Tranh cãi xung quanh dự thảo mở rộng Hội đồng Bảo an

Thứ Bảy, 22/03/2008, 15:58
Ngày 21/3, CH Síp và Đức đã cùng nhau đệ trình một bản dự thảo mới về việc mở rộng Hội đồng Bảo an LHQ lên thành 22 thành viên (thường trực và không thường trực). Đây được coi là những nỗ lực mới nhất trong việc giải quyết bất đồng giữa các nước thành viên LHQ xung quanh vấn đề gây nhiều tranh cãi này.

7 thành viên mới

Theo thông tin được đăng tải trên hãng Stuff của New Zealand, lãnh đạo 4 quốc gia gồm Đức, CH Síp, Hà Lan và Anh quốc đã cùng nhau làm việc, bàn bạc để đưa ra những chi tiết mới trong bản dự thảo của mình. Họ kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an LHQ, tăng số thành viên từ 15 lên 22.

Trong một phiên họp kín tại New York (Mỹ) tối 18/3, 50 quốc gia tham gia cuộc họp đã bác bỏ một bản dự thảo trước đó vì văn bản này không nói tới một công thức rõ ràng cho việc mở rộng nhóm các quốc gia thường trực.

Nắm bắt được điểm này, cả CH Síp, Đức, Hà Lan và Anh quốc đều rất thận trọng trong bản dự thảo mới. Họ cho rằng, phải có thêm 2 ghế cho các quốc gia châu Phi, 2 ghế cho châu Á, một cho Mỹ Latinh và vùng Caribbe, một cho các nước Tây Âu và một cho khu vực Đông Âu.

Về giới hạn vị trí, bản dự thảo mới đã để ngỏ, nghĩa là các thành viên này có thể bổ sung vào nhóm những nước thường trực hay không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Sở dĩ phải dùng phương pháp này vì cả 4 quốc gia tham gia viết dự thảo đều muốn tránh gây ra những hiểu lầm không đáng có như đã xảy ra tại cuộc họp ở New York.

Trước đó, từng có một kế hoạch cải tổ với đề xuất nâng số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an lên thành 10 nước trong đó 5 ứng viên mới được đề cập nhiều nhất là Đức, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và một quốc gia châu Phi (có thể là Nam Phi hoặc Nigeria).

Ngày 21/11/2004, nhóm G4 (Đức, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ) đã ra một thông cáo chung ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực giành 4 vị trí thường trực này cùng với một vị trí cho châu Phi. Pháp và Mỹ tuyên bố ủng hộ ý định trên nhưng một số quốc gia khác lại cho rằng có thể 5 thành viên thường trực mới sẽ không được trao quyền phủ quyết. Chính những điều này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Gian nan công cuộc cải tổ

Là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên nhất của LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương LHQ thì bắt buộc các nước thành viên LHQ phải thi hành.

Hội đồng Bản an LHQ hiện có 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực (nhiệm kỳ  2 năm) với định mức cho mỗi khu vực như sau: châu Phi, châu Á, châu Mỹ, Tây Âu mỗi khu vực 2 nước; Đông Âu 1 nước và suất còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, hình thức 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã trở nên quá lỗi thời và bản thân những nước này cũng không thể đủ sức đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh chính trị, an ninh toàn cầu.

Hơn thế nữa, việc gia tăng thành viên Hội đồng Bảo an cũng là một phương cách để chống lại quan điểm "đơn cực", đẩy mạnh xu thế "đa cực" trên thế giới. Vì vậy, hơn một thập niên qua, vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an đã được LHQ thảo luận sôi nổi mà không đạt được nhiều tiến bộ. Gần đây, có ý kiến gợi ý rằng thay vì một nhóm công tác thảo luận vấn đề, Đại hội đồng LHQ nên bắt đầu các vòng thương thuyết liên Chính phủ về những yếu tố do các nhóm đưa ra.

Riêng đối với đề xuất mới này, Janos Tisovszky - phát ngôn viên của Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, Đại sứ Srgjan Kerim (người Macedonia) cho biết, Đại sứ Srgjan Kerim sẽ cùng nhóm cố vấn đến từ Bangladesh, Chile, Bồ Đào Nha nghiên cứu 3 đề xuất và quyết định lựa chọn một đề xuất hợp lý nhất.

Nguồn tin từ hãng Reuters khẳng định, Italia phản đối ý kiến đưa Đức vào vị trí thành viên thường trực và Pakistan cũng không chấp nhận một chiếc ghế cho quốc gia láng giềng Ấn Độ

Huyền Chi
.
.
.