Tranh cãi về kết luận máy bay bị mất tích đâm xuống biển

Thứ Tư, 26/03/2014, 09:11
Tuyên bố của chính phủ Malaysia về số phận của chiếc máy bay bị mất tích Boeing 777-200 đang gây chấn động dư luận. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn khẳng định chưa có đầy đủ cơ sở để xác nhận máy bay bị đâm xuống Ấn Độ Dương. Còn Trung Quốc thì đòi Malaysia phải cung cấp lại các dữ liệu vệ tinh về chiếc máy bay này.
>> Máy bay đã lao xuống biển, không hành khách nào sống sót

Từ thái độ của Trung Quốc, Mỹ

Vài tiếng sau khi có tuyên bố chính thức về việc chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airline đâm xuống Ấn Độ Dương, chính phủ Malaysia đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế, đặc biệt là thân nhân các hành khách trên chuyến bay xấu số này. Tin từ hãng AFP cho hay, đến trưa ngày 25/3, hàng trăm người đã tuần hành đến trước cửa Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Họ mặc áo phông màu trắng có dòng chữ “Hãy cầu nguyện cho MH370” và giơ cao những khẩu hiệu “Hãy nói sự thật! Hãy trả lại cho chúng tôi những người thân của mình” và hò hét trong khoảng 3 tiếng liền. Sau đó, những người này còn gửi tới Đại sứ quán Malaysia một bức thư phản đối, cáo buộc giới chức Malaysia đã cố tình trì hoãn thời gian và giữ kín thông tin về chiếc máy bay.

Trước phản ứng mạnh mẽ của người dân, chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu Malaysia cung cấp dữ liệu vệ tinh và những bằng chứng chi tiết dẫn đến việc đưa ra kết luận là máy bay đâm xuống Ấn Độ Dương. Mặt khác, Bắc Kinh cũng đã triển khai thêm tàu tới khu vực được cho là thấy những mảnh vỡ nghi của chiếc máy bay Boeing 777-200.

Trong khi đó, Mỹ lại đưa ra một tuyên bố khá nhạy cảm, cho rằng, chưa có bằng chứng nào cho thấy chuyến bay MH370 của Malaysia đã rơi xuống biển. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf còn khẳng định, Washington đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Malaysia để điều tra về thông tin này. Các nhân viên của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuối tháng 3 này sẽ thẩm vấn vợ cơ trưởng chuyến bay MH370...

Thân nhân các hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 đang tụ tập trước cổng Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh.

Đến công tác tìm kiếm

Theo tin từ tờ The Strait Times, trưa 25/3, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã phải báo cáo trước Quốc hội nước này về công tác điều tra, tìm kiếm về chiếc máy bay Boeing 777-2000 bị mất tích. Trong lời phát biểu dài 10 phút, ông Najib đã bác bỏ ý kiến cho rằng Chính phủ Malaysia đang giấu giếm thông tin đối với thân nhân những người đã đi chuyến bay MH370.

Khẳng định rằng chiếc máy bay đã bị đâm xuống Ấn Độ Dương, ông Najib đã gửi lời cầu nguyện và chia buồn tới thân nhân gia đình các hành khách trên chuyến bay. Trước đó, vào tối 24/3, Thủ tướng Malaysia cũng đã đích thân tuyên bố về kết luận cuối cùng xung quanh số phận chuyến bay MH370. Khi đó, ông Najib đã khẳng định, kết luận này được đưa ra dựa trên những dữ liệu vệ tinh của một hãng vệ tinh Anh.

Theo đó, máy bay Boeing 777-200 đã bay dọc theo hành lang phía Nam và vị trí cuối cùng của nó là ở giữa Ấn Độ Dương, phía Tây Perth. Hiện tại, công tác tìm kiếm các máy vỡ của máy bay đang được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, hãng AFP cho biết, gió to, mưa lớn và mây bay thấp khiến các máy bay không thể bay an toàn tới khu vực phát hiện các vật thể nghi là của chuyến bay MH370. Dẫu vậy, người ta vẫn hy vọng sẽ sớm tìm được hộp đen của chiếc máy bay để xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra trên chuyến bay này. Mỹ cũng đã cùng tham gia vào công tác tìm kiếm bằng cách triển khai một hệ thống định vị hộp đen có tên gọi Pinger Locator và một tàu tự hành tìm kiếm dưới đáy biển tới Australia.

Và hành động của Malaysia Airlines

Theo tính toán của các chuyên gia bảo hiểm, với việc xác nhận rằng máy bay Boeng 777-200 bị đâm xuống biển, hãng hàng không Malaysia Airlines có thể sẽ phải bồi thường số tiền lên tới hàng chục triệu USD cho nạn nhân trên chuyến bay này. Trưa 25/3, trong động thái chia buồn tới thân nhân các nạn nhân, hãng hàng không Malaysia Airlines cũng đã tuyên bố hỗ trợ ban đầu 5.000 USD cho mỗi gia đình hành khách trên chuyến bay.

Giám đốc điều hành của Malaysia Airlines (MAS) Ahmad Jauhari Yahya cho biết,  MAS sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn 900 thành viên các gia đình nạn nhân, với 2 nhân viên được phân công để chăm nom, hỗ trợ và tư vấn cho mỗi gia đình. Toàn bộ chi phí ăn, ở và các chi phí khác cho tối đa 5 người thân của mỗi hành khách từ ngày 8/3 đến nay cũng được MAS chi trả.

Chủ tịch Malaysia Airlines Mohammed Nor Mohammed Yusof thì cho biết, hãng này cần phải có thêm nhiều thời gian nữa để có thể giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến chiếc máy bay mất tích

Phan Hiển
.
.
.