Tổng tuyển cử ở Anh: Nhiều tranh cãi và khó tiên lượng

Thứ Tư, 06/05/2015, 08:49
Ngày 7/5, nước Anh tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội mới. Kết quả bầu cử cũng quyết định thành phần chính phủ mới của Anh trong nhiệm kỳ 5 năm.

Các kết quả thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron và Công đảng của thủ lĩnh Ed Miliband vẫn chưa thể bứt phá để giành được đa số ghế, đủ điều kiện tự thành lập chính phủ. Vì thế, nhiều khả năng, các đảng nhỏ lại nắm vai trò quyết định cán cân quyền lực. 

48 tiếng đồng hồ trước khi cuộc tổng tuyển cử bắt đầu, 7 đảng phái tham gia tranh cử đều đang cố gắng thực hiện những cuộc vận động cuối cùng với hy vọng sẽ giành thêm sự ủng hộ. Tuy nhiên, dư luận vẫn tập trung chú ý nhiều nhất vào động thái của hai đảng đang dẫn đầu là đảng Bảo thủ và Công đảng.

Tin từ hãng BBC cho hay, thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband quyết định kết thúc chặng vận động tranh cử của mình trên tuyến xe buýt ở thành phố Chester, phía Tây Bắc nước này, nơi ông gặp gỡ với một nhóm thanh niên, cùng tham gia bình luận về iPhones và thực hiện công nghệ “selfie”. Đối với Ed Miliband, internet đóng vai trò quan trọng trong lần vận động tranh cử này. Ông thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội, trao đổi và lắng nghe tâm tư của các cử tri trẻ tuổi.

An ninh được tăng cường để đảm bảo an toàn bầu cử. Ảnh: Independent.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron lại có kế hoạch gặp Nữ hoàng trong buổi trình diện cuối cùng tại Cung điện Buckingham trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Sau đó, ông David Cameron còn đưa ra tuyên bố ở bên ngoài số 10 phố Downing với nội dung tựa ý rằng: cử tri đang phải đối mặt với một “sự lựa chọn rõ ràng” giữa đảng Bảo thủ và Công đảng; rằng nước Anh đang đi “đúng đường” trong suốt 5 năm qua và một chính phủ do Công đảng cầm quyền “sẽ đem lại những hỗn loạn về kinh tế”…

Theo tin từ hãng BBC, trong khoảng hơn một tuần nay, lãnh đạo các chính đảng tham gia tranh cử đã cố gắng thu hút sự quan tâm của cử tri trong vấn đề nhập cư – một chủ đề đang nóng ở châu Âu. Thực chất, đây chỉ là cách đẩy vấn đề nhằm tạo nên một đề tài tranh cãi ảo. Vấn đề nhập cư quả thực cũng cần phải xem xét ở Anh, nơi có đông dân ở châu Á tới nhập cư nhưng nó không là vấn đề quan trọng nhất. Cái mà các cử tri Anh quan tâm nhiều nhất lúc này là chính sách, cương lĩnh tranh cử xung quanh vấn đề kinh tế và dịch vụ y tế quốc gia.

Hồi tháng 4, lãnh đạo 7 chính đảng ở Anh gồm Thủ tướng David Cameron thuộc đảng Bảo thủ, thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband, Phó Thủ tướng Nick Clegg thuộc đảng Dân chủ Tự do, Nigerl Farage – Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh, Nicol Sturgeon thuộc đảng Dân tộc Scotland, Natalie Bennett thuộc đảng Xanh và Leanne Wood thuộc đảng Plaid Cymuu của xứ Wales đã có 2 tiếng đồng hồ tranh luận 4 chủ đề gồm kinh tế, dịch vụ y tế quốc gia, nhập cư và Liên minh châu Âu (EU). Khi đó, những tranh luận gay gắt nhất lại diễn ra giữa hai người đứng đầu trong liên minh cầm quyền Bảo thủ - Lib Dem khi Phó Thủ tướng Nick Clegg chỉ trích Thủ tướng David Cameron từ chối tăng thuế đối với người giàu và đang tìm cách cắt giảm các chương trình giáo dục miễn phí do ông đề xuất.

Chưa hết, ông David Cameron còn bất đồng với thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband về việc cắt giảm chi tiêu công và “hợp đồng 0h” của người lao động. Công đảng cho rằng, cần phải có kế hoạch siết chặt những quy định đối với việc sử dụng "hợp đồng 0h" của giới doanh nghiệp. Nếu ký "hợp đồng 0h" trong 12 tuần liên tục, người công nhân có thể được chuyển sang hợp đồng tuyển dụng bình thường với công việc và thu nhập ổn định. Đảng Bảo thủ lại không đồng ý với đề xuất này…

Theo nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron mặc dù nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo 100 tập đoàn lớn nhưng cũng không có nghĩa là đảng này sẽ có thêm nhiều lá phiếu của cử tri.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Tổ chức Opinium cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ đã tăng ba điểm phần trăm so với một tuần trước đây lên 36%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng giảm hai điểm phần trăm xuống 33%.

Trong khi đó, kết quả thăm dò do tổ chức YouGov thực hiện đăng trên tờ Sunday Times (Thời báo Chủ nhật) lại cho thấy Công đảng đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 36%, cao hơn 3 điểm so với đảng Bảo thủ. Cuộc thăm dò của tổ chức ICM đăng trên tờ Sunday Telegraph cho thấy, tỷ lệ ủng hộ giữa hai chính đảng lớn nhất hiện ngang nhau ở mức 32%.

Điều này cho thấy, đảng Bảo thủ và Công đảng khó mà giành được đa số phiếu ủng hộ để đạt đủ điều kiện thành lập chính phủ. Có nghĩa là thành phần chính phủ mới có thể lại do các đảng nhỏ quyết định.

Anh là nước quân chủ lập hiến, vì vậy, cử tri sẽ chỉ đi bỏ phiếu để bầu ra nghị sĩ của địa phương mình thay vì bầu trực tiếp ra người đứng đầu nhà nước. Thủ tướng là người có khả năng chỉ huy đa số nghị sĩ ở Hạ viện và sau đó sẽ được bổ nhiệm bởi nguyên thủ quốc gia không qua bầu cử là Nữ hoàng. Có 650 ghế trong Quốc hội để các bên tranh cử, trong đó 533 ghế thuộc về Anh và 59 ghế thuộc Scotland, xứ Wales có 40 ghế và Bắc Ireland có 18 ghế.
Phan Hiển
.
.
.