Tổng thống al-Assad bị cáo buộc phạm tội ác chống loài người

Thứ Bảy, 18/02/2012, 13:16
Bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía Nga, Trung Quốc và Syria, sáng 17/2 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết lên án Syria, kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad ngừng ngay cuộc trấn áp bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến.

Ngay sau đó, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng thông qua nghị quyết mạnh mẽ lên án hành động sử dụng vũ lực "tàn bạo và không thể biện minh" của Syria đối với dân thường, đồng thời kêu gọi xem xét lại phương án pháp lý để quy trách nhiệm cho các quan chức thuộc chế độ này. Liên đoàn Arab (AL) thì nhấn mạnh, AL sẵn sàng "cung cấp mọi phương tiện, hỗ trợ về chính trị và vật chất" cho lực lượng đối lập Syria.

Tin từ hãng AP cho hay, vài giờ trước khi Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết lên án Syria, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vi phạm nhân quyền và phạm tội ác chống lại loài người bởi báo cáo từ các nhà hoạt động xã hội cho thấy, bạo lực ở Syria ngày càng gia tăng và có rất nhiều người đã bị quân đội chính phủ bắt giữ một cách bất hợp pháp.

Vì thế, khi cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng LHQ, trong tổng số 193 thành viên, có tới 137 quốc gia đồng ý với dự thảo Nghị quyết do AL đưa ra, 17 phiếu chống, còn lại là phiếu trắng.

Điểm khác biệt giữa cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ là dù có phiếu chống nhưng nếu số phiếu đồng thuận vượt quá số lượng cho phép thì Nghị quyết vẫn được thông qua. Do đó, dù Nga, Trung Quốc phản đối và thành công trong việc ngăn cản việc đưa ra một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an LHQ, song họ vẫn không thể làm khác được tại Đại hội đồng LHQ. Ngoài Nga và Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Cuba cùng một số quốc gia khác đều bỏ phiếu chống.

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari (người giơ tay) cảnh báo về nguy cơ gia tăng bạo lực trong khu vực sau khi Nghị quyết lên án nước này được Đại hội đồng LHQ thông qua.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết nước ông bỏ phiếu chống đối với nghị quyết này vì nó không bao hàm những sửa đổi mà Moskva đề xuất, trong khi người đồng cấp Trung Quốc nói rằng nghị quyết này chẳng khác nào sự can thiệp quá mức vào các vấn đề của một quốc gia có chủ quyền. Ngay trước phiên bỏ phiếu, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari cũng tuyên bố, nghị quyết trên tương đương với hành động can thiệp vô căn cứ vào nội tình Syria. Ông Bashar Jaafari khẳng định việc thông qua nghị quyết này, sẽ chỉ "làm trầm trọng cuộc khủng hoảng và gây thêm căng thẳng trong khu vực".

Ngoài thông điệp mạnh mẽ yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad ngừng ngay lập tức các cuộc đàn áp đẫm máu cướp đối với những người biểu tình, nghị quyết nói trên còn ủng hộ các nỗ lực của AL nhằm đảm bảo một sự chuyển giao dân chủ tại Damascus, nghĩa là ủng hộ đề xuất của AL về việc ông Bashar al-Assad nên trao lại quyền điều hành đất nước cho người phó của mình.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của LHQ hỗ trợ AL thúc đẩy một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có việc chỉ định một đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria. Theo kế hoạch của AL, việc thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia ở Syria sẽ diễn ra trong vòng hai tháng, sau đó là tổ chức bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội dưới sự giám sát của quốc tế...

Nhiều nhà quan sát lo ngại, với Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, tình hình ở Syria sẽ càng trở nên phức tạp và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông đang cận kề.

Việt Nam ủng hộ Syria trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về tình hình Syria, Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định sự ủng hộ đối với lập trường được tất cả các quốc gia nêu là cần tuân thủ các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các xung đột, bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân Syria và quá trình này phải do nhân dân Syria quyết định. Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có AL, nhằm đóng góp xây dựng để ổn định sớm được phục hồi, đối thoại tiến tới hòa giải dân tộc, thúc đẩy hòa bình ở Syria để xây dựng và phát triển đất nước. (PV)

Al-Qaeda đứng đằng sau các vụ đánh bom liều chết ở Syria

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Đức Thomas De Maiziere hôm 16-2, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã hé lộ thông tin rằng, Mỹ chưa thể xác định rõ được việc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda có hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Syria hay không. Tuy nhiên, tình báo Mỹ cũng không loại bỏ khả năng này. Điều đáng nói là trước đó, Thứ trưởng Nội vụ Iraq Clapper trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AFP cũng cho biết, Al-Qaeda đang đưa quân và vũ khí từ Iraq sang Syria. Theo ông Clapper, các thành viên Al-Qaeda đã thực hiện các vụ đánh bom liều chết ở Syria từ hồi tháng 3 năm ngoái nhằm gây bất ổn về chính trị-an ninh ở nước này. (Châu Anh)

Huyền Chi
.
.
.