Tranh cãi về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Assad

Thứ Ba, 08/01/2013, 09:44
Mặc dù luôn miệng kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria, song ngay cả khi Tổng thống Bashar al-Assad đích thân đề xuất sáng kiến 3 giai đoạn nhằm chấm dứt khủng hoảng ở nước này, nhưng Mỹ và các quốc gia phương Tây vẫn không xóa bỏ được sự kỳ thị và đưa ra những nghi ngờ khiến cho các nỗ lực để giải quyết vấn đề Syria càng trở nên bế tắc.
>> Giải pháp hòa bình cho Syria: Ngừng bắn và đối thoại

Tin từ hãng BBC cho hay, ngày 7/1, Hội đồng quốc gia Syria (SNC) đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Bashar al-Assad. Trả lời hãng tin AFP, phát ngôn viên của SNC Walid al-Bunni cho rằng, “ông Assad chỉ muốn các bên đàm phán đi theo lựa chọn của mình và sẽ không chấp thuận bất kỳ sáng kiến nào có thể đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria hoặc dẫn tới việc ông phải ra đi và giải tán chính phủ”.

Phong trào Anh em Hồi giáo tại Syria khẳng định, bài phát biểu của ông Assad là “vô nghĩa”. Mỹ cũng lên tiếng phản bác lại bài phát biểu trước đó của Tổng thống Bashar al-Assad. Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho rằng, kế hoạch hòa bình mà ông Assad đưa ra chỉ là “nỗ lực nhằm tiếp tục giành quyền lãnh đạo ở quốc gia Bắc Phi này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland còn cáo buộc rằng, trong đề xuất của mình, ông Assad không chú trọng đến việc chuyển giao quyền lực cũng như quyền lợi của người dân Syria. Chưa hết, bà Victoria Nuland còn cho rằng, lộ trình kết thúc chiến tranh kiểu này rất “xa rời thực tế” và điều quan trọng nhất là Tổng thống Syria nên từ chức. Nếu không, những phát biểu của ông chỉ là nỗ lực để bám lấy quyền lực và không làm được gì để tiến tới mục tiêu của người dân Syria về một cuộc chuyển giao chính trị”.

Tổng thống Bashar al-Assad đột nhiên xuất hiện trước công chúng sau 7 tháng vắng bóng và đưa ra đề xuất để giải quyết vấn đề Syria nhưng đã bị Mỹ và các nước phương Tây phản đối.

Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ còn cáo buộc, kế hoạch của ông Assad sẽ hủy hoại những nỗ lực của đặc phái viên hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab (AL) Lakhdar Brahimi và “chỉ tạo  điều kiện cho chính phủ tiếp tục đàn áp đẫm máu người dân Syria”.

Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết, EU "sẽ xem xét kỹ để xem có điều gì mới trong bài phát biểu của ông Assad hay không, song EU vẫn giữ quan điểm ông Assad phải ra đi để tạo điều kiện cho việc chuyển giao chính trị ở Syria”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cho rằng, ông Assad "chỉ lặp lại những gì ông ta đã nói từ trước đến nay”.

Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Anh William Hague và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng cho rằng, kế hoạch nói trên là “những lời hứa hão” và rằng, ông Assad nên ra lệnh cho các lực lượng an ninh chấm dứt bạo lực thay vì có những phát biểu mơ hồ về việc “sẵn sàng ngừng bắn”.

Trong khi đó, tại cuộc gặp với các lãnh đạo tôn giáo đến từ Arab Saudi, Malaysia và Indonesia tại thị trấn Bogor, gần thủ đô Jakarta, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi Tổng thống Syria từ chức ngay lập tức để đem lại hòa bình trong nước. Hiện chưa có phản ứng nào từ phía Nga và Trung Quốc nhưng theo nhiều tờ báo, từ trước đến nay hai nước này vẫn giữ nguyên quan điểm không buộc ông Bashar al-Assad từ chức và tổ chức đối thoại hòa bình giữa chính phủ và lực lượng đối lập.

Được biết, hôm 6/1, Tổng thống Bashar al-Assad đã có bài phát biểu quan trọng trước công chúng sau 7 tháng vắng bóng. Theo đó, ông Bashar al-Assad đã đưa ra đề xuất gồm 3 điểm chính nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 21 tháng qua.

Với quan điểm rằng, cuộc xung đột hiện nay ở Syria thực chất là một cuộc chiến giữa một quốc gia với những kẻ thù nhằm chia cắt nước này, Tổng thống Bashar al-Assad đã bày tỏ lo ngại quê hương ông sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho Al-Qaeda hoạt động. Chính sự có mặt của mạng lưới khủng bố khiến tình hình càng trở nên rối loạn.

Theo báo cáo của Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay, hơn 60.000 người trong đó phần lớn là dân thường vô tội và binh sĩ Syria, quân nổi dậy đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài từ đầu năm 2012 đến nay ở quốc gia Bắc Phi này. Con số này cũng cho thấy, cuộc tranh giành quyền lực ở Syria thậm chí còn tàn bạo và đẫm máu hơn những gì đã xảy ra ở quốc gia láng giềng Libya hồi năm ngoái.

Điều đáng nói là con số này còn cao gấp nhiều lần so với con số 5.000 người thiệt mạng trong các vụ biểu tình bạo lực và đấu súng ở nhiều tỉnh thành của Syria kể từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2011. Vì vậy, nhiều người lo ngại, ngay cả khi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức theo yêu cầu của lực lượng đối lập thì Syria vẫn chưa thể yên tiếng súng. Vào trung tuần tháng 1 này, Đặc phái viên của LHQ và AL L.Brahimi sẽ tổ chức cuộc gặp tay ba giữa ông với đại diện Mỹ và Nga để bàn về vấn đề Syria.  (Khánh Chi

Sông Thương
.
.
.