham chính, trở thành chính trị gia người Hồi giáo dòng Sunni và giữ chức Tổng thư ký Đảng Hồi giáo Iraq (IIP) đến tháng 5/2009. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2005, ông được bầu làm Phó Tổng  thống Iraq

Gia Nam
.
.
.